“Dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y – tuyển sinh bằng mọi giá, hậu quả khôn lường"

Google News

Liên quan đến việc một số trường đại học xét tuyển ngành Y bằng môn Văn, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, trước sự đổi mới cần có nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, tránh trả giá đắt, hậu quả khôn lường.

Thông tin một số trường đại học dùng điểm môn Văn xét tuyển ngành Y đang nhận được những ý kiến trái chiều. Sáng 23/5, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có trao đổi bên hành lang Quốc hội với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội.
Cẩn trọng trước tình trạng “vẽ” nhiều tổ hợp để tuyển sinh
Từ trước đế nay, ngành Y thường chỉ tuyển sinh một tổ hợp truyền thống, trong đó chủ yếu là tổ hợp các môn Toán, Hóa, Sinh hoặc Toán, Lý, Hóa. Tuy nhiên, trong mùa tuyển sinh năm nay, một số trường đã dùng điểm Văn để xét tuyển ngành Y. Thông tin này đang nhận được sự chú ý từ dư luận. Quan điểm của bà thế nào, thưa đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga?
Hiện có một vài trường đại học phía Nam có thay đổi tổ hợp xét tuyển, thay vì tổ hợp Toán, Hóa, Sinh như truyền thống thì dùng điểm Văn để xét tuyển ngành Y.
Nếu xét về góc độ khoa học, tôi thấy chúng ta phải có sự nghiên cứu thật kỹ. Bởi, thực tế hiện nay đang có tình trạng các trường, đặc biệt các trường ngoài công lập thu hút tuyển sinh bằng mọi giá. Vì thu hút tuyển sinh bằng mọi giá nên đưa ra rất nhiều tổ hợp khác nhau để tuyển sinh.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ người học cũng có hiệu ứng tích cực, đó là tạo thêm điều kiện cho thí sinh có sự lựa chọn. Tuy nhiên, với sự “nở rộ” của quá nhiều tổ hợp, nếu không cẩn thận lại trở thành tình trạng “vẽ” ra quá nhiều tổ hợp để tuyển sinh bằng mọi giá, thu hút thật nhiều sinh viên.
Bà có thể nói rõ điểm tích cực khi đưa môn Văn vào tuyển sinh ngành Y?
Từ trước nay chúng ta cũng đã nói nhiều về vấn đề y đức, về việc có những thầy thuốc chưa đạt được phẩm chất này. Tuy không phải phổ biến, nhưng đây là vấn đề dư luận rất quan tâm.
Theo tôi, trong ngành Ycác em sinh viên điểm cao về môn Sinh học thường có xu hướng các môn tự nhiên các em cũng học khá. Có lẽ, thêm môn Văn thì thêm một yêu cầu cao đối với thí sinh ngành Y. Đó là các em không những phải học tốt môn Sinh và các bộ môn khối tự nhiên, mà các khối ngành xã hội, đặc biệt là môn Văn cũng đạt được yêu cầu nhất định.
Cũng có ý kiến cho rằng, ngành Y không chỉ có bác sĩ mà còn gồm nhiều ngành như truyền thông – giáo dục sức khỏe, tâm lý trị liệu, y học dự phòng… Vì vậy, việc tuyển sinh ngành Y bằng môn Văn cũng có những điểm hợp lý. Quan điểm của bà thế nào?
Tôi đồng ý với việc khi trở thành một thầy thuốc, ngoài việc trực tiếp trị bệnh cứu người thì công việc của ngành Y còn rất nhiều mảng, lĩnh vực… Tuy nhiên, không phải vì thế mà lấy thêm các môn học khác vào để tuyển sinh, bởi còn nhiều môn khác cũng rất cần thiết, nếu cứ thêm như vậy thì tổ hợp xét tuyển ngành Y sẽ vô cùng cồng kềnh.
Thay vì việc đưa thêm bộ môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y, theo tôi nên rà soát lại chương trình giáo dục đại học của ngành này. Trong đó, có thể bổ sung một số kỹ năng mềm cho sinh viên ngành Y ngoài chương trình đã được đào tạo từ trước đến nay. Đây là điều rất cần đối với sinh viên khi ra trường.
Sai lầm với ngành y hậu quả quả sẽ khôn lường
Việc “vẽ” ra quá nhiều tổ hợp để tuyển sinh bằng mọi giá, thu hút thật nhiều sinh viên như bà nói, có thể dẫn tới hậu quả như thế nào, thưa đại biểu?
Tôi lo ngại việc “nở rộ” quá nhiều các tổ hợp tuyển sinh để thu hút người học sẽ dẫn đến tình trạng hạ thấp chất lượng tuyển sinh, và dẫn tới nhiều hệ lụy.
Bất cứ một sai lầm nào cũng đều phải trả giá rất đắt, nhưng sai lầm trong giáo dục, đặc biệt, với ngành Y thì hậu quả khôn lường, bởi liên quan đến việc cứu người và không thể sửa chữa trong ngày một ngày hai. Cứ tuyển sinh, đào tạo ra bác sĩ, nhưng rồi nếu xảy ra hậu quả thì sẽ sửa chữa thế nào, theo tôi là rất khó.
Theo bà, từ phía các trường cũng như cơ quan quản lý, cần có những ứng xử thế nào, để tránh những hậu quả khôn lường như bà phân tích?
Đối với bất cứ một sự thay đổi nào trong giáo dục, nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu xảy ra hậu quả sẽ rất lớn. Thực tế, tổ hợp truyền thống của ngành Y (Toán, Hóa, Sinh...) đã tồn tại rất nhiều năm. Và giáo dục của nhiều nước cũng có phương thức tuyển sinh tương tự, điều này chắc chắn đã có cơ sở khoa học rất vững chắc.
Tôi mong muốn các trường thực sự thận trọng trước khi đưa ra những thay đổi mang tính đột phá. Theo đó, cần có sự nghiên cứu, đánh giá, không phải là từ phía chủ quan các trường, ý chí của một vài cá nhân, mà cần có ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, thậm chí cần tổ chức những hội thảo nghiêm túc, phân tích kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi.
Chứ không phải đột ngột công bố phương án tuyển sinh với sự thay đổi lớn. Rồi năm nay thích thì đưa vào, sang năm không thích thì bỏ ra.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023, có 4 trường sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển bao gồm: Trường đại học Văn Lang (TPHCM), Trường đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường đại học Tân Tạo (Long An) và Trường đại học Duy Tân.
Trường đại học Văn Lang (TP HCM) tuyển sinh ngành Y khoa bằng các phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp, dựa vào học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM. Với cách xét điểm thi tốt nghiệp và học bạ, trường sử dụng 4 tổ hợp, trong đó có tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh). Ngoài ra, trường xét tuyển các tổ hợp truyền thống, gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D08 (Toán, Sinh, Anh).
Trường đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường đại học Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) để tuyển ngành Y khoa, áp dụng với thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Các tổ hợp khác là B00, D08 và A02 (Toán, Lý, Sinh).
Trường đại học Duy Tân xét tuyển ngành Y khoa bằng 4 tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn), B00 (Toán, Hoá, Sinh), D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ) và D08 (Toán, Sinh, Ngoại ngữ) ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp.
 
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)