TS Đinh Ngọc Minh: Thiếu hụt nguồn nhân lực làm trí tuệ nhân tạo

Google News

Theo TS Đinh Ngọc Minh, nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam hiện đang thiếu rất nhiều, và một trong những khó khăn trong việc phát triển AI là còn thiếu những quy định rõ cho lĩnh vực này.

Nhiều khó khăn để phát triển ngành trí tuệ nhân tạo
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Đinh Ngọc Minh, Chủ nhiệm cấp cao của bộ môn Thạc sĩ trí tuệ nhân tạo (AI), ĐH RMIT chia sẻ, chất lượng nguồn lực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam tương đối tốt. Tuy nhiên, về số lượng hiện nay thiếu rất nhiều.
TS Dinh Ngoc Minh: Thieu hut nguon nhan luc lam tri tue nhan tao
 TS Đinh Ngọc Minh, Chủ nhiệm cấp cao của bộ môn Thạc sĩ trí tuệ nhân tạo (AI), ĐH RMIT. Ảnh: Mai Loan.
Điều này, xuất phát từ một số khó khăn, rào cản. Trong đó, khó khăn đầu tiên là hiện Việt Nam vẫn chưa có các chương trình nghị sự liên quan tới AI và thực tiễn. Mặc dù, Nhà nước đã có chủ trương phát triển AI thành một chương trình quốc gia, nhưng những chương trình liên quan đến việc kết nối các trường đại học và các doanh nghiệp chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt vẫn còn thiếu sự đồng nhất giữa doanh nghiệp, trường đại học và Chính phủ.
Chẳng hạn, những tiêu chuẩn về sử dụng và xử lý, những khuôn khổ đạo đức về giải pháp AI hiện chưa có. Nên khi trường đại học hay doanh nghiệp muốn tham gia vào dự án nào đó thì gặp vướng mắc một số vấn đề liên quan tới đạo đức hoặc cách quản lý và xử lý dữ liệu.
Có thể lấy ví dụ, như đối với việc sử dụng AI trong xe tự hành. Khi xe đang di chuyển trên đường, sẽ có một số tình huống để tránh tai nạn giao thông phải quyết định cho xe đánh lái sang phải hay sang trái. Nhưng tai nạn vẫn có thể có tai nạn xảy ra. Câu hỏi đặt ra là: Quyết định này do ai, nếu là do máy thì vì sao máy lại thực hiện như vậy? Và quan trọng hơn bên nào phải chịu trách nhiệm cho những quyết định đó?
“Ở nước ngoài, họ đã bắt đầu xây dựng được những bộ quy tắc cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Theo đó, khi AI đưa ra một quyết định có ảnh hưởng tiêu cực thì sẽ quy xem ai là người chịu trách nhiệm, hoặc phải trả lời vì sao việc này lại xảy ra? Tuy nhiên, ở Việt Nam dường như chưa có. Đó là một trong những hạn chế trong việc phát triển nguồn nhân lực, phát triển những chất lượng sản phẩm AI” ông Minh nói.
Một khó khăn nữa trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, theo ông Minh, đó là doanh nghiệp chưa thực sự hiểu những giá trị và những lĩnh vực của AI nên có thể chưa có sự đồng hành với cơ sở đào tạo trong việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực AI.
Ngoài ra, từ phía người học, nhiều người vẫn cho rằng, AI là một cái gì đó rất “cao siêu” và nặng về hoc thuật. Ngay cả nhiều chuyên viên trong một số lĩnh vực vẫn còn bối rối khi không hiểu học về AI sẽ làm gì. Khó khăn này một phần liên quan tới truyền thông. Ví dụ, tuy truyền thông về những sản phẩm AI được đề cập nhiều, nhiều thông tin vẫn còn khá chung chung và mang tính cường điệu khả năng của AI, khiến thông tin hữu ích chưa đến được với người học.
3 hướng cho người học AI
Ông Minh cho biết, hiện nay, mức thu nhập đối với ngành AI rất tốt, và tiềm năng phát triển công việc rất lớn.
Chẳng hạn, nếu học về AI có thể làm trực tiếp với doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp về AI. Hoặc có thể tham gia vào những doanh nghiệp đang vận hành AI, hỗ trợ xử lý dữ liệu, xây dựng những phần mềm liên quan.
Nếu học về phân tích dữ liệu có thể tham gia vào những tập đoàn, công ty lớn. Với những doanh nghiệp có một lượng khách hàng lớn hoặc bộ dữ liệu lớn, nguồn nhân lực AI luôn cần.
Còn với những người học máy và học sâu thì sẽ có hai hướng, một là tham gia vào tổ chức nghiên cứu, làm việc tại các trường đại học … hoặc trở thành chuyên gia về AI, phát triển những thuật toán tại các công ty, tập đoàn lớn...
