Cách phân biệt bệnh tay chân miệng và thủy đậu

Google News

Để phân biệt bệnh tay chân miệng và thủy đậu, bạn nên chú ý đến các biểu hiện của nốt ban như vị trí phân bố, sự xuất hiện của ban, tiến triển của ban, kích thước, thời gian tồn tại,...

Bệnh thủy đậu thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm trên da, gây ra bởi virus Varicella Zoster. Trong khi đó, bệnh chân tay miệng chủ yếu do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71.
Bệnh thủy đậu và chân tay miệng rất phổ biến ở trẻ em. Cả hai bệnh đều có triệu chứng là nổi các nốt phỏng nước khiến nhiều người nhầm lẫn. Để phân biệt hai bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh nên chú ý đến đặc điểm của nốt ban, cụ thể.
Cach phan biet benh tay chan mieng va thuy dau
 Để phân biệt bệnh tay chân miệng và thủy đậu, chúng ta có thể dựa vào đặc điểm của nốt ban. Ảnh: Bộ Y tế
Về vị trí phân bố của ban, người mắc bệnh thủy đậu có nốt ban mọc rải rác toàn thân, kể cả chân tóc và trong miệng. Hầu như không có nốt ở lòng bàn chân, tay. Thoạt đầu là những ban rát màu đỏ, vài giờ sau thành nốt phỏng nước trong, rất nông như trên mặt da. Sau 24-48 giờ ngả màu vàng. Nốt phỏng nước do bệnh thủy đậu thường gây đau, ngứa và rất khó chịu.
Ở bệnh tay chân miệng, bệnh nhân phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Đặc biệt, chúng có thể mọc ở miệng hoặc họng gây ra tình trạng loét. Nốt phỏng nước do tay chân miệng thường không gây đau, ngứa.
Cach phan biet benh tay chan mieng va thuy dau-Hinh-2
 Nốt ban do tay chân miệng bé hơn ban do thủy đậu, kích cỡ trung bình 2-3mm. Ảnh minh họa
Về kích thích, nốt ban do thủy đậu có kích cỡ trung bình 5-10mm. Kích thước ban do bệnh tay chân miệng nhỏ hơn, trung bình 2-3mm.
Về thời gian tồn tại, ban do thủy đậu có thể kéo dài 1-2 tuần. Các ban sẽ không mọc cùng 1 đợt, thường cách nhau 3-4 ngày. Sau 4-6 ngày phát bệnh, nếu không có biến chứng hay nhiễm trùng, các mụn nước sẽ vỡ ra, khô lại, bong vẩy và dần hồi phục. Nốt thủy đậu đóng vảy màu nâu sẫm, bong ra sau một tuần.
Ban do tay chân miệng kéo dài dưới 7 ngày. Những nốt ban này có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, dễ vỡ. Khi ban vỡ tạo thành vết loét.
Cach phan biet benh tay chan mieng va thuy dau-Hinh-3
Nốt ban do thủy đậu có kích thước trung bình 5-10mm. Ảnh minh họa 
Về di chứng, ban do thủy đậu có thể để lại sẹo khi bị loét và bội nhiễm. Trong khi đó, ban do chân tay miệng chủ yếu để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Ngoài dựa vào đặc điểm của ban, chúng ta có thể phân biệt thủy đậu và tay chân miệng thông qua thời điểm bùng dịch. Theo đó, thủy đậu thường xuất hiện vào mùa đông; tay chân miệng xuất hiện nhiều vào tháng 3 đến tháng 5 hoặc tháng 9 đến tháng 11.
Độ tuổi người mắc, thủy đậu thường xuất hiện từ 1-14 tuổi, đặc biệt phổ biến ở độ tuổi từ 2-8. Trong khi đó, tay chân miệng phổ biến với trẻ dưới 5 tuổi.
Về con đường lây nhiễm, thủy đậu lây truyền qua dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí, tiếp xúc trực tiếp với mụn nước. Tay chân miệng lây truyền qua đường miệng, tiếp xúc với dịch tiết ra từ mụn nước, nước bọt hay phân của người bệnh.
Mắc thủy đậu, bệnh nhân có triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ,... Đối với trẻ nhỏ, bệnh thường không có dấu hiệu cho đến khi các nốt ban xuất hiện. Mắc tay chân miệng, bệnh nhân thường sốt, đau họng, đau chân răng và miệng, chảy nhiều nước bọt, biếng ăn và tiêu chảy.
Người mắc thủy đậu khi khỏi, cơ thể sẽ miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Người bị thủy đậu chỉ mắc bệnh một lần. Người mắc tay chân miệng cũng miễn dịch với chủng virus gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần. Lần bị sau là do những chủng virus khác với lần trước.
Nhìn chung, cả hai bệnh đều có khả năng lây. Để chủ động phòng tránh bệnh, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Những trường hợp mắc bệnh, cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Bé trai mắc bệnh lạ nguy hiểm sau 2 ngày ăn cua
  
Định Tâm (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)