ĐBQH: Không thể tùy tiện dùng môn Văn để xét tuyển vào ngành Y

Google News

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, không thể tùy tiện thay đổi, dùng môn Văn xét tuyển ngành Y, bởi đây là ngành liên quan tới tính mạng con người.

Ngành liên quan tính mạng con người, chất lượng phải là số 1
Theo thông tin từ đề án tuyển sinh năm 2023, có 4 trường sử dụng tổ hợp có môn Văn để xét tuyển vào ngành Y bao gồm: Trường đại học Văn Lang (TPHCM), Trường đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang), Trường đại học Tân Tạo (Long An) và Trường đại học Duy Tân. Thông tin này đang được dư luận quan tâm.
DBQH: Khong the “tuy tien” dung mon Van de xet tuyen vao nganh Y
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội). Ảnh: QH.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, GS.BS Nguyễn Anh Trí cho hay, nếu nói về sự quan trọng, thì môn Văn cũng rất quan trọng đối với ngành Y. Cả cuộc đời ông, sống có đức, có tình, có lẽ cũng phần nhiều được nuôi dưỡng từ sự am hiểu về văn học nghệ thuật.
Cũng không nên cho rằng, chỉ có môn khoa học tự nhiên mới có năng lực tư duy logic, quan niệm như thế là chưa chính xác.
Tuy nhiên, không thể đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y một cách tùy tiện. “Mà cần có các hội thảo lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia có chuyên môn. Tại thời điểm này, tôi không thể nói được rằng đưa môn Văn vào để xét tuyển ngành Y là tốt hay không tốt. Trước một sự thay đổi lớn như vậy, cần có sự thảo luận, bàn luận và quyết định phải dựa trên căn cứ khoa học”, GS Nguyễn Anh Trí nói.
Ngành Y liên quan đến tính mạng con người, không thể tuyển sinh bất chấp, đào tạo chạy theo số lượng, mà chất lượng phải là số 1. Mà chất lượng liên quan rất nhiều tới tuyển chọn đầu vào.
Một điều khiến ông rất tâm tư hiện nay, đó là có tình trạng loạn trong đào tạo bác sĩ, y khoa, điều đó dẫn đến chất lượng đầu ra không được đảm bảo.
“Riêng với ngành Y, người dốt và không có trái tim thương yêu bệnh nhân là tuyệt đối không được làm. Ngay cả với học trò của tôi, đã có trường hợp tôi nói thẳng, em không làm được bác sĩ, em nên tìm một nghề khác mà làm”, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Về việc ngành Y có thể có những lĩnh vực khác như truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao tư vấn sức khỏe… cần tới môn Văn, ông Trí một lần nữa khẳng định, bất cứ sự thay đổi nào cũng cần dựa trên căn cứ khoa học, và có quy trình, chứ không phải đột ngột như cách các trường đang làm.
Đào tạo ồ ạt sẽ nguy hại cho xã hội
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ cho hay, là một giáo viên Sinh học, ông cũng đã đồng hành với rất nhiều thế hệ học sinh ôn thi vào các trường Y trên cả nước.
DBQH: Khong the “tuy tien” dung mon Van de xet tuyen vao nganh Y-Hinh-2
 Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh.
Ông đã tham khảo thông tin từ các chuyên gia, các hội nhóm về du học và trên các mặt báo, Australia, Mỹ, Anh hay Singapore nằm trong số các quốc gia có nhiều trường đại học lọt vào danh sách đào tạo y khoa tốt nhất thế giới, các nước này cũng có quy trình tuyển sinh đầu vào ngành y khắc nghiệt bậc nhất.
Ví dụ, ở Singapore, các trường đào tạo Y khoa công lập có điều kiện đầu vào gắt gao nhất trong các ngành. Các trường tư thục không đào tạo Y khoa, chỉ có một số cơ sở dạy về ngành khoa học, y sinh, quản trị dược phẩm. Ngành y ở đây học 5 - 6 năm.
Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và trường Y Lee Kong Chian của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) là hai cơ sở công lập đào tạo bậc cử nhân nổi tiếng ở Singapore. Yêu cầu đầu vào bắt buộc của hai trường đều cần có một trong các chứng chỉ như: A level, IB, bằng tốt nghiệp trường trung học của NUS, bằng cao đẳng (tương đương dự bị đại học). Trong đó, các môn Hóa, Sinh và Vật lý phải đạt điểm từ giỏi đến xuất sắc. Ngoài hai trường này, Y Duke-NUS là nơi duy nhất đào tạo sau đại học.
Mỗi năm có 2.000 ứng viên nộp vào trường Yong Loo Lin. Theo website của NUS, khoảng 1.200 thí sinh trong số này vào danh sách rút gọn (shortlist) để phỏng vấn và chọn ra 280 suất. Trong khi đó, một số lượng tương tự hồ sơ nộp vào trường Lee Kong Chian, nhưng chỉ tuyển khoảng 160 chỉ tiêu mỗi năm. Bên cạnh kết quả học tập xuất sắc, hầu hết ứng viên cần có thành tích ngoại khóa ấn tượng và vượt qua các cuộc phỏng vấn.
Trường Yong Loo Lin có hai bài thi Đánh giá các kỹ năng tập trung (FSA) và Xử lý tình huống (SJT). Trong khi trường Lee Kong Chian yêu cầu bài thi BMAT (BioMedical Admissions Test), gồm ba phần: Năng khiếu và kỹ năng; kiến thức khoa học và ứng dụng; viết.
Nếu mọi người tìm hiểu thêm về phương thức tuyển sinh ngành Y ở Mỹ, Canada, Anh, Úc,... thì đều thấy còn khắc nghiệt hơn cả Singapore. Với quan điểm chung, ngành Y là một trong những ngành đặc thù nhất, liên quan đến chăm sóc sức khỏe trên cơ thể người nên chỉ khi bạn thực sự xuất sắc thì mới xứng đáng được chọn.
Theo ông Khánh, bác sĩ là một nghề đặc thù, việc tuyển sinh theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) truyền thống là phù hợp. Nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT không đảm bảo tính phân loại trong xét tuyển đại học thì các trường nên nhanh chóng đưa ra hình thức thi tuyển riêng nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào tốt nhất.
Cùng quan điểm với GS Nguyễn Anh Trí, ông Khánh cho rằng, hiện nay, tình trạng các trường đại học "đua" nhau mở ngành sức khỏe, thậm chí, nhiều trường không liên quan đến khối ngành sức khỏe cũng tham gia đào tạo với lượng chỉ tiêu lớn rất đáng lo ngại.
“Các ngành đào tạo về sức khỏe liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, nếu đào tạo ồ ạt, chạy đua theo số lượng thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hại cho xã hội”, ông Khánh nêu quan điểm.
Theo ông Khánh, nên để những trường đại học có kinh nghiệm, bề dày lịch sử về đào tạo y khoa tập trung đào tạo nhân lực cho ngành đặc thù này, như vậy, trình độ, năng lực của các nhân viên y tế mới đảm bảo yêu cầu của xã hội.
Liên quan đến vụ việc dùng môn Văn để xét tuyển ngành Y, ngày 28/5, thông tin tới báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, mỗi phương thức tuyển sinh (mà cơ sở đào tạo quyết định sử dụng) phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Và theo thông tư số 17, không chỉ những quy định về chuẩn đầu vào, mà còn các yêu cầu khác về điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo.
Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự đồng hành của báo chí, Bộ luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện để có thể có những điều chỉnh chính sách phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường, trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)