Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải nhớ kỷ niệm về Bác Hồ

Google News

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải là một trong những phóng viên ảnh đời đầu của Báo Nhân Dân. Phần thưởng quý giá nhất với ông là những lần được “theo chân” ghi lại hình ảnh Bác Hồ.

Trong thời gian làm phóng viên ảnh Báo Nhân Dân, được “theo chân” ghi lại hình ảnh của Bác Hồ tại các sự kiện trong nước và quốc tế, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trịnh Hải có rất nhiều kỷ niệm, trong đó có những kỷ niệm đặc biệt ông không bao giờ quên.
Nghe si nhiep anh Trinh Hai nho ky niem ve Bac Ho
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải. (Ảnh: Nguyễn Hải)
Kỷ niệm thứ nhất, cũng là bài học lớn nhất của ông chính là lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Thời điểm năm 1957, Trịnh Hải được toà soạn phân công đi chụp ảnh Bác trong một cuộc mít-tinh tại Nhà hát Nhân Dân (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị Việt - Xô). Khi ấy ông rất sung sướng và hạnh phúc, từ ngày hôm trước, ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng đồ nghề gồm máy ảnh và đèn chụp loại tốt nhất của cơ quan. Thời đó máy móc còn chưa được đầu tư, đèn chụp đã rất cũ, chụp lúc sáng, lúc không.
Hôm đó ông đến từ sớm để chuẩn bị, trước khi vào lễ khai mạc ông đã thử máy và mọi thứ đều ổn. Nhưng khi lễ khai mạc bắt đầu, Bác Hồ bước ra từ cánh gà sân khấu, tất cả mọi người phía dưới đều vỗ tay hoan hô, Trịnh Hải tự tin bước lên sân khấu và khoảng cách với Bác Hồ lúc này chỉ còn khoảng 2m.
“Bác Hồ bước lên sân khấu, nở nụ cười rất tươi chào đồng bào, tôi bấm chụp liên tục. Thời đó là máy ảnh phim nên mỗi một lần bấm chụp là máy lại phải lên phim rất mất thời gian. Thế mà tôi phải chụp tới 4, 5 kiểu liền mà cái đèn không phát sáng. Và có lẽ tôi đã loay hoay lâu quá nên Bác đã chú ý, Bác ngẩng lên nhìn tôi nhưng không nói gì.
Tôi đành lui xuống. Ngày đó trời rét, tôi mặc áo bông mà mồ hôi lạnh chảy dọc sống lưng. Sau đó phải xin ảnh của TTXVN để đăng bài. Đây là một sự kiện rất quan trọng mà tôi đã thất bại trong đau đớn”, NSNA Trịnh Hải chia sẻ.
Thất bại lần đó là bài học lớn trong cuộc đời Trịnh Hải. Ông tự nhủ phải quyết tâm học tập, nâng cao tay nghề. Thông qua tài liệu nước ngoài và học từ phóng viên các nước bạn, thời gian trôi qua, ông đã trau dồi được nhiều kỹ thuật mới về máy ảnh, đặc biệt đã học được kỹ năng chụp ảnh không cần đèn.
Nghe si nhiep anh Trinh Hai nho ky niem ve Bac Ho-Hinh-2
Ảnh “Bác về thăm quê” nổi tiếng của nghệ sĩ Trịnh Hải.
Kỷ niệm thứ hai, cuối năm 1961, khi đó Trịnh Hải đang công tác ở Vinh. Bất ngờ được nghe tin Bác Hồ về công tác tại Nghệ An sau đó sẽ về thăm quê nhà ở Kim Liên. Trịnh Hải đã được tham gia đội ngũ phóng viên chụp ảnh Bác và chụp được bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ về thăm quê”.
