Thầy Hiệu trưởng “mách nước" thi vào 10: “Trí nhớ tốt không bằng nét mực mờ”

Google News

Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã đưa ra những lưu ý đặc biệt đối với thí sinh thi vào lớp 10 trong giai đoạn “nước rút” quan trọng này.

Học kín lịch trong giai đoạn “nước rút”
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, các học sinh lớp 9 của Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi vào lớp 10 THPT. Đây là kỳ thi được đánh giá là căng thẳng còn hơn cả kỳ thi vào đại học. Theo thống kê mới nhất, số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 là gần 105.000 em. Trong khi, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT khoảng 72.000. Như vậy, sẽ có khoảng 33.000 thí sinh sẽ trượt lớp 10 công lập.
Thay Hieu truong “mach nuoc
 Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội. Ảnh: Mai Loan.
Càng đến gần ngày thi, áp lực càng tăng. Nhiều học sinh lớp 9 đã chạy “sô” hết ca học này tới ca học khác. Chị Hoàng Lan Hương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, trong đợt thi thử vào lớp 10 vừa qua, con trai của chị chỉ được 5 điểm Toán. Điểm số đó khiến chị “tá hỏa”, phải tìm cho con ngay một lớp học thêm cấp tốc Toán buổi tối (ngoài những buổi học tại trường ban ngày). Vậy là thêm 3 buổi tối trong tuần, con trai chị kết thúc một ngày đi học khi đã 21h. Về nhà tắm rửa, ăn uống xong cũng phải 22h30-23h. Lúc đó, con bắt đầu giở sách ra tiếp tục tự học.
“Tôi thấy con mệt mỏi, nhiều lúc ngủ gục, gọi không dậy. Nhưng không biết làm sao bây giờ, bỏ không học thêm môn nào cũng thấy lo lắng”, chị Hương cho hay.
Nhiều thí sinh chia sẻ, càng gần đến ngày thi, các em càng cảm thấy lo lắng, áp lực, nhất là khi đọc thông tin về tỷ lệ “chọi” giữa các trường. Không ít em cảm thấy lúng túng, “ngợp” trước khối lượng kiến thức phải ôn tập. Một số em đi học thêm quá nhiều, không còn thời gian tự học.
“Trí nhớ tốt không bằng nét mực mờ”
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy giáo Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, trong giai đoạn này, các thí sinh cần bình tĩnh nghe theo định hướng của các thầy cô. Các em cần có một lịch rõ ràng cho việc ôn tập. Đặc biệt, cần lưu ý là học cái mới nhưng phải ôn tập lại kiến thức cũ và phải có thời gian tự học.
Thay Hieu truong “mach nuoc
 Thầy giáo Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội).
“Tôi cho rằng, mỗi ngày học sinh cần có thời gian tự học ít nhất là từ 2-3 giờ. Đặc biệt, “trí nhớ tốt không bằng nét mực mờ”, các em không chỉ nghe các thầy cô giảng, đọc tài liệu, mà phải cầm bút luyện tập, làm bài. Các em phải làm được các bài tập môn Ngữ văn, giải được các đề ôn tập môn tiếng Anh, môn Toán. Thậm chí là làm lại những bài mà các thầy cô đã hướng dẫn để ghi lại trên vỏ não lần 2, giúp các em có thể nhớ lâu, vững vàng về kỹ năng làm bài”, thầy Cường lưu ý.
Một điều nữa, theo thầy Cường cũng rất quan trọng, đó là các em cần điều chỉnh lại nếp học tập, nhịp sinh học phù hợp với ngày đi thi. Chẳng hạn, với nhiều học sinh hay thức đêm, nhưng lại ngủ ngày, gần đến ngày thi cần điều chỉnh lại để làm sao có trạng thái tỉnh táo nhất. Bởi buổi sáng ngày thi các em phải dậy sớm, và khoảng 7h30 các em phải vào phòng thi, nếu vẫn giữ nếp sinh hoạt ngủ ngày, thức đêm, có thể các em sẽ mệt mỏi, không có được trạng thái sức khỏe tốt nhất khi làm bài.
Cha mẹ cần đồng hành cùng con
Về phía phụ huynh, theo Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh, trong giai đoạn này, một điều rất quan trọng đó là cha mẹ phải đồng hành cùng con.
“Cha mẹ cần đồng hành cùng con mỗi ngày, chứ chứ không phải chỉ giao nhiệm vụ cho con từ đầu tuần tới cuối tuần, bởi lúc này, mỗi ngày với các con đều rất quý giá. Khi đồng hành thì mới nắm được tâm lý của các con ra sao để có giải pháp tháo gỡ kịp thời và hướng cho con cách thức học tập”, thầy Cường nói.
Theo đó, cha mẹ cùng con phân chia thời gian biểu trong một tuần cho từng môn học, phối hợp với thầy cô giáo để nắm được diễn biến quá trình học tập của con. Cần tính toán lịch học cho con vừa sức, làm sao để học sinh có thời gian đủ lớn để tự học ở nhà, tránh “ép” con đi học thêm quá nhiều gây mệt mỏi, không hiệu quả.
Các phụ huynh không nên giao những chỉ tiêu, đích đến, chất thêm sự căng thẳng, áp lực đối với các em. Thay vào đó, nên động viên con cố gắng, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất.
“Nhiều học sinh trong giai đoạn gần kỳ thi có những tiến bộ vượt bậc, nhưng cũng có những trường hợp không như kỳ vọng. Tâm lý, sự đồng hành của cha mẹ rất quan trọng với thí sinh”, thầy Cường nói.
Một điều rất quan trọng, theo thầy Cường, phụ huynh cần lưu ý trong thời điểm này, đó là đảm bảo sức khỏe cho các em. Các em cần được giữ nếp sinh hoạt hằng ngày một cách bình thường, tránh những việc làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Chẳng hạn, tránh chơi những môn thể thao quá sức, ăn uống không hợp vệ sinh gây ngộ độc thực phẩm, hoặc có khi lại bồi dưỡng quá đà, không quen, dẫn tới rối loạn tiêu hóa…
Hiện nay, thời tiết nắng nóng, phụ huynh càng cần có các biện pháp giữ gìn sức khỏe cho các em. Đặc biệt, các em cần ngủ đủ, trong đó có giấc ngủ trưa và giấc ngủ tối. Giấc ngủ trưa rất quan trọng, các em ngủ trưa thì mới tỉnh táo để học được buổi chiều. Cũng như vậy, buổi tối các em không nên học quá khuya, để sáng ra đủ sức khỏe đi học.

Thầy Nguyễn Cao Cường lưu ý, những giấy tờ liên quan kỳ thi, đồ dùng học tập cũng phải chuẩn bị thật tốt ở thời điểm này. Về phía giáo viên, cùng với cha mẹ các em, thầy Cường mong các thầy các cô phối hợp trả lời, giải đáp thắc mắc, động viên học sinh để làm sao các em có được sự tự tin, bước vào kỳ thi đạt được kết quả cao nhất.

Mời quý độc giả xem video: Chàng trai “vàng” Toán học Ngô Quý Đăng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về niềm đam mê với Toán học. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)