6 cầu thủ bán độ: lỗi "ông bầu", sức mạnh đồng tiền

Google News

(Kiến Thức) - Chuyện 6 cầu thủ CLB Đồng Nai bán độ giá 400 triệu phản ánh rõ nhất các "ông bầu" chỉ chơi bóng đá và đồng tiền được đặt trên hết.

Kiến Thức đã có cuộc trao đổi thú vị với nhà báo Nguyễn Lưu nói về chuyện cầu thủ bán độ bóng đá.

Lầm tưởng đúng giờ là... đạo đức
- Chuyện cá độ trong giới cầu thủ không còn xa lạ ở Việt Nam khi trước đó đã có người phải trả giá bằng việc ngồi tù, thế nhưng nó vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo ông thì vì sao?
Tôi cho rằng, việc người ta luôn quan tâm đến nó vì trước hết, bóng đá là môn thể thao vua khi luôn có một lượng người hâm mộ đông đảo. Vậy nên, bất kể hành động, việc làm dù là tốt hay xấu trong bóng đá, liên quan đến cầu thủ đều có sức thu hút. Còn có một lý do nữa theo tôi cũng không kém phần quan trọng là bởi vì ở ta, giới cầu thủ vẫn được cho là có thu nhập ở mức khá cao so với mặt bằng chung thế mà họ vẫn tham gia cá độ. Điều này luôn khiến dư luận phải đặt câu hỏi.
- Tôi cũng từng thắc mắc rằng tại sao cầu thủ có mức thu nhập khá mà vẫn tham gia cá độ. Phải chăng họ làm thế không phải vì tiền?
Họ vì tiền cả đấy. Nhiều người đến với bóng đá chỉ để được đổi đời, được giàu sang. Ước muốn đó là chính đáng, song khi mà xã hội, gia đình chưa chuẩn bị cho họ hành trang đầy đủ về nhận thức, hiểu biết thì chuyện cầu thủ cá độ không có gì khó hiểu.
- Nhưng trong số những cầu thủ cá độ có người còn làm chủ doanh nghiệp, nhiều người trong số họ có mức giá chuyển nhượng tới hàng tỷ đồng. Rõ ràng họ không thiếu tiền?
Trong toán kinh tế, hàm lợi ích không có giá trị cực đại, vậy nên khi người ta có nhà rồi thì sẽ muốn có ô tô, có ô tô thì mong có ô tô "xịn" hơn... Dĩ nhiên, cũng có người tham gia cá độ, bán độ không phải vì tiền, song tôi tin số đó không nhiều.
- Dư luận cũng đặt câu hỏi: Vì sao đã từng có những tấm gương tày liếp cá độ phải ngồi tù mà sao các cầu thủ trẻ vẫn "nhúng chàm", thưa ông?
Vậy thì hãy đặt câu hỏi: Vì sao nhiều người bị tù chung thân, thậm chí tử hình do tham nhũng mà tham nhũng vẫn tràn lan? Trong bộ Tư bản luận của Karl Marx có viết: Nếu là một kẻ tư bản theo nghĩa đen, nếu lãi một đồng thì chịu đòn, nếu lãi 100 đồng thì dù treo cổ chúng vẫn làm. Vì tiền, con người ta có thể bất chấp tất cả. 
- Nhưng thực tế thì không phải cầu thủ nào cũng tham gia cá độ, làm tiền bằng mọi giá!
Đúng. 
- Điều gì làm nên sự khác biệt đó, thưa ông?
Tôi nghĩ để trả lời cho câu hỏi này, cần phải nhìn từ cách đào tạo của chúng ta hiện nay. Hầu hết các trung tâm hay câu lạc bộ bóng đá tôi biết là tập trung rèn luyện thể thao nhiều hơn nhân cách. Lẽ ra người ta phải làm song song việc trau dồi nhân cách cho vận động viên, giáo dục các em hiểu lý tưởng đến với thể thao là gì. Đằng này, có chăng họ chỉ rèn cho các em sự đúng giờ. Họ lầm tưởng như thế là đạo đức. Lớn lên, họ chỉ nói với các em kiểu "mày đừng làm cái việc đó, mày sẽ bị đi tù đấy", rất sơ sài thì làm sao mà có tác dụng được. Với cách làm đó thì tôi e rằng nhiều cầu thủ chưa cá độ chẳng qua họ chưa có cơ hội hoặc chưa bị phát giác mà thôi. 
Nhà báo Nguyễn Lưu nói về chuyện cầu thủ cá độ bóng đá. 
Bóng đá mà tùy thuộc độ ngông thì chết rồi!
- Kể ra thì làm cầu thủ không... sướng như người ta vẫn tưởng như thu nhập cao, được nhiều người hâm mộ mà ngược lại, có quá nhiều cám dỗ bủa vây và họ sẽ sa lầy bất cứ lúc nào?
