Ngộ độc sau khi ăn thịt cóc…bổ thế nào sao bao người liều mạng?

Google News

Thịt cóc có giá trị dinh dưỡng song một số bộ phận của loài vật này chứa độc tố nguy hiểm, thậm chí có thể gây chết người chỉ trong thời gian rất ngắn.

Nhập viện, tử vong sau khi ăn thịt cóc
Mới đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã cấp cứu 2 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn thịt và trứng cóc.
Thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, cho biết 2 bệnh nhân là mẹ và con gái trong cùng gia đình, nhập viện với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, tê bì chân tay, riêng con gái 17 tuổi còn kèm thêm triệu chứng khó thở và đau tức ngực, loạn nhịp tim.
Trước đó, hai mẹ con làm thịt cóc để chế biến thức ăn. Mặc dù đã lột bỏ da cóc và loại bỏ nội tạng, chỉ lấy phần thân để chế biến, nhưng thấy cóc đang có trứng, hai mẹ con đã lọc lấy bọc trứng để chế biến cùng thịt cóc, dẫn đến vụ ngộ độc.
Sau 2 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, 2 bệnh nhân may mắn qua cơn nguy kịch và tiếp tục được theo dõi.
Ngo doc sau khi an thit coc…bo the nao sao bao nguoi lieu mang?
Ảnh minh họa: bvndtp.org.vn. 
Trên thực tế, rất nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng sau khi ăn cóc đã xảy ra. Vào đầu tháng 4/2023, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai tiếp nhận 3 trường hợp ngộ độc do ăn thịt cóc. Dù được các bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực 30 phút, đáng tiếc 1 trong 3 bệnh nhân đã tử vong.
Vào tháng 10/2022, trên địa bàn xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố tự nhiên có trong trứng cóc làm 3 người mắc, may mắn không có trường hợp tử vong.
Năm 2017 trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) ghi nhận 2 trường hợp ăn thịt cóc và đã tử vong. Năm 2020 tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có 3 cháu nhỏ bắt con cóc trong khuôn viên sân nhà để nướng ăn, sau đó bị ngộ độc, rất may là được cấp cứu kịp thời.
Thịt cóc có bổ dưỡng?
Thịt cóc giàu dinh dưỡng, đặc biệt có nhiều axit amin cần thiết (Asparagine, Histidine, Tyrosine, Methionine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Tryptophan, Cystein, Threonine..) và nhiều chất vi lượng (Mangan, Kẽm…) được dùng làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa… dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc...
Dù vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên mạo hiểm ăn thịt cóc vì nghĩ bổ. Bác sĩ cho biết, bản thân thịt cóc không có độc, nhưng một số bộ phận trong cơ thể chúng lại chứa độc tố bufotoxin nguy hiểm, nếu không cẩn thận khi sơ chế và chế biến, độc tố có thể dính vào thịt.
Chất độc chết người ở loài cóc
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bên cạnh những lợi ích về sức khỏe thì thịt cóc cũng có những nguy cơ rất lớn đe dọa đến sức khỏe và tính mạng. Một trong những nguy cơ đó là ngộ độc do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc,...
Được biết, bufotoxin là chất độc chủ yếu có trong cóc, có thể gây chết người chỉ trong thời gian rất ngắn.
Ngo doc sau khi an thit coc…bo the nao sao bao nguoi lieu mang?-Hinh-2
Ảnh minh họa: bvndtp.org.vn.  
Theo thông tin trên Sở Y tế Tiền Giang, da cóc xù xì, bên dưới có nhiều tuyến chứa hỗn hợp độc tố bufotoxin rất mạnh, bao gồm: Bufogin, bufidin, hyfonin, bufotalin, bufotenin, bufotoxin, phrinin, phrynolyzin. Các chất độc này đều có nhân là steroic.
Các chất độc của cóc tập trung ở tuyến sau hai mắt và hai loại tuyến trên da cóc. Đó là tuyến lưng và tuyến bụng. Ngoài ra, gan cóc, trứng cóc,... cũng chứa rất nhiều bufotoxin. Khi ăn phải da cóc, gan cóc, trứng cóc, nghĩa là đem vào cơ thể hỗn hợp độc tố bufotoxin.
Bufotoxin rất bền với nhiệt độ nên không bị phá hủy trong quá trình chế biến. Người ta ước tính lượng bufotoxine trong 1 con cóc có thể gây chết 4-5 người khỏe mạnh.
Ngộ độc thường xảy ra khi không loại bỏ hết da, nội tạng, khi làm độc tố dính vào thịt cóc hay ăn cả gan và trứng cóc. Chỉ 1-2 giờ sau khi ăn, người bệnh sẽ có các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, rối loạn nhịp tim, đau đầu, ảo giác, sốc, tổn thương gan, thận và nguy hiểm nhất là rối loạn nhịp tim. Nặng hơn nữa bệnh nhân có thể trụy mạch, tổn thương đa cơ quan và tử vong.
Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc...
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do cóc
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố trong cóc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An khuyến cáo: An toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.
Nếu có sử dụng, chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.
Tuyệt đối không được vớt trứng cóc hoặc các sản phẩm nội tạng động vật (không rõ loại) ở các ao, hồ, sông ngòi,… về sử dụng làm thực phẩm.
Nếu phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng ngừa ngộ độc do các độc tố tự nhiên trong thực phẩm, đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động vật, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ quả lạ, côn trùng lạ, cóc, cá nóc,...
>>> Mời độc giả xem thêm video: 82 người tại Phú Yên ngộ độc thực phẩm

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)