“Nói một cách khái quát sẽ có 3 hướng chính cho AI. Thứ nhất là với những người hiểu công nghệ và áp dụng được công nghệ này vào bài toán doanh nghiệp, có thể làm tại các doanh nghiệp, tập đoàn. Thứ hai, với nhóm có kiến thức tốt về toán, thống kê, có thể học để trở thành nhà khoa học dữ liệu. Cuối cùng là những người tập trung vào học máy (machine learning) và học sâu (deep learning), có thể đảm nhiệm về nghiên cứu và kỹ thuật chuyên sâu.
Ngoài ra, ngay cả những người không có kiến thức về toán và không có đam mê để xây dựng những thuật toán cao cấp thì có thể hướng tới việc ứng dụng những sản phẩm AI hiện tại cho doanh nghiệp. Như vậy, AI cũng không phải là cái gì đó quá “cao siêu”, không biết sẽ làm gì ”, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết, việc liên kết với các doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong đào tạo AI. Theo đó, người học sẽ không chỉ giỏi về công nghệ mà còn giỏi về xử lý vấn đề. Và từ việc tiếp cận với doanh nghiệp, có khả năng xây dựng những giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, cũng sẽ hiểu được giá trị của AI. Người học sau khi tốt nghiệp sẽ lựa chọn ngay được công việc phù hợp.
Đây cũng chính là điều mà Chương trình đào tạo Thạc sĩ Trí tuệ nhân tạo của RMIT hướng tới và là điểm đặc biệt của chương trình này. Trường kết nối rất sâu với các đối tác doanh nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên làm việc trực tiếp với họ trong những chương trình, dự án, xây dựng những giải pháp cụ thể.
Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên đã có thể lựa chọn tham gia vào các dự án với doanh nghiệp.
“Hy vọng trong tương lai sẽ nâng cao được chất lượng của nguồn lực AI Việt Nam”, ông Minh cho hay.
"Sinh viên Việt Nam rất giỏi"
TS Đinh Ngọc Minh lấy bằng tiến sĩ về Khoa học máy tính tại ĐH Monash, Úc. Ông từng tham gia giảng dạy tại ĐH Monash và ĐH Queensland (Úc). Năm 2019, ông quyết định về Việt Nam làm việc. Chia sẻ về quyết định này, ông Minh cho biết, có lý do cá nhân. Trong đó lý do lớn nhất là do bố mẹ ông đã lớn tuổi, ông muốn quay về Việt Nam để gần cha mẹ. Ngoài ra, các con ông đều sinh ra và lớn lên ở Úc, ông muốn các con có thêm điều kiện tương tác, học tiếng Việt tốt hơn, hiểu về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa gia đình.
Ở Úc, môi trường làm khoa học rất tốt. Trong đó, một yếu tố rất quan trọng trọng nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về công nghệ đó là nguồn vốn làm nghiên cứu tương đối dồi dào, giúp thu hút được người tài, sinh viên giỏi. Ngoài ra, có điều kiện trang bị thiết bị cơ sở vật chất, hạ tầng tốt. Về văn hóa làm việc rất quy củ, nhưng cũng rất “mở’, hòa đồng, không có rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, điều này tạo động lực cho mọi người tiến lên.
Hiện tại, ông Minh đang cố gắng kết nối với một số nhà khoa học ở các trường đại học, như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội & ĐH Quốc Gia TP.HCM), thời gian làm việc chưa nhiều, nhưng ông cảm nhận môi trường khoa học ở Việt Nam khá tốt, hy vọng văn hóa hàn lâm ở VN cũng đang được chuyển biến tích cực.
“Tôi thấy môi trường làm việc ở Việt Nam đang phát triển rất tốt, có nhiều điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài trở về để phát triển. Trong quá trình làm việc, tôi thấy các giáo sư rất thân thiện, cởi mở. Đặc biệt, tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam rất giỏi, đây cũng chính là nguồn động lực cho tôi muốn quay về Việt Nam làm việc, muốn hỗ trợ các bạn về chuyên môn. Đồng thời, cũng chính các bạn hỗ trợ lại để tôi có thể hoàn thiện, phát triển chuyên môn của mình được tốt hơn”, ông Minh chia sẻ.
 

Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ về ý nghĩa của công trình đầu tiên về hạn hán trên khu vực Đông Nam Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)