TikTok: Từ giải trí tới khủng hoảng ngoại giao

Google News

TikTok - ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc đã chinh phục người dùng mạng toàn cầu và giờ đây, Mỹ đang đe dọa đóng cửa ứng dụng này. Ứng dụng đăng tải các video giải trí đã trở thành nguồn cơn của cuộc khủng hoảng ngoại giao như thế nào?

Ngày 28/12/2022, Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ thông báo cấm cài đặt ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trên tất cả các thiết bị do Hạ viện quản lý, trong bối cảnh sức ép chính trị tiếp tục gia tăng đối với ứng dụng video xã hội do Trung Quốc sở hữu này.

Ở phương Tây, việc TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Bytedance đã làm dấy lên những lo ngại dai dẳng về khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng tới ứng dụng này. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, thành công của nó cũng bị coi là mối đe dọa đối với chính phủ do ứng dụng này đang cung cấp các luồng thông tin thay thế mà nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp đáng kể để kiểm soát.

Trong một bài báo trên tờ New York Times, nhà bình luận Alex Palmer viết: “Công ty Bytedance bị mắc kẹt giữa kỷ nguyên cũ và kỷ nguyên mới - một công ty “quá Trung Quốc” đối với Mỹ, “quá Mỹ” đối với Trung Quốc. Mặc dù đã cố gắng hàng thập kỷ nhưng chưa có công ty Trung Quốc nào chinh phục được xã hội Mỹ như TikTok. Thật khó để tưởng tượng một công ty của Nga hay Iran, thậm chí là một công ty Trung Quốc khác làm được điều tương tự. TikTok được coi là một con ngựa thành Troy - vì ảnh hưởng của Trung Quốc, vì khả năng thu thập dữ liệu hoặc có thể là cả hai. Trong khi đó, ở Trung Quốc, chính phủ đang kiềm chế các công ty công nghệ lớn và những người sáng lập chúng vì lo sợ với ảnh hưởng, sự độc lập và sự nổi tiếng của họ, họ sẽ ảnh hưởng tới luồng thông tin”.

TikTok: Tu giai tri toi khung hoang ngoai giao

TikTok bị mắc kẹt giữa kỷ nguyên cũ và mới - “quá Trung Quốc” đối với Mỹ và “quá Mỹ” đối với Trung Quốc.

Vấn đề bảo mật dữ liệu và ngoại giao

Luật An ninh mạng và Luật Tình báo Quốc gia Mỹ năm 2017 yêu cầu “Mọi tổ chức hoặc công dân phải hỗ trợ và hợp tác với công việc tình báo nhà nước theo quy định của pháp luật”... và để “duy trì bí mật mọi thông tin về công việc tình báo nhà nước”. Vào năm 2021, hai luật mới về bảo mật dữ liệu Mỹ đã khẳng định phạm vi tiếp cận của nhà nước Trung Quốc đối với bất kỳ dữ liệu nào về công dân Trung Quốc ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Jordan Schneider, nhà phân tích Trung Quốc tại Rhodium Group, nhận định trên tờ New York Times: “Cuối cùng, nhà nước Trung Quốc nắm giữ tất cả các quân bài. Các công ty và ban lãnh đạo của họ đã học được rằng việc phản ứng quá mức trước các yêu cầu của chính phủ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, bản thân TikTok không khả dụng ở Trung Quốc - người dùng ở đó phải truy cập vào một ứng dụng ByteDance khác và ứng dụng này tuân theo chỉ thị của Chính phủ Trung Quốc về kiểm duyệt.

Mục tiêu của nhiều “lệnh cấm”

Vào giữa năm 2019, TikTok đã vượt cột mốc 100 triệu người dùng trung bình hằng ngày trên toàn thế giới và tạo ra “siêu sao” đầu tiên là nghệ sĩ Lil Nas X, biến TikTok trở thành bệ phóng cho các ngôi sao âm nhạc.

Đại dịch COVID-19 đã khiến mức độ phổ biến của ứng dụng lan tỏa hơn nữa. Theo báo chí Trung Quốc, TikTok đã đạt được 110 triệu người dùng trung bình hằng ngày chỉ riêng trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4/2020. Thành công không có dấu hiệu chậm lại đó đã thúc đẩy những lời kêu gọi cấm ứng dụng này.

Tháng 12/2022, tất cả các nhà lập pháp và nhân viên sở hữu điện thoại di động do Hạ viện Mỹ cấp đã được lệnh xóa ứng dụng TikTok. Trước đó, vào tháng 8/2022, Chính phủ Mỹ đề cập TikTok là ứng dụng có rủi ro cao do “thiếu minh bạch trong cách ứng dụng này bảo vệ dữ liệu khách hàng”. Họ cho biết TikTok đang “tích cực thu thập nội dung để lấy dữ liệu có thể nhận dạng người dùng” và lưu trữ một số dữ liệu người dùng ở Trung Quốc. Theo Reuters, ít nhất 19 tiểu bang của Mỹ bao gồm Maryland, Nam Dakota, Nam Carolina, Nebraska, Texas, Alabama và Utah đã chặn một phần ứng dụng này khỏi các thiết bị do nhà nước quản lý vì lo ngại về bảo mật.

Hiện cũng có những lo ngại rằng TikTok có thể được sử dụng để làm kênh tuyên truyền của Chính phủ Trung Quốc, cho dù là quảng bá nội dung có lợi cho Bắc Kinh hay bằng cách ngăn chặn các quan điểm bị cho là “phản cảm”.

Việc ban hành lệnh cấm với TikTok không phải là chưa từng có tiền lệ. Chính phủ Ấn Độ đã cấm TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia, sau các cuộc đụng độ biên giới với Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã mua cổ phần trong một công ty con của ByteDance. Theo New York Times, mặc dù quy mô cổ phần nhỏ - chỉ 1% - nhưng tác động của họ là không thể tránh khỏi. Nhà bình luận Palmer cho biết: “Chính phủ Trung Quốc đang nắm một trong 3 ghế trong hội đồng quản trị của công ty con, có mức độ ảnh hưởng không tương xứng với cổ phần danh nghĩa mà họ nắm giữ”.

Vào mùa hè năm 2022, BuzzFeed đã đưa tin rằng dữ liệu rò rỉ từ hàng chục cuộc họp nội bộ của công ty cho thấy trái với những khẳng định công khai của TikTok, dữ liệu về người dùng Mỹ vẫn được các nhân viên ở Trung Quốc truy cập thường xuyên. Nhà bình luận Palmer viết: “Những thực tế này chỉ làm gia tăng mối lo ngại về sức ảnh hưởng của TikTok với người Mỹ”.

TikTok được cho là đang đạt được tiến triển trong thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Biden, cho phép ứng dụng này giữ quyền sở hữu ở Trung Quốc nhưng vẫn lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ trên các máy chủ ở Mỹ. Sự sắp xếp đó dường như không thể làm hài lòng tất cả. Tuy nhiên, một lệnh cấm hoàn toàn, đặc biệt là lệnh cấm nhắm vào các công ty lớn của Trung Quốc, có nguy cơ bị xem như tâm lý bài Trung và càng làm cho căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng hơn nữa.

Theo Bích Hạnh/An ninh thế giới

>> xem thêm

Bình luận(0)