Ngày ấy … có những Tết miền Nam trên đất Bắc

Google News

Đã hơn 65 mùa xuân, thời gian cứ chất chồng dày thêm. Tôi cứ chờ mong ai đó trong chúng tôi sẽ cho ra đời một tác phẩm văn học có chiều dày ngang tầm để nói.

Chúng tôi có quyền mong đợi, bởi thế hệ này không ít nhà văn, nhà thơ đã bước vào sáng tác từ khi còn ngồi trên ghế các trường học sinh miền Nam...
Ngày ấy, sau 9 năm kháng chiến trường kì, vào những tháng cuối cùng của năm 1954 sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đầu năm 1955, là những ngày chuyển quân tập kết hai miền. Trong nhân dân không ít người lại từ bắc vào nam, và chúng tôi trong đoàn người ra Bắc. Người ta chú ý nhiều đến các chú, các anh trong đoàn quân vì đó là những anh hùng vừa đi qua một chặng đường làm nên chiến thắng, góp phân giải phóng nửa nước thân yêu. Còn chúng tôi những "con nít" chín mười tuổi bị khuất đi trong chiều cao của những người lính. những cô chú ở chiến khu, bưng biền. Nhưng chính chúng tôi, bé bỏng vậy mà lại được nằm ở những "huyệt thần kinh nước mắt".
Ngay ay … co nhung Tet mien Nam tren dat Bac
 Chủ tịch Quốc hội khóa 13 Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho ông Lê Văn Kiểm (Bên phải)
Các bến sông, bến cảng Nam Căn (Cà Mau), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Quy Nhơn (Bình Định) như được mặn thêm nhiều bởi những dòng nước mắt của các nội, các ngoại, của má, của ba. Không nghĩ tới gian nguy sắp bước vào cuộc đấu tranh mất con, ông bà, cha mẹ chỉ lo và thương cho những cháu con khờ dại lần đầu tiên biết xa nhà. Tất cả gửi Đảng, gửi Bác Hồ và đồng bào miền Bắc. Ai cũng nghĩ "hai năm chẳng mấy nhiêu ngày". Vậy mà thời gian phải nhân lên gấp mười lần có lẻ. Sau 20 năm trở về những nội, ngoại, má, ba tiễn đưa chúng tôi vào dịp Tết năm 1955, nhiều người không còn nữa. Những nỗi đau, mất mát không đơn chiếc một chiều, không chỉ là năm tháng mà đọng mãi với thời gian...
Bù lại những mất mát, thiếu thốn tình cảm, chúng tôi lại có một thứ hạnh phúc vô ngần, nhiều mùa xuân của cuộc đời mà không biết sau này bao giờ các thế hệ trẻ mới được may mắn như thế và hơn thế: Đảng, Nhà nước và nhân dân nuôi dạy từ tấm bé đến khi có đủ hành trang để bước vào đời lập thân lập nghiệp. Ngày ấy, chưa có nhiều hiểu biết, chỉ cảm nhận bằng tình: nhân dân miền Bắc là tấm lòng, là tượng trưng của Đảng, của Bác Hồ. Những đứa trẻ xa gia đình, xa quê miền Nam được sự đùm bọc, yêu thương của các thày giáo, cô giáo và đồng bào miền Bắc. Cửa biển Hội An (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa) giang tay chào đón.Ngày ấy. nhân dân miền Bắc vừa được giải phóng, vừa cải cách ruộng đất vừa khôi phục hòa bình. Đời sống còn nhiều khó khăn lắm. Nông dân huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) nơi tôi đặt chân đến đang đói. Khoai lang vừa bói củ bằng ngón tay đã phải giỡ để ăn. Người già ốm đau, trẻ con được bát cháo hoa là điều hiếm lắm. Vậy mà chúng tôi có tất cả để ăn học nên người. Lòng dân, nghĩa Đảng này lắng đọng mãi, theo chúng tôi suốt cuộc đời. Có ai trong cuộc mới hiểu được vì sao sau này ở lớp chín, lớp mười khi học bài thơ "Nghe em vào đại học" của Giang Nam từ chiến trường miền Nam gửi ra miền Bắc chúng tôi đứa nào cũng nước mắt lưng tròng.Chế độ cho em đôi cánh chim bằngVà vinh dự được làm người đi trước.Ngày ấy, các tỉnh, thành Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Đông hay Hải Phòng, Đông Triều nơi nào có học sinh miền nam đến ở, mọi gia đình. địa phương đều dành chỗ đẹp nhất, mát mẻ về mùa hè. ấm áp về mùa đông. Các cô bảo mẫu miền Bắc còn rất trẻ, có người chưa có người yêu đã phải làm công việc của người mẹ tắm rửa, giặt giũ, chăm nom, dỗ dành. Không ít người đã gửi trọn tuổi thanh xuân, hạnh phúc gia đình cho sự trưởng thành của học sinh miền Nam. Biết bao thấy giáo, cô giáo đã gắn bó trọn cuộc