Đại đức Thích Nguyên Bình: Cửa từ bi cứu những mảnh đời éo le

Google News

“Dẫu xây chín bậc phù đồ, chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”, Đại đức Thích Nguyên Bình, trụ trì chùa Thiên Hương, chia sẻ về lý do để nơi cửa Phật là mái ấm cho những mảnh đời éo le, không nơi nương tựa.

Trong tiếng kinh chùa âm vang, trầm mặc, có tiếng cười đùa rộn rã của các em nhỏ vẳng lại. Từ lâu, chùa Thiên Hương (thôn Dương Xá, xã Dương Quang, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) không chỉ là nơi tu hành, thuyết giảng đạo Phật, mà còn là mái ấm cho bao mảnh đời éo le nương tựa.
Dai duc Thich Nguyen Binh: Cua tu bi cuu nhung manh doi eo le
 Đại đức Thích Nguyên Bình, trụ trì chùa Thiên Hương thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, chơi với các em nhỏ được nuôi dưỡng tại chùa. Ảnh: Mai Loan.
Những bàn tay vươn ra thèm được ôm
Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Thiên Hương mang vẻ thanh bình, trầm mặc, trang nghiêm. Sự khác biệt của ngôi chùa này là những tiếng ríu rít, ánh mắt trẻ thơ trong veo… của những em nhỏ đang nương nhờ cửa Phật.
Dai duc Thich Nguyen Binh: Cua tu bi cuu nhung manh doi eo le-Hinh-2
Gương mặt em bé toát lên vẻ bình yên khi ngủ trong vòng tay khách tới thăm. Ảnh: Mai Loan.
Chúng tôi được Đại đức Thích Nguyên Bình dẫn đến thăm khu phòng chăm nuôi các em, những bàn tay chìa ra đòi bế, ánh mắt khao khát, quyến luyến. Đám trẻ xúm xít vây quanh vị trụ trì chùa từ lâu đã rất thân thuộc với chúng, tay níu, chân quặp. Với khách đến thăm chùa cũng vậy, những bàn tay bé bỏng cứ ôm vòng quanh cổ, đặt xuống lại giơ lên đòi bế.
“Các em nhỏ ở đây hầu hết bị cha mẹ bỏ rơi nên rất muốn được quan tâm, thèm hơi ấm, sự yêu thương, vỗ về”, Đại đức Thích Nguyên Bình nói.
Trụ trì chùa Thiên Hương vừa bón cháo cho một em nhỏ, vừa dỗ dành em khác và hỏi han người trông trẻ về tình hình các em.
“Thầy quan tâm các bé lắm, hầu như ngày nào cũng qua đây vài lần xem ăn, ở, sức khỏe thế nào. Trước giờ đi ngủ, thầy còn đi thăm một lượt, nhắc các phòng nhớ mắc màn chống muỗi cho đám trẻ”, bà Đào Thị Thêm, người được chùa cho nương tựa tuổi già, phụ giúp sư thầy chăm sóc các bé, chia sẻ.
Dai duc Thich Nguyen Binh: Cua tu bi cuu nhung manh doi eo le-Hinh-3
 Bà Đào Thị Thêm hỗ trợ nhà chùa chăm sóc trẻ. Ảnh: Mai Loan.
Đại đức Thích Nguyên Bình cho biết, mỗi em nhỏ ở đây có hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm chung là bị cha mẹ bỏ rơi.
Ở chùa, các em được yêu thương, chăm sóc, đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Những nụ cười trong sáng nở trên gương mặt hồn nhiên, dù vẫn phảng phất nỗi buồn. Được sống trong mái ấm này, với các em là một điều may mắn.
Nhiều bé bị bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn, đến giờ chưa biết bố mẹ là ai. Cũng có bé sau khi đi nhiều nơi, mới dừng chân ở chùa. Các em lớn lên trong tình yêu thương của các sư thầy và những người chăm sóc, sau đó lại giúp những em bé nhỏ tuổi hơn mình.
“Sáng nào con cũng dậy sớm, quét sân, phụ giúp cô, bác cho các em nhỏ ăn uống, chuẩn bị cặp sách để đi học”, cậu bé Chế Trung Giang kể. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Giang nương tựa tại một ngôi chùa ở tỉnh Thái Bình. Năm ngoái, Giang được các sư thầy chùa Thiên Hương đón về nuôi dưỡng.
Ngoài nuôi những em nhỏ, chùa Thiên Hương còn là nơi cưu mang, giúp đỡ những cụ già neo đơn, mẹ bầu đơn thân, những cô gái trẻ mang thai ngoài ý muốn bị gia đình kỳ thị, không nơi nương tựa…
Do một chữ “duyên” cứu người
