PGS.TS Trần Thành Nam: Giáo dục thấu cảm phòng tránh bạo lực học đường

Google News

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trẻ có hành vi bạo lực học đường không cảm nhận được nỗi đau khổ của nạn nhân, giáo dục thấu cảm giúp dừng hành vi bắt nạt một cách bền vững.

Giai đoạn nhạy cảm với bạo lực học đường
Vụ việc một nữ sinh Trường THPT Chuyên ĐH Vinh, tỉnh Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường đã một lần nữa xới lên vấn nạn nhức nhối này.
PGS.TS Tran Thanh Nam: Giao duc thau cam phong tranh bao luc hoc duong
 PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Hải.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ các học sinh đang gặp nhiều tổn thương về sức khỏe tâm thần, như căng thẳng, stress, lo âu, trầm cảm khi quay trở lại trường học cao hơn.
Điều này xuất phát từ nguyên nhân, sau thời gian gián đoạn vì dịch, quay trở lại trạng thái bình thường mới, các nguồn lực, dịch vụ cho công tác phòng ngừa bạo lực học đường của nhà trường cũng chưa được tái kích hoạt lại một cách đầy đủ. Chẳng hạn như các một số bộ phận của hệ thống, phòng tư vấn tâm lý học đường bị tê liệt, chưa làm đủ được công tác phòng ngừa.
Về phía các gia đình, khả năng an sinh tài chính cũng gặp những vấn đề nên bố mẹ cũng dường như thiếu cam kết hơn trong việc chú ý tới con cái.
Trong khi đó, sau khoảng thời gian học online, các em đang có thói quen gắn kết quá mức với không gian ở trên mạng, mà không gian đó thì tràn ngập những chủ đề về bạo lực, rồi những nội dung không phù hợp. Điều đó có thể dẫn đến sự thay đổi góc nhìn của rất nhiều em về việc cho rằng mình có thể ứng xử theo cách thức bạo lực đối với cả những người khác để đạt được điều mình muốn.
Tất cả những nguyên nhân đó hội tụ lại, khiến đây là một giai đoạn rất nhạy cảm với các vấn đề về bạo lực học đường.
“Chính Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cảnh báo rằng, sau khủng hoảng về đại dịch COVID-19 sẽ tới khủng hoảng về sức khỏe tâm thần và dẫn tới một số những vấn đề về hành vi trong xã hội”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Giáo dục thấu cảm là giải pháp bền vững 
Trao đổi với PV Tri thức & Cuộc sống, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường có nhiều giải pháp, trong đó, giáo dục thấu cảm là một giải pháp bền vững.
Một câu hỏi đặt ra, vì sao thủ phạm của bạo lực học đường lại ứng xử theo cách như vậy? Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành vi bắt nạt của trẻ, trong đó có việc trẻ bị tập nhiễm bởi mô hình bạo lực quá nhiều trong môi trường sống. Từ việc chứng kiến, bị bạo lực, trẻ có thể bị thay đổi về nhận thức, nghĩ rằng, sử dụng những hành vi bạo lực là có thể chấp nhận được.
Khi bắt đầu có bạo lực, thường trẻ sẽ kém thấu cảm, không đặt mình vào vị thế của người khác, không cảm nhận được đối tượng nạn nhân bị đau khổ, phải chịu tổn thương ra sao… Trẻ cũng thường diễn giải sự việc theo chiều hướng đổ lỗi, nên có hành vi trả đũa, trả thù.
Nếu chỉ sử dụng hình phạt nghiêm khắc, có thể khiến trẻ cảm thấy bị ứng xử bất công, ấm ức, nhất là có những trường hợp trẻ vẫn thấy bị xâm phạm quyền, bị người lớn bắt nạt.
Cũng đừng nghĩ rằng chuyển những kẻ bắt nạt đi là xong, vì có thể lại có những nhóm, những người “a dua” lên thay thế. Tính chất, nhận thức về việc bắt nạt, xử lý tình huống dựa trên bạo lực còn đó.
Một giải pháp giúp dừng hành vi bắt nạt một cách bền vững, theo ông Nam chính là giáo dục cho học sinh về sự thấu cảm, dạy cho các em về tình yêu thương.
Các chuyên gia tâm lý sẽ huấn luyện những trẻ này chương trình, kỹ năng phi bạo lực. Những giá trị yêu thương, an toàn, tôn trọng cần được cụ thể hóa trong các hành vi ở trong và ngoài lớp học. Giáo viên phải được học cách quản lý lớp tích cực, cha mẹ học cách ứng xử với con theo kỷ luật tích cực để không làm mẫu hình bạo lực cho trẻ.
“Giáo dục thấu cảm phòng ngừa giúp dừng hành vi bắt nạt một cách bền vững. Còn nếu chỉ phạt, đuổi kẻ bắt nạt đi thì chỉ chuyển nguồn bạo lực từ chỗ này sang chỗ khác”, ông Nam cho hay.
Dạy trẻ kỹ năng mềm, sự kiên cường
PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, nếu trẻ đã trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt, thì việc xin chuyển lớp, chuyển trường có thể vẫn không khiến trẻ tránh được những hành vi bạo lực. Bởi việc bắt nạt có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó, có việc thông qua các phương tiện công nghệ, như mạng xã hội.
Thay vào đó, cha mẹ nên trang bị cho con một số kỹ năng ứng xử với nguy cơ bắt nạt ngay từ đầu một cách đúng đắn, kỹ năng giải quyết vấn đề phi bạo lực thông minh, khôn ngoan. Thực tế, thiếu kỹ năng giao tiếp có thể gây ra các vấn đề xích mích, hiểu lầm, và từ những điều nhỏ sẽ dẫn tới hành vi bắt nạt.
Bố mẹ cũng cần trang bị những kỹ năng chăm sóc sức khỏe tinh thần, đặc biệt là sự kiên cường cho trẻ.
“Tôi thấy sự kiên cường của trẻ giờ rất yếu. Cuộc sống đầy rẫy khó khăn, đòi hỏi thử thách, bố mẹ cần cho con hiểu, không phải bất cứ thứ gì con muốn cũng có ngay, hoặc hơi khó chịu một chút lại không chịu đựng nổi… Những điều đó thuộc kỹ năng mềm, cần trang bị cho trẻ”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng lưu ý, bố mẹ cần luôn đồng hành, theo sát và phát hiện những bất thường về sức khỏe của con. Có trường hợp, con đang bị trầm cảm sẵn, cộng thêm việc bị bắt nạt đã dẫn tới hành vi tự tử, rất đau lòng.
PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, những nạn nhân bị bắt nạt bao giờ cũng ở trong tâm trạng lo lắng, bất an, cảm thấy tự ti, thấy mình không có giá trị, bị cô lập, không được yêu thương, không dám tiết lộ thông tin bị bạo lực với những người xung quanh.
Tuy nhiên, các em cần phải hiểu rằng, việc chúng ta chia sẻ với người khác về việc bị bắt nạt là một hành vi dũng cảm. Các em không làm gì sai, mà xứng đáng được ứng xử tốt hơn. Những hành động từ việc báo cáo, đấu tranh với hành vi bắt nạt, bạo lực không chỉ giúp cho các em trưởng thành, phát triển hơn trong tương lai mà còn có thể góp một phần nhỏ giảm vấn nạn học đường cho tất cả các học sinh khác. Hãy bảo vệ mình thật an toàn cho mình, tương lai vẫn còn ở phia trước.
Mời quý độc giả xem video: :PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ về "ba chân kiềng" của một nhà khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)