ĐBQH: Cần tập trung giải pháp căn cơ về khoa học công nghệ

Google News

Thảo luận tại tổ sáng 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần khơi thông nội lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có giải pháp căn cơ về KHCN.

Sáng 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc họi tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh thế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021…
DBQH: Can tap trung giai phap can co ve khoa hoc cong nghe
 Đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại tổ sáng 25/5. Ảnh: Mai Loan.
Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo phát triển kinh tế - xã hội Chính phủ trình Quốc hội trước đó, đồng thời nêu lên 2 trong 13 chỉ tiêu chưa đạt được, cụ thể là về tốc độ tăng năng suất lao động, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.
“Thực tế 2 chỉ tiêu này nhiều năm qua cũng chưa đạt, giống như căn bệnh kinh niên; trong khi đó, các giải pháp đưa ra chưa đủ rõ, chưa đủ mạnh mẽ để tạo chuyển biến”.
Đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, độ mở lớn hiện nay, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp căn cơ liên quan khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ trong nước.
Nếu làm được, sẽ bảo đảm an ninh kinh tế vì hiện nay, chúng ta đang phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ nước ngoài trên nhiều lĩnh vực. Đại biểu Thi lấy ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, tỷ lệ nội địa hóa đang rất thấp: Trong dự án thủy điện, hiện nay chúng ta mới chủ động được khoảng 30%, với nhiệt điện là 25%, điện khí 7%, với lĩnh vực điện gió tỷ lệ phụ thuộc là 100%.
“Đứng về lý thuyết quản trị quốc gia, khi bên ngoài khó khăn, bên trong nội lực phải khơi thông, nhưng chúng ta chưa khơi thông được khiến kinh tế vẫn còn gặp khó”, đại biểu Tạ Đình Thi nói.
Như trong lĩnh vực du lịch, chúng ta có rất nhiều tiềm năng; thời điểm dịch Covid-19 Việt Nam cũng là nước mở cửa sớm do kiểm soát dịch bệnh tốt. Nhưng so với những năm trước, và so với các nước khác trong khu vực, nguồn thu từ du lịch đang thấp hơn bình thường. Hay như một số lĩnh vực dịch vụ khác, cụ thể là dịch vụ karaoke đang không hoạt động; nguyên nhân không phải do dịch vụ này tồi tệ mà một phần do cơ chế.
Đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội cũng nhận định: Kết quả đạt được về kinh tế - xã hội theo báo cáo của Chính phủ cho thấy chúng ta có nhiều cố gắng; nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Bước sang năm 2023, mọi khó khăn đang dần lộ diện, nhất là từ hoạt động của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, đại biểu Ấn cho rằng: Động lực tăng trưởng phải từ trong nước, đi cùng chi tiêu ngân sách, đầu tư công. Tuy nhiên hiện nay, tỷ trọng, tỷ lệ chi tiêu ngân sách, đầu tư công chưa được 16% là chưa đạt. Tháo gỡ vướng mắc nói trên phải xuất phát từ cơ chế. Nếu không có tháo gỡ và tháo gỡ tận cùng sẽ rất khó cho phát triển trong giai đoạn hiện tại và cả giai đoạn sau này.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) Phan Xuân Dũng đánh giá về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)