Đại đức Thích Nguyên Bình kể, chùa bắt đầu nhận nuôi các em nhỏ từ năm 2011, 2013. Nhưng lúc đó, gia đình nào khó khăn, nhờ giúp đỡ, chùa cưu mang chứ chưa có ý tưởng nuôi các em nhỏ như thế này.
“Thực ra chưa bao giờ có ý tưởng, mọi sự do duyên và có lẽ cũng là bởi nghiệp của mình”, Đại đức Thích Nguyên Bình tâm sự.
Dai duc Thich Nguyen Binh: Cua tu bi cuu nhung manh doi eo le-Hinh-4
 Các em nhỏ bị bỏ rơi ở nhiều lứa tuổi khác nhau đã tìm được mái ấm nơi cửa từ bi.
Cái “duyên nghiệp” ấy ngày càng bị ràng buộc chặt hơn, khi năm 2017, một bé bị bỏ rơi ở chùa, được đưa lên đài phát thanh thông báo. Sau đó, nhiều người mới biết đến chùa Thiên Hương là nơi cứu giúp trẻ mồ côi, không nơi nương tựa và cả những mẹ bầu đơn thân. Có lúc cao điểm, như năm 2019, chùa giúp đỡ 25 mẹ bầu. Từ năm 2020, do dịch COVID-19 và một phần là quá tải, chùa không nhận nữa.
Hiện tại, chùa cưu mang 46 em nhỏ ở nhiều độ tuổi, bé nhất 7-8 tháng tuổi, còn lại phần nhiều 3-4 tuổi. Cũng có một số cháu ở chùa khác không nuôi được đã mang qua gửi nhà chùa.
Đại đức Thích Nguyên Bình tâm niệm: “Cửa Phật từ bi ban vui cứu khổ, cứu tử độ sinh. Chúng ta luôn nhắc nhở yêu thương nhau. Các thầy luôn nói pháp yêu thương mọi người, yêu thương chúng sinh… Đây là những việc giúp một sinh linh tồn tại”.
Còn nhiều trăn trở
Đại đức Thích Nguyên Bình cho hay, chùa trở thành mái ấm của những hoàn cảnh éo le, bản thân sư thầy nhận về rất nhiều niềm vui. Đó là khi nhận lại từ các bé tình yêu thương, quyến luyến. Hay những lúc các cháu học giỏi, ngoan ngoãn, được giấy khen…
“Có nhiều hôm thầy xuống, các cháu níu không đi được. Chúng cứ bám không chịu bỏ ra, mà có bé chỉ mới 7-8 tháng tuổi”, Đại đức Thích Nguyên Bình kể.
Dai duc Thich Nguyen Binh: Cua tu bi cuu nhung manh doi eo le-Hinh-5
 Thiếu thốn hơi ấm từ gia đình, các em bé nơi đây rất thèm được ôm ấp, vỗ về. 
Nhưng bên cạnh đó, cũng là những vất vả, áp lực cả về vật chất lẫn tinh thần. Nuôi các bé ở nhiều độ tuổi khác nhau không hề đơn giản, nhất là những lúc các bé bị bệnh nặng, hay qua đời… Lúc ấy, sư thầy rất buồn. Và dù nhà chùa có chăm sóc, yêu thương các bé rất nhiều, cũng không thể bù đắp được những thiếu vắng hơi ấm từ đấng sinh thành ra các cháu.
Đặc biệt, do không có cha mẹ, các bé rất khó khăn trong việc làm giấy khai sinh. Hiện tại, vẫn còn 3-4 em chưa có giấy khai sinh, đồng nghĩa việc có những vướng mắc khi làm các chế độ về chính sách bảo hiểm cho các bé…
Những năm trước, sư thầy còn bị người dân đuổi đi, do họ chưa hiểu cũng như chia sẻ với việc nuôi phụ nữ mang thai. Thậm chí, thầy còn bị mang tiếng xấu rằng, những phụ nữ đó mang thai con của thầy nên mới chăm nuôi như vậy. Nhiều người lại thắc mắc, sao đi tu để giải thoát mà còn làm như thế…
Vượt qua những áp lực, bao nhiêu năm qua, Đại đức Thích Nguyên Bình vẫn kiên trì với con đường thực hiện giáo lý nhà Phật, nhân ái, cứu khổ, cứu nạn. Điều khiến thầy trăn trở nhất là làm sao để có thể nuôi dạy các em nên người.

Đại đức Thích Nguyên Bình cho hay, trong những buổi nói chuyện với các bậc cha mẹ hay trẻ nhỏ, đặc biệt là phụ huynh, thầy luôn nhấn mạnh đến việc cần phải quan tâm sâu sát con cái. Tại sao có trẻ mồ côi? Một phần do các em nhỏ thiếu tình yêu thương từ gia đình. Có những bé gái 14-15 tuổi mang thai ngoài ý muốn, nếu có sự quan tâm, giáo dục chu đáo, sẽ giảm bớt nhiều trường hợp đau lòng.

Mời quý độc giả xem video: "Hương vị ngày tết Trung thu thập niên 70". Nguồn: VTV24.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)