Định giá cây sưa đỏ Bờ Hồ sắp bị đốn hạ

Google News

Với giá trị cao, 3 cây sưa chết khô tại hồ Hoàn Kiếm sau khi được chặt hạ, toàn bộ số gỗ sẽ được giao cho đơn vị bảo quản và thanh lý theo quy định.

Sáng nay (24/5) Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội sẽ tiến hành thực hiện việc chặt hạ, thay thế trồng mới 3 cây sưa chết khô ven hồ Hoàn Kiếm. Sau khi chặt hạ, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội sẽ phối hợp cùng đơn vị liên quan đấu giá 3 cây sưa theo quy định.

Giá trị hàng chục tỷ đồng

Theo thông tin của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, hiện các thủ tục cấp phép chặt hạ, dịch chuyển 3 cây sưa chết khô ở ven hồ Hoàn Kiếm đã hoàn thành.
Trước đó, ngày 6/4, tổ công tác kiểm tra hiện trạng cây xanh đã khảo sát cây xanh, vườn hoa khu vực hồ Hoàn Kiếm, lập biên bản tại hiện trường đối với 3 cây sưa bị chết, gồm: 1 cây sưa đường kính 59cm, cao 10 - 12m ở bên bờ hồ khu vực đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng bị chết từ năm 2019. Hai cây sưa đỏ khác chết khô nằm ở khu vực gần đồng hồ hoa Thụy Sĩ (Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay), có đường kính từ 35 - 40cm, cao từ 5 - 10m. Ban đầu, cơ quan chức năng dự kiến chặt hạ vào ngày 18/4, tuy nhiên phải lùi lại do chưa thống nhất về phương án bảo quản gỗ.
Dinh gia cay sua do Bo Ho sap bi don ha
Một trong 3 cây sưa đỏ bị chết khô bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Internet. 
Theo anh Chu Cường, doanh nhân kinh doanh gỗ tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), giá trị kinh tế của gỗ sưa phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, chất lượng gỗ khi xẻ cây ra và mùi hương của cây gỗ đó là hai yếu tố thương lái chú trọng để đưa ra giá. Trung bình những cây sưa đỏ có tuổi đời từ 30 - 40 năm có giá từ 20 - 30 triệu đồng/kg. Cây sưa đỏ bên hồ Hoàn Kiếm có tuổi đời gần 100 tuổi, cao khoảng 10m, đường kính thân khoảng 70cm thì giá phải lên tới 50 - 60 triệu đồng/kg, thậm chí cao hơn tùy thuộc vào chất lượng gỗ, vân gỗ và mùi hương. Ước tính, tổng trị giá cây gỗ sưa đỏ bị đốn hạ có thể lên tới vài chục tỷ đồng/cây.
Theo Thạc sỹ Đỗ Văn Bản, Trưởng phòng Tài nguyên cây cỏ – Viện Khoa học lâm nghiệp, gỗ sưa là một loại gỗ quý được nhiều người dân dùng làm nhà, nội thất, các vật dụng thờ cúng, trang sức, dược liệu... Gỗ sưa đỏ có màu bã trầu, thớ gỗ mịn, vân nổi lên từng lớp đặc trưng. Gỗ xưa trắng có màu trắng lẫn đỏ, thớ mịn nhưng không đẹp bằng gỗ sưa đỏ.
Sưa đỏ được nhiều người săn lùng bởi giá "đắt hơn vàng". Tuy nhiên, thực chất, giá sưa đỏ chỉ được “thổi” lên thời trước dịch Covid do thương nhân Trung Quốc thu lượm với giá rất cao. Nhiều nguồn tin cho rằng, người Trung Quốc ngoài việc sử dụng gỗ sưa làm mộc như các loại gỗ quý khác, thì gỗ sưa đỏ được dùng để chiết xuất dược liệu chữa nhiều bệnh. 
Những cuộc đấu giá "ồn ào"

Những cây sưa đỏ hàng trăm năm tuổi được ví như những “khối vàng lộ thiên” bởi sự đắt đỏ của loại gỗ này. Có rất nhiều lời đồn đoán về công dụng thực sự của gỗ sưa và vì thế, giá trị của mỗi cây gỗ sưa đỏ cũng lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. 

Năm 2006, cây sưa hơn 200 tuổi tại đình làng Đông Cốc (thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) được bán cho ông Nguyễn Văn Hùy (Bắc Ninh) với giá 26 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, trong khuôn viên chùa Phụ Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có hai cây sưa quý hiếm, một cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm, 130 năm tuổi. Một cây khác cũng có chiều cao hơn 10m, đường kính khoảng 80cm, khoảng gần 100 năm tuổi.

Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho một cây sưa đỏ nhưng người dân không bán. Sau đó, người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng.

Tháng 10/2018, trước vấn nạn chặt khai thác gỗ sưa đỏ, TP Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 27/1/2019, người dân thôn Phụ Chính bắt đầu chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550kg đến hơn 2.000kg. Tính đến nay, sau 4 năm chặt hạ và đã trải qua 4 lần đấu giá, lô gỗ sưa vẫn chưa tìm được chủ nhân mới. Giá trị lô gỗ sưa ở thời điểm đấu giá ban đầu được định giá khoảng 146 tỷ đồng nhưng không ai mua. Ở những phiên đấu giá tiếp theo, dù giá đã được giảm 1/3 giá trị ban đầu (còn khoảng 100 tỷ đồng) nhưng vẫn không có ai mua vì cho rằng giá đó quá cao so với giá trị thực.

Mới đây, ngày 27/4/2023, cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính phối hợp với Trung tâm Đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) tổ chức buổi đấu giá lần thứ 5 lô gỗ sưa đỏ trên. Giá khởi điểm cho toàn bộ số lô gỗ sưa được chặt hạ từ 2 cây sưa đỏ là 72 tỷ đồng. Tại phiên đấu giá này, một nữ đại gia đến từ huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) là người may mắn thắng cuộc khi trả giá mua lô gỗ sưa là 73 tỷ đồng, cao hơn 1 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Theo một số người chuyên buôn gỗ của địa phương đánh giá, việc lô gỗ sưa đỏ hơn 4 năm qua chưa bán được là do phụ thuộc vào thị trường và thương lái ở bên Trung Quốc. Ở Việt Nam, rất ít người có nhu cầu mua gỗ sưa. Bên cạnh đó, hơn 2 năm qua là thời điểm xảy ra dịch bệnh kéo dài với diễn biến phức tạp, thị trường Trung Quốc không còn thu mua gỗ sưa ồ ạt như trước nữa dẫn đến việc gỗ sưa khó bán. Do vậy, cũng không dễ dự báo chính xác giá trị 3 cây sưa đỏ bị đốn hạ tại hồ Hoàn Kiếm lần này. 
Trước đó, tháng 8/2021, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt (Hà Nội) cũng tổ chức phiên đấu giá trực tuyến với tài sản là 7 cây gỗ sưa thanh lý (cây đã chết) của Cục Quản trị Văn phòng Chính phủ. 7 cây gỗ sưa này có khối lượng từ 1,068m3 đến 3,682m3 (tổng khối lượng trên 14,9m3) có mức giá khởi điểm là trên 146 tỷ đồng. Trải qua rất nhiều phiên trả giá, cuối cùng một khách hàng đã trúng đấu giá, tổng số tiền gần 235 tỷ đồng - giá chưa bao gồm thuế VAT.
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)