Cách cứu người bị say nóng, say nắng

Google News

Theo bác sĩ Hữu Tân, bạn cần gọi cấp cứu ngay khi gặp người bị say nóng, say nắng. Bất cứ sự trì hoãn nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.

Cach cuu nguoi bi say nong, say nang

Cha mẹ đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong thời tiết nắng gắt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngày 25/4, Nam Bộ tiếp tục trải qua một ngày nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Tại TP.HCM, nhiệt độ thực tế ở những khu vực không có cây xanh lên đến 40 độ C.

Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan nhận định tình trạng nắng nóng không bất thường, nhưng nhiệt độ năm nay cao hơn năm ngoái. Ngoài nắng nóng, gió yếu cũng làm thời tiết oi bức hơn.

Theo các chuyên gia, đây là điều kiện dễ xảy ra các trường hợp nguy hiểm như say nắng, say nóng, ngất, sốc nhiệt...

Gọi cấp cứu ngay khi gặp người say nắng, say nóng

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Tân, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết say nắng, say nóng là một cấp cứu y học. Nếu nghi ngờ ai đó bị say nắng, say nóng, bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức và sơ cứu cho nạn nhân cho đến khi nhân viên y tế tới.

"Rất nhiều người coi nhẹ say nắng, say nóng, nhưng nó không chỉ có biểu hiện là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà còn có thể gây đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời, chúng có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong", bác sĩ Hữu Tân nói.

Những người dễ bị say nóng, say nắng thường có các yếu tố nguy cơ như:

  • Béo phì hoặc thiếu cân.
  • Kiệt muối nước.
  • Tuổi quá cao hoặc quá nhỏ.
  • Sự thích nghi với khí hậu.
  • Không uống nước, môi trường nóng.
  • Mắc các bệnh như: Đái tháo đường, bệnh tim - phổi - thận, bệnh tâm thần…
  • Sử dụng các loại thuốc kháng histamin, giảm cân, lợi tiểu, tim mạch, huyết áp, chống động kinh…
  • Cach cuu nguoi bi say nong, say nang-Hinh-2

    Thời tiết nắng gắt, oi bức là điều kiện dễ xảy ra các trường hợp nguy hiểm như say nắng, say nóng, ngất, sốc nhiệt... Ảnh: An Huy.

    Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, đặc điểm chung của say nắng và say nóng là dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. Cụ thể:

    Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: Nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt - giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Chú ý, ở người già, các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm.

    Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: Tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao, người bệnh mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết (xuất huyết kết mạc, đái ra máu, đi tiêu ra máu) do rối loạn đông máu nặng. Nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

    Việc cần làm khi chờ được hỗ trợ y tế

    Trong khi đợi hỗ trợ y tế đến, người dân cần phải tiến hành sơ cứu bằng các cách nhanh chóng đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ hoặc tới một khu vực râm mát. Cởi bỏ quần áo nào không cần thiết.

    Nếu có thể được, bạn đo thêm nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát. Hạ nhiệt nhanh bằng quạt và làm ướt da bệnh nhân với khăn ướt hoặc vòi nước. Ngoài ra, bạn có thể áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Đây là các khu vực nhiều mạch máu gần da nên làm lạnh chúng giúp hạ nhiệt độ nhanh chóng.

    Cach cuu nguoi bi say nong, say nang-Hinh-3

    Theo bác sĩ Hữu Tân, bạn cần gọi cấp cứu ngay khi gặp người bị say nóng, say nắng. Ảnh: An Huy.

    Người sơ cứu cũng có thể nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát hoặc bồn tắm nước đá.

    Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, bạn có thể gọi điện tới phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm. Hãy theo dõi liên tục ý thức của nạn nhân. Với tình trạng mất nước nặng, bạn có thể phải hỗ trợ đường thở, hô hấp, tuần hoàn bằng kỹ thuật CRP (hồi sinh tim phổi) cơ bản.

    “Khoảng thời gian một giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng là ‘thời điểm vàng’ để cấp cứu. Nguyên nhân là nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này, hiệu quả gần như đạt 100%. Ngược lại, nếu chậm làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi đột quỵ não do nóng, 100% nạn nhân sẽ tử vong”, bác sĩ Uyển lưu ý.

    Đồng quan điểm, bác sĩ Tân cho rằng khi không được cấp cứu sớm, kịp thời, người bệnh có thể gặp các biến chứng như:

  • Tim mạch: Nhịp nhanh xoang, tụt huyết áp, tăng men tim, thủng cơ tim.
  • Phổi: Phù phổi, sặc phổi, kiềm hô hấp và ARDS.
  • Thận: Tiêu cơ vân, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp.
  • Điện giải: Hạ kali máu, tăng kali máu, hạ calci máu, tăng natri máu, hạ đường huyết, tăng uric máu.
  • Huyết học: Rối loạn đông máu, DIC.
  • Thần kinh: Liệt nửa người, hôn mê, mất trí nhớ, thay đổi tính cách, thất điều, thất ngôn.
  • Gan: Vàng da, hoại tử tế bào gan, suy gan.
  • Làm gì để không bị say nắng, say nóng?

    Các chuyên gia khuyến cáo khi chỉ số nhiệt lên cao, người dân tốt nhất nên ở trong môi trường có không khí mát mẻ. Trường hợp phải ra ngoài khi trời nắng, có thể ngăn ngừa hiện tượng say nắng, say nóng bằng cách thực hiện các lưu ý sau:

  • Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu và đội một chiếc mũ rộng vành.
  • Uống nhiều nước để tránh mất nước, khuyến khích nhiều nước trái cây, nước rau, nước uống bổ sung điện giải khi hoạt động trong thời gian nhiệt độ và độ ẩm cao.
  • Hoạt động, làm việc tránh thời điểm nắng gắt, nhất là buổi trưa.
  • Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng SPF > 30.
  • Tránh các chất lỏng có chứa cafein hoặc chất có cồn.
  • Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao. Tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
  • Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy dưới thời tiết nắng nóng dù chỉ là thời gian ngắn. Bởi nhiệt độ trong xe có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
  •  
    Theo Phương Anh/ Zing

    >> xem thêm

    Bình luận(0)