Ở Hà Nội, có một trạm cứu hộ chó, mèo bị bỏ rơi của các bạn sinh viên: Những cuộc gọi khẩn cấp trong đêm...

Google News

Bất kể ngày đêm, mưa nắng, suốt 9 năm qua, chỉ cần có cuộc gọi cầu cứu, các thành viên Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội lại lên đường để giúp đỡ các bé chó, mèo bị thương, bỏ rơi.

Kể từ ngày thành lập, Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội đã cứu không biết bao nhiêu bé chó, mèo bị bỏ rơi. Có bé bị thương, tật nguyền, có bé bị chủ nuôi bỏ rơi, tất cả đều được các bạn sinh viên của Trạm mang về cưu mang, chăm sóc.

Trạm dừng chân của những "người bạn 4 chân" bất hạnh

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ gần đường Ngô Xuân Quảng (Gia Lâm, Hà Nội), có một dãy nhà cấp 4 được cải tạo lại, trở thành nơi sinh sống của rất nhiều bé chó, mèo bị bỏ rơi. Nơi đây là Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội, được thành lập từ năm 2015 bởi thầy giáo và các bạn sinh viên K58 Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập Trạm, bạn Minh Phượng - thành viên đội cứu hộ cho biết: “Chủ nhiệm Trạm chúng mình từng là giảng viên Khoa Thú Y, từng đi học ở Đài Loan, nơi mà phúc lợi động vật rất được coi trọng và các bé chó mèo hoang cũng được quan tâm. Thầy nhận thấy ở Việt Nam ngày càng có nhiều bạn chó mèo hoang bị bỏ rơi nên đã cùng với các anh chị khoá trên, thành lập Trạm để có thể vận dụng chính những cái bản thân được học, cứu giúp cho các con vật, sinh linh bất hạnh không ai quan tâm”.

Từ khi thành lập cho tới nay, Trạm vẫn hoạt động ở dãy nhà cấp 4 với đầy đủ các phòng khám ngoại khoa, nội khoa, khu vực truyền nhiễm. Tất cả đều được phân bổ rõ ràng và đều có thiết bị y tế cơ bản phục vụ việc khám, chữa trị, chăm sóc chó, mèo. 

Mỗi bé chó, chú mèo đều có một hoàn cảnh đặc biệt. Bé thì bị bỏ rơi, bệnh tật hoặc chủ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng,... Dù ở điều kiện nào, Trạm cũng đều tiếp nhận và gắng sức để giúp đỡ những "người bạn 4 chân" này. 

Giống như trường hợp của bé chó tên Bơn được cứu hộ ở gần bãi rác của khu dân cư. Khi về, da của bé rất yếu và bị tổn thương nhiều, chỉ cần chạm nhẹ là chảy máu. Sau hơn 2 tháng ở Trạm, Bơn đã phục hồi sức khỏe và thay đổi diện mạo một cách thần kỳ.

Hay bé cún con bị tai nạn xe phải tháo bỏ một bên chân. Bé được một người bạn nước ngoài mang đến Trạm. Lúc đến, sức khỏe bé rất yếu tưởng như không qua khỏi, nhưng sau một thời gian điều trị, bé đã hồi phục. 

Còn bé mèo bị hỏng một bên mắt là do dính bẫy. Bé cũng được tiếp nhận trong tình trạng tổn thương nặng vùng mắt. Nhân viên của Trạm đã phải nỗ lực rất nhiều để bé có diện mạo như hiện tại. 

Mỗi bé chó, mèo cứu hộ về đều được khám sức khỏe tổng quát, từ đo nhiệt độ, khám các bệnh da liễu đến kiểm tra bệnh truyền nhiễm,... Sau đó, chúng mình sẽ có phương pháp điều trị tùy theo tình hình sức khỏe riêng của mỗi thú cưng. Khi chăm sóc đến lúc sức khỏe ổn định, Trạm sẽ đăng tin tìm chủ mới cho các bé”, bạn Minh Phượng chia sẻ thêm. 

Những cuộc gọi cứu hộ trong đêm...

Trạm hiện có 25 thành viên, đều là sinh viên thay phiên nhau đến trực 24/24 giờ, chia làm 3 ca. Sáng và chiều, các bạn chủ yếu chăm sóc các bé chó, mèo và dọn dẹp vệ sinh. Ca tối trực và nhận điện thoại trong trường hợp cứu hộ, hoặc quan sát các thú cưng bị bệnh đặc biệt và nguy hiểm.

Để có được một ngôi nhà chung cho các bé chó, mèo hoang như hiện tại, Trạm bảo hộ động vật đã bắt đầu từ con số 0 với nhiều khó khăn. Từ việc kinh phí hoạt động đến môi trường sống, không gian để chăm sóc cho các bé chó, mèo cũng là bài toán nan giải.

Do cơ sở vật chất tại Trạm không được tốt lắm nên vào mùa hè sẽ rất nóng, oi bức. Ngược lại, vào những ngày trời mưa lớn kéo dài thì dễ bị ngập nước, các thành viên trong Trạm chỉ biết nỗ lực hết sức, tự sửa chữa để làm sao có được một môi trường tốt nhất có thể, làm chốn bình yên cho những "người bạn 4 chân" bất hạnh.  

“Đa số các tình nguyện viên chúng mình đều đang là sinh viên nên kinh nghiệm còn hạn chế, nhiều trường hợp cần phải nhờ đến sự trợ giúp của các anh chị khóa trên, các thầy hay các bác sĩ ở phòng khám liên kết. Cũng vì không có các thiết bị nên chúng mình vẫn cần nhờ đến sự hỗ trợ của các phòng khám”, bạn Minh Phượng nói.

Tất cả những vấn đề trên, các thành viên trong Trạm đều thấu hiểu và cùng nhau vượt qua. Họ đều đặt tình yêu thương động vật và hoàn cảnh xót xa của các bé lên hàng đầu. Có những lần, Trạm tham gia cứu hộ thành công cho chó, mèo vào lúc 1 giờ, 2 giờ sáng. Tuy vất vả, nhưng bằng tình yêu thương động vật, các thành viên của Trạm luôn cố gắng và giữ nhiệt huyết để đồng hành cùng các bé chó, mèo tội nghiệp.

Có lẽ suốt 9 năm qua, điều mà những thành viên Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội mong muốn là sẽ không phải chứng kiến bất kỳ một bé chó, mèo, loài động vật nào bị bỏ rơi nữa. Để cho những cuộc gọi cầu cứu sẽ ít dần đi, những "người bạn 4 chân" được yêu thương, trân trọng hơn trong chính ngôi nhà ban đầu của mình. 

Cảm ơn Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội - Cảm ơn nơi dừng chân đầy bình yên của các bé chó, mèo bất hạnh. Hi vọng những thông điệp mà Trạm đã và đang thực hiện sẽ ngày một lan tỏa để mọi người cùng nhau chung tay bảo vệ động vật, mang sự ấm áp, yêu thương đến với những người bạn đặc biệt này!

Ảnh: Thảo Anh, Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội.

THẢO ANH

Bình luận(0)