Đúng. Vấn đề là người ta có bước qua được sự cám dỗ luôn bủa vây ấy không. Tiếc là chẳng ai dạy họ cách vượt qua cạm bẫy cả.
- Hình như ông đang phủ nhận sạch trơn vai trò của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, của lãnh đạo các câu lạc bộ?
Gắn bó với thể thao nói chung, với bóng đá nói riêng ở góc độ người làm báo, tôi chẳng thấy vai trò của những người lãnh đạo, quản lý thể hiện rõ nếu không muốn nói quá mờ nhạt. Chính chủ nghĩa thành tích từ lâu đã gặm nhấm "cơ thể" bóng đá Việt Nam và làm méo mó đi nhiều thứ. Hiện tượng không tương thích giữa giá trị và giá trị sử dụng là do các "ông bầu" làm nên khi họ chơi ngông tự thổi giá cầu thủ, khiến cầu thủ cứ nghĩ mình là ngôi sao. Cũng vì chơi ngông nên mới có chuyện động tí là đề nghị bỏ giải. Bóng đá chuyên nghiệp là bóng đá doanh nghiệp, việc các doanh nghiệp đến với thể thao là đáng quý. Nhưng một nền bóng đá mà tùy thuộc vào độ ngông của chủ một số doanh nghiệp thì chết rồi. 
- Vậy nó cần tùy thuộc vào đâu?
Nó cần phải được một tổ chức xã hội hoặc phi chính phủ điều hành một cách bài bản.
Gương xấu đầy rẫy
- Như ông phân tích thì rõ ràng cầu thủ cá độ không hoàn toàn là lỗi của họ?
Đúng. Tôi nghĩ họ vừa là tội đồ nhưng cũng là nạn nhân. 
- Có vẻ như cá độ là bệnh nan y của bóng đá Việt Nam, thưa ông?
Môi trường bóng đá có quá nhiều cạm bẫy, thường xuyên giao du với thành phần phức tạp trong xã hội, dễ bị cám dỗ. Nhưng trách cứ một nền bóng đá vội vã lên chuyên nghiệp thì chưa đủ, nó là lỗi hệ thống. Việc cầu thủ biết sai mà vẫn làm như cá độ bóng đá là bức tranh phản ánh rõ nhất thực trạng của nền bóng đá Việt Nam cũng như xã hội, khi mà những "ông bầu" chỉ chơi bóng đá thay vì làm bóng đá theo kiểu thích thì chơi, không thích thì bỏ, khi mà đồng tiền được đặt lên trên hết và xã hội luôn thiếu đi sự minh bạch để người ta phải đói khát đi tìm.
- Với những yếu kém, bất cập ông chỉ ra, chẳng lẽ chúng ta cứ mãi chấp nhận thực tế đó mà không có cách gì tháo gỡ?
Malaysia đã cho cả Đông Nam Á bài học tuyệt vời khi cách đây 4, 5 năm, họ phát hiện ra tiêu cực trong bóng đá tràn lan, họ đã làm mạnh mẽ, triệt để và họ thành công. Vấn đề là chúng ta có chịu làm không. Nhưng một mình Liên đoàn Bóng đá không làm nổi mà cả xã hội phải vào cuộc; bởi khi mà những tấm gương xấu từ người lớn, kể cả người có chức vụ quyền hạn còn đầy rẫy thì thật khó để giáo dục đạo đức, nhân cách không chỉ cho riêng cầu thủ.  
Trân trọng cảm ơn ông!
- "Có "ông bầu" cấm cầu thủ của mình nhận tiền thưởng sau trận đấu để tránh tiêu cực. Tôi nghĩ đó cũng là một cách làm hay. Nhưng tôi cho rằng vấn đề quan trọng hơn cả là phải giáo dục để cầu thủ hiểu được rằng đến với thể thao không phải là vì tiền mà còn vì những lý tưởng cao đẹp của sự cống hiến. Khi đó, tự bản thân họ sẽ biết cách hành xử với đồng tiền, nhận hoặc không nhận".
- "Chủ nghĩa thành tích làm cho người ta quên đi nhiều thứ. Họ chỉ chăm chăm làm sao mua được cầu thủ tốt, ghi thật nhiều bàn thắng theo kiểu ăn xổi chứ rất ít người nghĩ đến việc đào tạo trẻ. Ngay cách hành xử của những người "lớn", từ các "ông bầu" nhảy bổ vào sân chửi bới trọng tài, trọng tài điều hành trận đấu vì tiền... thì đã hiểu phần nào việc cầu thủ biết sai mà vẫn làm rồi". 
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)