Nhóm người tố cáo bị lừa hàng chục tỷ khi đặt cọc tiền mua đất

Google News

Nhiều người đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về việc đã chuyển tiền đặt cọc mua đất cho người quen nhưng sau đó đứng trước nguy cơ mất hàng tỷ đồng.

Theo tố cáo của các nạn nhân, từ năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Thị Hồng (Khánh Hòa) nhiều lần nhận tiền đặt cọc mua đất để chuyển nhượng các thửa đất không thuộc quyền sở hữu của mình và hiện chưa trả lại toàn bộ tiền đã nhận.
Cụ thể, trong đơn kêu cứu của mình ông Đỗ Thành Trung (SN 1988, thường trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, được bà Hồng giới thiệu lô đất nằm trên trục đường N5, thuộc thửa đất số 22, tờ bản đồ số 39, tại xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đứng tên bà Lê Thị Mỹ Dung và ông Nguyễn Hữu Quang, nhưng khi làm việc bà Hồng nói rằng bà đã mua thửa đất này và hiện đang tiến hành thủ tục tách thửa sang tên cho bà Hồng.
Nhom nguoi to cao bi lua hang chuc ty khi dat coc tien mua dat
Nhiều người đến nhà bà Hồng để đòi lại tiền đặt cọc. 
Do bà Hồng đã mua nhiều lô đất nên lô đất N5 này bà để cho cháu của mình là Linh đứng tên ký Hợp đồng. Tuy nhiên, nếu ông Trung đồng ý mua thì người chịu trách nhiệm chính thực hiện các thủ tục chuyển nhượng sẽ là bà Hồng.
Hai bên thống nhất giá là 14.600.000.000 đồng (mười bốn tỷ sáu trăm triệu). Ông Trung đã đồng ý và chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của bà Hồng từ ngày 11/11/2021 đến 17/11/2021 (thanh toán 40 đợt).
Trong thời gian này có ông H. (được bà Hồng giới thiệu là chồng), thường xuyên trao đổi với ông Trung về việc đang chỉ đạo một số người ở Khánh Hòa hoàn tất thủ tục cấp sỏ đỏ cho ông Trung, nên ông Trung rất tin tưởng việc mua bán đất sẽ thành công.
Tuy nhiên, ông H. và bà Hồng không thể hoàn thành việc chuyển nhượng cho ông Trung và không có sổ đỏ của lô đất năm trên đường N5, thuộc thửa đất số 22, tờ bản đồ số 39 tại xã Cam Hải Đông (tỉnh Khánh Hòa). Cho đến đầu tháng 1/2022 bà Hồng cũng chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng và cấp sổ đỏ cho ông Trung.
Sau khi trực tiếp đi tìm hiểu ông Trung được biết bà Hồng không phải là người có quyền sử dụng đối với lô đất này. Ông Trung đã liên tục hối thúc bà Hồng trả tiền lại cho mình thì được ông Hiền dàn xếp, nhận trả lại toàn bộ số tiền 14.600.000.000 đồng đã nhận. Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ trả được ông Trung 4.000.000.000 đồng (bốn tỷ đồng).
Tương tự, bà Mai Thị Nhung (SN 1981, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tháng 2/2021 vợ chồng bà Hồng có mời vợ chồng bà mua bán hai thửa đất là Thửa số 43, tờ bản đồ số 47 diện tích 1.114,8 mét vuông và thửa đất số 44 tờ bản đồ số 47 với diện tích 2.197,5 mét vuông. Bà Nhung chuyển tiền đặt cọc là 5.355.000.000 (năm tỷ ba trăm năm mươi lăm triệu).
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền sau đó bà Hồng chưa hoàn tất thủ tục ký hợp đồng công chứng, cấp sổ đỏ đối với hai thửa đất hứa bán cho bà Nhung. Bà Nhung tự tìm hiểu các thông tin thì biết những ô đất trên không phải của bà Hồng mà của bà Anh (Khánh Hòa).
Việc mua bán không thành, bà Nhung đã hối thúc vợ chồng bà Hồng trả lại tiền nhưng đến thời nay vợ chồng bà Hồng vẫn đang cầm số tiền 2.107.000.000 (hai tỷ một trăm linh bảy triệu).