đời với thế hệ này. Để có cuộc đời như hôm nay - những mùa xuân đổi mới - cả dân tộc này đã có biết bao mất mát, hy sinh. Riêng chúng tôi, cảm nhận từ cuộc đời mình, sự hy sinh của các thầy giáo, cô giáo và đồng bào miền Bắc cho học sinh miền Nam, đào tạo cán bộ cho miền Nam cũng vô cùng to lớn. Chính .vì vậy, ngồi viết những dòng này cho ngày Xuân, ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, tôi vẫn trào nước mắt.Ngày ấy, chúng tôi sợ nhất vào dịp Tết. Chỉ có mấy ngày thôi mà sao dồn nén con người đến nghẹt thở. Mong giao thừa, mồng một qua nhanh để tránh đi nỗi buồn xa quê và nỗi đau mất mát. Những cuộc tàn sát Hướng Điền, Chợ Được, Vĩnh Trinh, Phú Lợi do Mỹ - ngụy gây ra ở miền Nam làm chúng tôi đau đớn. Bà con mình ai còn ai mất...
Đó là lý do để chúng tôi sợ Tết đến, Xuân về. Để bù lại, để có những cái Tết miền Nam trên đất Bắc, các thầy giáo, các cô cấp dưỡng tìm mọi cách chăm sóc chúng tôi. Quen giã giò, gói bánh chưng, các thầy cô phải tập gói bánh tét. bánh ít, làm bánh in, bánh no, những hương vị cổ truyền Tết miền Nam. Có những thầy giáo chủ nhiệm lớp chưa hề biết đến cây mai vàng ở miền Nam thế nào, chỉ nghe chúng tôi kể lại, tả lại mà đã thức trắng đêm tỉ mẩn cắt giấy vàng. giấy xanh làm hoa mai giả cạnh hoa đào thật. Cảm động nhất là các thầy, với đồng lương ít ỏi, đã dành dụm cả năm trời, tằn tiện chi tiêu để sáng mồng một Tết có tiền lì xì, mừng tuổi chúng tôi. Chỉ mấy hào thôi sao mà bao la thế!Ngày tháng cứ dần trôi, sau lớp tập kết mùa xuân 1955 còn các lớp em chúng tôi ngược Trường Sơn ra Bắc.
Thời gian không ai tính những "con nít" ngày nào bỗng lớn phổng lên cả thể xác lẫn tâm hồn, trí tuệ, trở thành những chàng trai, cô gái vào đời, biết thương nhau và cũng biết xả thân vì việc lớn. Một số không nhỏ chúng tôi đã trở về Nam cầm súng sát cánh với cha, anh. Có người bị bắt vào tù, không ít người đã ngã xuống, chưa thực hiện được ước mong có ngày trở ra miền Bắc để cảm ơn nhân dân đã nuôi mình khôn lớn. Phần lớn mấy vạn học sinh miền Nam chúng tôi đều trưởng thành, không một lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng nào, không một ngành khoa học, kỹ thuật, không một lĩnh vực quản lý nào không có học sinh miền Nam thành đạt. Một đội ngũ hùng hậu tiến sĩ, phó tiến sĩ giáo sư, kỹ sư, bác sỹ, cử nhân, văn nghệ sĩ, các tướng lĩnh, các nhà quản lý mà chế độ xã hội chủ nghĩa đã chắt chiu từ ngày đầu gian khó chuẩn bị cho miền Nam khi nước nhà thống nhất.Ngày nay, khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là ở miền Nam, đâu đâu cũng có những cán bộ trưởng thành từ trường học sinh miền Nam, trưởng thành từ miền Bắc. Có đồng chí đã đảm đương cương vị ở Bộ Chính trị, nhiều đồng chí ủy viên TƯ, không ít đồng chí là bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh, tổng giám đốc, công trình sư, những thầy giáo, cô giáo . . .
Vào những ngày Tết, đầu Xuân, các bạn tôi ở miền Nam thường tổ chức những cuộc họp học sinh miền Nam, gặp mặt các thầy,cô giáo. Tự hào về thế hệ, xúc động ơn Đảng, ơn dân, ơn các thầy cô nuôi dưỡng. Chúng tôi nói với nhau rằng: Học sinh miền Nam, dù Nam Bộ, hay miền Trung, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, phải giữ bản chất của mình. Ai chỉ nghĩ tới riêng mình, hẹp hòi, cục bộ địa phương, làm những điều sai trái là bội nghĩa, vong ân.Lớn lên, mãi về sau, chúng tôi mới biết được điều này: thực hiện chuyển quân tập kết năm 1955, bên cạnh việc đưa bộ đội, cán bộ ra bắc, phải đưa cả con em miền Nam ra đào tạo. Tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ này xuất phát từ tấm lòng và chủ trương sáng suốt của Bác Hồ. Chính vì vậy vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, lòng chúng tôi lại bồi hồi nhớ Bác...
Ghi chép của Lê Duy (Theo lời kể của cựu học sinh miền Nam AHLĐ Lê Văn Kiểm)
VUSTA

>> xem thêm

Bình luận(0)