Tăng tuổi phục vụ CAND phải tương đồng với Bộ luật Lao động

Google News

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tăng tuổi phục vụ trong CAND phải có lộ trình tương ứng với Bộ luật Lao động và phải bảo đảm tính công bằng, bình đẳng với đối tượng là nữ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 2/6, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Cần có chuẩn cụ thể về thăng hàm cấp Tướng Công an trước hạn
Góp ý về chính sách phong tướng trước thời hạn, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đã dẫn chuyện năm 1948 Bác Hồ đã phong hàm Đại tướng đầu tiên của quân đội cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tang tuoi phuc vu CAND phai tuong dong voi Bo luat Lao dong
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN).
Khi trả lời phóng viên phương Tây về tiêu chuẩn phong hàm này, Bác đã trả lời: "đánh thắng đại tá thì phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng thì phong thiếu tướng, thắng trung tướng thì phong trung tướng và thắng đại tướng thì phong đại tướng".
“Có thể nói rằng ý nghĩa câu chuyện lịch sử này đến nay vẫn còn nguyên giá trị và không chỉ có ý nghĩa đối với lực lượng quân đội nhân dân mà còn có ý nghĩa đối với lực lượng công an nhân dân”, đại biểu Lưu Bá Mạc khẳng định.
Theo đại biểu, một sĩ quan công an nhân dân đã trải qua quá trình công tác, chiến đấu, lập được chiến công thì sự uy tín, sự ngưỡng mộ, sự trân trọng đối với sĩ quan công an nhân dân đó sẽ được đồng nghiệp, được Nhân dân ghi nhận một cách tự nhiên. Khi đó, nếu đủ điều kiện được phong hàm cấp tướng trước thời hạn thì sự nỗ lực, cống hiến đó sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng, đồng thời có thêm điều kiện để tiếp tục làm tròn sứ mạng của công an nhân dân.
Do vậy, chính sách về xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn cho sĩ quan công an nhân dân khi có thành tích đặc biệt xuất sắc thực sự là cần thiết và có ý nghĩa. Trong thời điểm hiện tại thì chính sách này thực sự phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Tuy nhiên, ông Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí ngay vào trong luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết. Từ đó tạo sự nhất quán và hoàn chỉnh trong việc thể hiện nội dung trong dự thảo luật và tạo thuận lợi cho việc thực hiện.
Bày tỏ sự đồng tình với đại biểu Lưu Bá Mạc, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu theo hướng quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện để thăng cấp, bậc hàm cấp tướng trước thời hạn ngay trong dự thảo luật, không giao cho Chính phủ quy định chi tiết nhưng dự thảo hiện nay.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cũng cho rằng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc nên khó khăn trong triển khai.
Tăng tuổi phục vụ phải tương đồng với Bộ luật Lao động
Nêu ý kiến về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (TP Hà Nội) đề nghị Ban Soạn thảo cần có giải trình thuyết phục hơn về việc phân biệt các mức hạn tăng tuổi phục vụ khác nhau áp dụng đối với nữ công nhân công an, nữ hạ sĩ quan và sĩ quan công an nhân dân, hiện đang có 3 mức là 2 năm, 3 năm và 5 năm.
Tang tuoi phuc vu CAND phai tuong dong voi Bo luat Lao dong-Hinh-2
 Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (TP Hà Nội). Ảnh: QH
Theo đó, nếu xác định lao động của nữ sĩ quan, hạ sĩ quan là thường xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, môi trường nặng nhọc, độc hại như được nêu tại báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công an, thì hạn tuổi phục vụ của nhóm đối tượng này nên được quy định thống nhất là 55 tuổi. Điều đó, nhằm bảo đảm tương đồng với quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đối với những vị trí có yêu cầu cần kéo dài tuổi công tác hơn nữa thì áp dụng quy định về kéo dài tuổi khi đơn vị có nhu cầu và sĩ quan có nguyện vọng phục vụ.
Về lộ trình tăng tuổi phục vụ, đại biểu đề nghị cần quy định chung theo lộ trình tương ứng của Bộ luật Lao động, để bảo đảm tính tương đồng, đúng như mục tiêu yêu, cầu đặt ra khi sửa đổi, bổ sung luật này.
Bởi, theo quy định của Bộ luật Lao động và đặc biệt là Nghị định số 135/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu thì đã xác định lộ trình tăng tuổi đối với các trường hợp nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Theo đó, đối với những trường hợp tăng tuổi nghỉ hưu lên 2 tuổi so với trước đây thì lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nam đến năm 2028 mới kết thúc và của lao động nữ cũng phải đến năm 2026 mới kết thúc.
“Do đó, nếu Luật Công an nhân dân quy định các trường hợp này thực hiện tăng hạn tuổi 2 năm ngay thì sẽ không bảo đảm tính đồng bộ”, đại biểu nêu ý kiến.
Trong khi đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đề nghị cần làm rõ vì sao lại có sự khác nhau trong lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất, liệu có bảo đảm tính công bằng và bình đẳng đối với đối tượng là nữ.
Theo đại biểu, chỉ nên quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, tăng 4 tháng đối với nữ và xác định thời điểm tăng hạn tuổi từ ngày 1/1/2021 theo quy định của Bộ luật Lao động. Còn đối tượng cụ thể và lộ trình tăng tuổi cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, hồ sơ dự án Luật được xây dựng theo quy định Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, công an các đơn vị, địa phương và được Chính phủ thống nhất thông qua.
Về ý kiến của các đại biểu liên quan đến quy định sỹ quan Công an nhân dân được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác; quy định các vị trí cấp Tướng đối với Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố...; đề nghị cân nhắc một số quy định về tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân công an..., Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ, các cơ quan liên quan của Quốc hội để tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo, báo cáo Quốc hội theo đúng quy định.
Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5.". Nguồn: Truyền hình Quốc hội.
 

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)