Một nạn nhân nữa là bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm (SN 1986, ngụ số 62 đường Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết khoảng tháng 10/2021, thông qua người quen giới thiệu thì biết bà Hồng (Khánh Hòa) là chủ sử dụng 4 thửa đất số 17, 18, 605 và 34 tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm đang có nhu cầu chuyển nhượng cho người khác.
Bà Hồng cam kết 4 thửa đất trên là đất trồng cây lâu năm, không có tranh chấp, không nằm trong quy hoạch. “Tin lời, tôi đồng ý mua 4 thửa đất trên với giá hơn 19,7 tỷ đồng”, bà Trâm nói.
Theo bà Trâm, sau khi xem đất và đồng ý mua, được bà Hồng hối thúc đặt cọc 5 tỷ đồng để đảm bảo việc mua bán, nếu không sẽ chuyển nhượng cho người khác.
Ngày 18/10/2021, bà Trâm chuyển khoản 5 tỷ đồng vào tài khoản bà Hồng để đặt cọc. Theo bà Trâm, hai bên chưa ký hợp đồng đặt cọc, nhưng khi chuyển tiền, bà Trâm có ghi chuyển tiền cọc đất.
Sau đó, hai bên hẹn nhau ngày 26/10/2021 có mặt tại Văn phòng Công chứng Thuận An (huyện Cam Lâm) để ký hợp đồng chuyển nhượng và thanh toán số tiền còn lại. Đúng hẹn, bà Trâm đến Văn phòng Công chứng nhưng chờ không thấy bà Hồng đâu. Thay vào đó, chỉ có người cháu (tên là Linh) mang 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm và 2 giấy chứng nhận đất rừng (hiện nằm trong quy hoạch) đến giao dịch.
Do thấy bà Linh không được bà Hồng ủy quyền, và giấy tờ đất cũng không đứng tên bà Hồng (đất theo giấy tờ còn nằm trong quy hoạch) nên bà Trâm không thể ký hợp đồng nhận chuyển nhượng đất vào ngày đó.
Sau khi việc chuyển nhượng đất không thành, ngày 30/10/2021, bà Trâm hẹn bà Hồng đến Văn phòng Công ty bất động sản ĐB (ở TP Nha Trang) để thỏa thuận, ký giấy trả lại 5 tỷ tiền cọc. Sau nhiều lần hối thúc, bà Trâm mới nhận lại được 3,5 tỷ đồng.
Cho rằng bà Hồng có hành vì gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật về các thửa đất để nhận tiền đặt cọc, có dấu hiệu chiếm đoạt, các nạn nhân hiện đã có đơn gửi đến cơ quan công an. Cơ quan CSĐT tỉnh Khánh Hòa trả lời đơn thư tố cáo rằng, “xác định vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự, không có việc phạm tội” nên đã không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm cá nhân, phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý luật sư Dương Văn Mai – Giám đốc Công ty luật Bách Dương cho rằng, việc đặt cọc có thể được lập thành văn bản hoặc thỏa thuận miệng nhưng bên đặt cọc đã thực hiện việc đặt cọc – thanh toán tiền đặt cọc cho bên mua thì đó cũng được coi là hoàn thành việc đặt cọc. Theo đó bên bán phải có nghĩa vụ tiến hành các thủ tục để hoàn thiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng để bán tài sản, chuyển nhượng đất cho người mua – bên đặt cọc.
Nội dung sự việc này cho thấy bà Hồng không phải là chủ sử dụng của các thửa đất nêu trên, thông tin bà Hồng cung cấp cho ông Trung, bà Nhung và bà Trâm là thông tin không chính xác, không đúng sự thật, tiền đặt cọc bà Hồng đã nhận đủ thậm chí như trường hợp của ông Trung thì toàn bộ tiền chuyển nhượng thửa đất nằm trên trục đường N5 bà Hồng đã nhận đủ.
Tuy nhiên bà Hồng không có đất để thực hiện việc chuyển nhượng, bà Hồng không có ý thức trong việc trả lại tiền cho ông Trung, bà Nhung và bà Trâm… biểu hiện của việc cố ý chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Điều 174 Bộ luật Hình sự. Khoản 1, Điều luật quy định “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Minh Khang

>> xem thêm

Bình luận(0)