NSNA Trịnh Hải kể, từ căn nhà tuổi ấu thơ ở làng Sen (Kim Liên), khi Bác bước sang nhà bên thì dân làng kéo đến rất đông. Lúc này Bác bước lên thềm nhà và nói: “Lần này tôi về đây là đi công tác, nhân dịp về thăm quê hương nên không kịp mang theo quà. Tôi chỉ có mấy điếu thuốc lá mời các cụ già. Bây giờ ở đây ai nhiều tuổi thì giơ tay lên tôi mời thuốc lá. Sau đó Bác mở hộp thuốc lá dẹt ra, chỉ còn khoảng 6, 7 điếu và Bác đã chia hết cho các cụ”.
Cũng trong dịp này, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức một cuộc họp mặt để các vị lão thành cách mạng được gặp Bác. Trịnh Hải cầm máy ảnh đứng trên bục sau lưng Bác nên quan sát hết toàn bộ hội trường lúc đó đã chật kín người. Bỗng Bác chỉ vào một cán bộ trẻ ngồi hàng ghế đầu nói: “Chú này có thấy ông già đứng thập thò mãi ở cửa không? Chú còn trẻ phải ra xin lỗi rồi mời cụ ấy vào”. Thế là những cán bộ còn trẻ có lẽ là cán bộ cấp tỉnh ngồi hai hàng ghế đầu lặng lẽ đi ra ngoài để các cụ được mời lên ghế trên ngồi. Bác đã giáo dục giới trẻ thật đơn giản mà sâu sắc về đạo lý tôn trọng người cao tuổi.
Nghe si nhiep anh Trinh Hai nho ky niem ve Bac Ho-Hinh-3
Bác Hồ chủ động ngồi xuống sân để chụp hình kỷ niệm cùng các đại biểu dự Hội nghị Phụ nữ toàn miền Bắc tham gia công tác chính quyền (1960). (Ảnh: Trịnh Hải)
Kỉ niệm thứ ba, ngày 1/5/1968, khi Bác Hồ dự lễ mít-tinh ở Quảng trường Ba Đình, do sức khỏe của Bác đã có phần giảm sút nên cảnh vệ không cho các nhà báo (cả trong nước và quốc tế) tiếp cận Đoàn Chủ tịch. Thấy cánh nhà báo nhốn nháo không ai làm việc được, Bác đứng lên gọi bằng tiếng Pháp: “Photographes” (các nhà nhiếp ảnh). Thế là mọi người ùa lên, không bị cản trở nữa.
Bác Hồ rút hoa bày trên mặt bàn tặng mỗi người một bông. Lúc ấy, Trịnh Hải vì mải miết chụp ảnh Bác nên đến lượt mình không còn bông hoa nào. Nhưng điều đó không làm ông buồn bởi ông đã may mắn chụp được bức ảnh Bác tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp (người đã xin được nhận làm con nuôi Bác Hồ và đã viết nhiều bài báo về Bác cũng như về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta).
Nghe si nhiep anh Trinh Hai nho ky niem ve Bac Ho-Hinh-4
Bức ảnh "Bác Hồ tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên Báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp". (Ảnh: Trịnh Hải)
Khi được hỏi, ông đã từng nói chuyện trực tiếp với Bác hay chưa, NSNA Trịnh Hải cười nói: “Sợ lắm. Rất muốn được trực tiếp nói chuyện với Bác chứ, nhưng sợ. Vinh dự nhất là có một tấm hình chụp Bác có mặt tôi. Đó là bức ảnh của ông Nguyễn Kim Côn (phóng viên ở Phủ Chủ tịch) chụp Bác đến thăm Báo Nhân dân ngày 18/1/1957”.
Trong sự nghiệp làm phóng viên và theo nghiệp nhiếp ảnh, dù đạt được vô số giải thưởng cao quý, nhưng đối với NSNA Trịnh Hải, phần thưởng quý giá nhất mà ông có được chính là những lần ông được “theo chân” ghi lại hình ảnh của Bác Hồ. Đến nay, những bức ảnh đó đều là tư liệu quý giá được lưu giữ tại một số bảo tàng và trưng bày tại các triển lãm ảnh. Ở tuổi 91 này, nghĩ về những tháng ngày đã qua, NSNA Trịnh Hải luôn cảm thấy tự hào!
>>> Mời độc giả xem thêm video Toàn văn: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập:

(Nguồn: VTV24)


Nguyễn Hải

>> xem thêm

Bình luận(0)