'Triết lý' của người đi hái măng rừng

Google News

"Măng là lộc của rừng, muốn hưởng lộc lâu dài thì phải có trách nhiệm với rừng, phải bảo vệ rừng", đó là triết lý của những người nông dân đi hái măng rừng.

Ăn “lộc" thì phải có trách nhiệm
Gần sáng, khi màn đêm còn bao trùm không gian, ông Nguyễn Văn Sáu, năm nay 60 tuổi, ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã lay tôi dậy, giọng tỉnh như chưa từng ngủ: “Sao, có dậy nổi đi rừng với tôi không?”.
Tôi lồm cồm ngồi dậy, hỏi: “Sao phải đi sớm như ăn trộm vậy chú Sáu?”. Ông cười đáp: “Bây giờ chưa phải chính vụ mùa măng, người ta đi hái nhiều lắm, nếu ngủ cho đẫy, đứng bóng mới dậy đi thì thôi ở nhà chơi cho khoẻ. Lúc đó người ta hái về hết rồi, lấy đâu lượt mình”.
Ông Sáu vừa nói vừa nai nịt kín người, áo dài tay, găng tay bằng vải bố, khăn trùm đầu, đội mũ, đeo vớ (tất) và xỏ ủng nhựa. Dụng cụ hái măng chỉ đơn giản là con rựa đi rừng và chiếc gùi đeo sau lưng.
Chúng tôi ra khỏi nhà trời vẫn còn tối bưng. Trên đường đi, chúng tôi đón thêm một thành viên nữa, là anh Nguyễn Quang Tám (42 tuổi), cách nhà ông Sáu vài cây số. “Khoảng 2 - 3 tháng nữa, vào mùa mưa, măng mới nhiều. Thời điểm này măng chưa rộ, còn hiếm. Nhưng nhiều người vẫn đi, cậu biết vì sao không?”, ông Sáu hỏi rồi tự trả lời: “Vì măng rừng hiếm nên bán được giá cao. Một điều quan trọng nữa là chưa phải mùa mưa, nên đi rừng đỡ vất vả hơn. Ít muỗi, vắt, rắn rết, không trơn trượt. Có lần con gái tôi đi hái măng, nó ham quá, đến khi quay trở ra thì trời tối. Đường trơn, gùi măng nặng lại đi vội nên trượt ngã, đầu gối đập xuống cạnh đá nhọn, về tốn bao nhiêu tiền thuốc, điều trị cả tháng trời mới cà nhắc đi lại được. Nên vào mùa mưa, tôi ít đi, mặc dù lúc đó măng nhiều, nhưng rẻ lắm, chưa kể là vất vả”.
'Triet ly' cua nguoi di hai mang rung
Ông Sáu bảo: "Muốn ăn lộc của rừng lâu dài thì phải yêu rừng, biết bảo vệ rừng". Ảnh: Phúc Lập. 
Nơi chúng tôi đến thuộc rừng Nam Cát Tiên. Vượt qua rất nhiều vườn tiêu, điều, cà phê, chúng tôi mới vào đến cửa rừng. Lúc này, đường đi khó khăn hơn, nền đất rừng dưới chân lúc lầy lội, khi lại trơn trợt bởi lớp rêu xanh rì, còn ướt sương đêm. “Chú ý khi lội qua suối, vì đáy suối là lớp đá bám đầy rêu, rất trơn. Đó cũng là lý do vì sao đi rừng phải mang ủng cao su, có gai, độ bám tốt”, ông Sáu nhắc tôi.
Băng qua con suối nước sâu, chúng tôi đến khu rừng lồ ô rậm xen lẫn một vài cây gỗ lớn. Lẩn khuất dưới tán rừng có nhiều búp măng vừa nhú lên khỏi mặt đất cạnh các cây măng lớn đã vượt qua đầu người. Đến một bụi lồ ô lớn, ông Sáu gạt lớp lá phủ dày dưới gốc, lộ ra mấy búp măng vừa nhú cao chừng 20cm. Ông cào thêm lớp đất mềm xung quanh mấy đọt măng, sau đó dùng cây rựa cắt măng sát mặt đất.
Bỏ “chiến lợi phẩm” đầu tiên vào gùi, ông cười bảo: “Măng nhiều nhất ở khu vực gần suối, vì mát, nhiều nước, lồ ô phát triển mạnh. Nhiều khi chỉ cần một bụi lồ ô lớn là hái đầy một gùi măng rồi. Nhưng phải thuộc địa bàn rừng mới biết đoạn suối nào nhiều lồ ô”.
Tiếp tục men theo một sườn dốc thoai thoải tiến sâu vào rừng, chúng tôi thấy cả một khoảnh toàn lồ ô, những ngọn măng cao từ 0,5 - 1m, nhọn hoắt như bãi chông chĩa mũi lên trời. Ông Sáu bảo, măng lên cỡ này già rồi, không ăn được.
'Triet ly' cua nguoi di hai mang rung-Hinh-2
Nhờ biết bảo vệ rừng, không thu hái tận diệt, mà mỗi khi nông nhàn, một chuyến đi rừng ông Sáu kiếm được vài trăm ngàn. Ảnh: Phúc Lập. 
Sau đó, ông bỏ gùi trên lưng, ngồi xổm, dùng dao đào những chồi măng đang nhô lên khỏi mặt đất. Tuy nhiên, ông không đào hết, mà chừa lại vài chồi. “Mỗi bụi mình chừa lại một ít cho lên, để mùa sau còn có măng mà hái. Chứ đào sạch thì bụi tre sẽ không phát triển được. Đây là lộc của rừng, mình hái hết là tận diệt, nên phải biết bảo vệ rừng thì rừng mới có lộc cho mình chứ”, ông Sáu cười.
Theo Phúc Lập/ báo Nông Nghiệp

>> xem thêm

Bình luận(0)