Cần làm rõ tội danh vụ cô giáo Dung gây thất thoát gần 45 triệu

Google News

Cần phải làm rõ cả vấn đề tội danh và mức hình phạt, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để sự việc xảy ra nhiều năm không ngăn chặn, xử lý.

Mới đây, TAND huyện Hưng Nguyên, Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung, nguyên giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Bị cáo đã có đơn kháng cáo.
Sau phiên tòa sơ thẩm, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều nội dung cho rằng tòa án xét xử không công bằng, số tiền chiếm đoạt chưa đến 45 triệu đồng nhưng mức hình phạt quá cao và đặt câu hỏi về tính khách quan của HĐXX.
Can lam ro toi danh vu co giao Dung gay that thoat gan 45 trieu
Cô giáo Dung tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: tapchitoan.vn
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, cần phải làm rõ cả vấn đề tội danh và vấn đề hình phạt trong vụ án trên. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để sự việc xảy ra nhiều năm mà không phát hiện, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Bản án sơ thẩm cho thấy, từ ngày 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung là Bí thư Chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để trục lợi.
Trong quá trình công tác, bà Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ (Quy chế này chưa được Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An thông qua theo quy định) và áp dụng bản quy chế này dẫn đến chi sai nguyên tắc, hưởng lợi số tiền 48.383.908 đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của Lê Thị Dung tại ngân hàng.
Tại tòa, đại diện VKS căn cứ khoản 3 Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, rút một phần truy tố các bị cáo về 2 hành vi vi phạm năm 2011-2012 nên số tiền thất thoát được xác định là 44.762.877 đồng (thay vì 48.383.908 đồng như cáo trạng nêu).
Cũng tại phiên tòa, bà Dung cho rằng mình không phạm tội vì quy chế này đã được xây dựng hợp lệ và công khai, việc chi tiêu nội bộ như vậy là đúng pháp luật. Do đó, sau khi bản án sơ thẩm kết tội bà Dung và tuyên phạt 5 năm tù thì bị cáo này đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án kêu oan, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án này.
Luật sư Cường cho rằng, vụ án trên phức tạp liên quan đến lĩnh vực đặc thù là lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là giáo dục thường xuyên, trong quá trình Nhà nước đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục, thực hiện tự chủ trong giáo dục, có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh việc tổ chức hoạt động cũng như là về quản lý tài chính trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục thường xuyên nói riêng.
Cụ thể có thể kể đến các văn bản như Thông tư số 71/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập...
Theo nội dung vụ án, hành vi vi phạm của bị cáo kéo dài nhiều năm. Quá trình này có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi bổ sung về cơ chế quản lý, về quy chế tài chính và các vấn đề có liên quan, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục thường xuyên.
Do đó, để giải quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật vụ án này, tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra rà soát tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trung tâm Giáo dục thường xuyên để giải quyết vụ án một cách công bằng, đúng pháp luật.
Trong trường hợp tại thời điểm sự việc xảy ra mà không có văn bản pháp luật quy định cụ thể là quy chế chi tiêu nội bộ phải có sự phê duyệt của sở giáo dục và đào tạo thì mới được tổ chức thực hiện thì hành vi của bị cáo không phạm tội. Đây là vấn đề quan trọng quyết định đến việc bị cáo có oan hay không oan.
Ngoài ra cũng cần xác định trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong trường hợp có căn cứ cho thấy quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, thông tin công khai cho các cơ quan chức năng và nhiều cơ quan cùng công nhận hiệu lực, tổ chức thực hiện quy chế này...
Mặt khác, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có lỗi cố ý, bởi vậy để buộc tội bị cáo, cơ quan tố tụng phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thiệt hại cho nhà nước xảy ra, thiệt hại từ 10.000.000 đồng trở lên thì hành vi cấu thành tội phạm.
Theo nội dung trình bày tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng quy chế đã được xây dựng hợp lệ và việc chi tiêu thực hiện đúng quy chế, được công khai trước nhiều cơ quan chức năng.
Bởi vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cấp phúc thẩm cần làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của bị cáo khi thực hiện việc chi tiêu nội bộ này như thế nào, chứng cứ nào chứng minh bị cáo đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Trường hợp pháp luật chưa quy định rõ ràng, còn nhiều cách hiểu khác nhau, không nên xử lý hình sự trong trường hợp này mà có thể áp dụng biện pháp xử lý khác để truy thu tài sản cho nhà nước, rút kinh nghiệm, tiến hành kỷ luật cũng có thể giải quyết được vấn đề.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng làm rõ những thông tin dư luận về việc mâu thuẫn nội bộ, nguyên nhân sự việc để giải quyết triệt để, đảm bảo công bằng, khách quan, đúng pháp luật.
Trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Dung phạm tội 2 lần trở lên nên áp dụng khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm, tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bà Dung ở mức thấp nhất là 5 năm tù.
Theo điều 356 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trường hợp nếu bà Dung có tội, việc kết án 5 năm tù không sai. Theo quy định tại điều 54 Bộ luật Hình sự, trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự trở lên có thể chuyển sang khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn.
Bởi vậy, trong trường hợp bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội phải được xác định là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bản thân có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc, có thể được chuyển sang khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Dung không thành khẩn khai báo, không nhận tội nên không được áp dụng điều 54 để chuyển khung hình phạt. Thông thường thì khi bị cáo đã kêu oan, mức hình phạt 1 năm hay 5 năm như nhau. Do đó, bị cáo không kháng cáo về hình phạt mà chỉ kháng cáo kêu oan và cho rằng việc kết tội như vậy là oan sai.
Luật sư Cường cho rằng, tòa án cấp phúc thẩm cẩn thận trọng trong việc xem xét đánh giá toàn bộ các tình tiết có liên quan đến vụ án, làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Đặc biệt là quy định của pháp luật về việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công để xác định hành vi của bị cáo có vi phạm pháp luật hay không, mức độ xử lý như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp không đủ căn cứ để kết tội, phải sửa bản án sơ thẩm để tuyên bố bị cáo không phạm tội và phục hồi các quyền công dân của bị cáo theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video xét xử cựu GĐ Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)