EVN lỗ hơn 1,1 tỷ USD: Cứ lỗ là xin tăng giá điện!

Google News

EVN cho rằng, để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính, cho nên Tập đoàn liên tục kiến nghị được tăng giá điện.

Lỗ là xin tăng giá điện

Đầu tháng 5/2023, giá điện bán lẻ điện bình quân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Sau chưa đầy một chu kỳ thanh toán điện, mới đây EVN lại tiếp tục đề xuất cho phép được điều chỉnh giá bán lẻ điện vào tháng 9/2023. EVN cho rằng, việc điều chỉnh giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính cho Tập đoàn.

Kết quả sản xuất kinh doanh của EVN cho thấy, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.032 tỷ đồng; năm 2022 là 493.265 tỷ đồng (bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành).

Theo đó, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020; giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2021 là 225,30 tỷ kWh, tăng 3,8% so với năm 2020. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2021 là 418.056,49 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2020. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2021 là 1.855,57 đồng/kWh, tăng 1,94% so với năm 2020.

Sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2022 là 242,72 tỷ kWh, tăng 7,73% so với năm 2021. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2022 là 456.971,15 tỷ đồng, tăng 9,31% so với năm 2021. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh, tăng 1,46% so với năm 2021.

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng.

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 26.235 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD).

EVN cho rằng, năm 2022, EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu), tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính, cho nên EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện.

EVN lo hon 1,1 ty USD: Cu lo la xin tang gia dien!
EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện - Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn 

Vì đâu EVN thua lỗ?

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, trước khi muốn tăng giá, cơ quan chức năng phải làm rõ nhiều vấn đề của ngành điện, tìm điểm nghẽn để tháo gỡ chứ không phải cứ thua lỗ là xin tăng giá điện.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc EVN báo lỗ có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân chủ quan nằm ở sự quản trị kinh doanh, tính toán của doanh nghiệp. Cần rà soát, nghiên cứu cẩn trọng nguyên nhân tại sao EVN sản xuất kinh doanh lại thua lỗ trong thời gian dài. Từ đó xác định điểm nghẽn để tháo gỡ, chứ không phải cứ hễ thua lỗ lại tăng giá điện, vô tình phần thiệt thòi lại đổ về người dân.

Bà Nga cũng nhận xét việc tăng giá điện 3% mới đây tác động chưa quá lớn đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, sự bất cập hiện nay là thang bậc tính giá điện chưa phù hợp với điều kiện thực tại.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao.

Chính vì vậy, cần phải xem xét lại chi phí hệ thống vận hành đường truyền tải điện, chi phí cho sản xuất điện của EVN khi nhiều người vẫn lo ngại chi phí này quá lớn do bộ máy hoạt động cồng kềnh, mà điều này lại tính hết vào giá thành.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, EVN là một doanh nghiệp Nhà nước với vai trò chủ đạo sản xuất, cung ứng điện nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần thanh tra, kiểm tra vai trò của EVN để trả lời cho Quốc hội biết việc quản lý, quản trị của doanh nghiệp này như thế nào, tại sao năm nào cũng thua lỗ, lỗ đến hàng chục nghìn tỷ xong lại tính hết vào giá điện khiến người dân phải gánh chịu.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân, cần sớm triển khai lộ trình đó để các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, truyền tải điện. Nhà nước chỉ nên độc quyền về phân phối, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh mới đảm bảo được chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia.

Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, rà soát chi tiêu, đời sống của lãnh đạo ngành điện trong bối cảnh thua lỗ như vậy.

Minh Quang (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)