Tiến sĩ Lê Thái Hà: "Cân bằng cuộc sống từ những điều bình dị"

Google News

Tiến sĩ Lê Thái Hà chia sẻ, phụ nữ làm khoa học sẽ có những bất lợi hơn nam giới, nhưng nếu biết cân bằng vẫn có thể làm tốt cả “hai vai”.

Vui khi thấy công chúng quan tâm tới các nhà khoa học
Cảm xúc của chị thế nào khi nghe tin tiếp tục có tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022 do Nhà xuất bản Elsevier công bố, thưa TS Lê Thái Hà?
Năm ngoái, khi lần đầu tiên lọt vào danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất, cảm xúc của tôi có chút đặc biệt, khá bất ngờ.
Tien si Le Thai Ha:
 TS Lê Thái Hà, nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022. Ảnh: NVCC.
Bởi trong giới khoa học, các nghiên cứu trong ngành kinh tế thường được cho là không có mức độ ảnh hưởng hay tác động lớn như các nghiên cứu của các ngành có tính ứng dụng cao như y-sinh hay công nghệ thông tin. Trong danh sách này, nếu để ý sẽ thấy số lượng các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội nói chung hay kinh tế nói riêng ít hơn rất nhiều so với các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học công nghệ với tính ứng dụng cao.
Năm nay, cảm xúc tuy ít bất ngờ hơn nhưng tôi cũng khá vui vì nhận được sự chúc mừng của nhiều người, thậm chí là khá nhiều từ những người không quen biết.
Một số bạn trẻ còn chia sẻ với tôi là khi đọc những câu chuyện nghiên cứu của tôi, họ có thêm cảm hứng để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Điều này khiến tôi cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa hơn. Quan trọng hơn cả, tôi vui khi thấy được sự quan tâm của công chúng dành cho giới khoa học – những người vốn được coi là ở một thế giới “rất khác” – đôi khi là xa lạ với số đông.
Là người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, vậy cảm hứng đến với nghiên cứu khoa học của chị bắt đầu từ đâu?
Con đường đến với nghiên cứu khoa học của tôi đến từ những trải nghiệm nghiên cứu với chương trình URECA (chương trình nghiên cứu của trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore dành cho sinh viên trong nhóm Dean's List – top 5% của khóa) khi tôi còn theo học chương trình cử nhân. Sau đó là kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp.
Những trải nghiệm nghiên cứu trong suốt thời gian đó, cùng với sự động viên, khích lệ của giáo sư hướng dẫn và gia đình đã khiến tôi thêm tự tin để quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Cột mốc đáng nhớ sau đó là khi tôi nhận được học bổng toàn phần của Đại học NTU để theo đuổi chương trình nghiên cứu sinh tiến sỹ khi vừa hoàn thành chương trình cử nhân ở trường.
Công việc bận rộn nhưng vẫn cố gắng “xây tổ ấm”
Là nhà khoa học nữ duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất năm 2022. Chị thấy, phụ nữ làm khoa học có gì khác so với nam giới?
Công việc nghiên cứu khoa học là một công việc đòi hỏi sự bền bỉ, cần mẫn và tập trung thời gian, tâm trí. Ở góc độ này, những người phụ nữ khi theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học có thể gặp một chút bất lợi hơn so với nam giới vì họ có xu hướng dành nhiều thời gian và tâm trí hơn cho gia đình.
Bản thân tôi cũng vậy. Khi lập gia đình và đặc biệt từ khi làm mẹ, quỹ thời gian dành cho gia đình của tôi tăng lên đáng kể, và có nghĩa là thời gian dành cho nghiên cứu cũng ít hơn trước. Nhưng khi đã quen dần và biết cách tổ chức, sắp xếp thời gian hợp lý, hiệu quả hơn, tôi nhận thấy công việc nghiên cứu khoa học của mình cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Ngoài ra, ở một số nghiên cứu tôi đọc được thì người ta nói rằng nhìn chung phụ nữ có khả năng làm nhiều việc một lúc (multi-tasking) tốt hơn đàn ông. Hy vọng đây là một thuận lợi giúp cho người phụ nữ làm khoa học vẫn có thể hoàn thành tốt vai trò và trách nhiệm với gia đình.
Tien si Le Thai Ha:
 TS Lê Thái Hà chia sẻ, chị may mắn khi có được một người chồng rất thấu hiểu công việc và đam mê nghiên cứu khoa học của vợ. Ảnh: NVCC.
Có câu:“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, chị nghĩ gì về điều này? Công việc bận rộn, chị làm gì để giữ vai trò “xây tổ ấm” của mình?
Trong xã hội hiện đại, nam nữ đã có sự bình đẳng nhất định. Tuy nhiên, đúng là những quan niệm về thiên chức của người phụ nữ vẫn tồn tại. Thiên chức làm vợ, làm mẹ là trách nhiệm mang tính tự nhiên và thiêng liêng – vì vậy với tôi nó có vẻ đẹp riêng, vô cùng ý nghĩa.
Công việc của tôi rất bận rộn nhưng tôi cũng luôn cố gắng giữ vai trò của người “xây tổ ấm” trong khả năng và thời gian mà mình có thể. Thực sự thì tôi may mắn khi có được một người chồng rất thấu hiểu công việc và đam mê nghiên cứu khoa học của mình vì anh cũng là Tiến sỹ chuyên ngành tài chính ở một trường Đại học lớn bên Úc.
Chính vì thế, chúng tôi có thể chia sẻ với nhau rất nhiều điều trong cuộc sống lẫn trong công việc. Chồng tôi luôn cảm thông và hết sức ủng hộ tôi trong việc phát triển sự nghiệp. Theo tôi, sự tôn trọng và thấu hiểu luôn rất quan trọng để giữ được mối quan hệ lâu dài và xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững, làm nền tảng tốt cho con cái phát triển.
Đã có lúc nào chị yếu đuối, nản lòng, cảm thấy “quá sức” không?
Tôi xem nghiên cứu là sở thích, đam mê nên mặc dù không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao mà đôi khi kết quả lại không được như ý, nhưng những cảm xúc tiêu cực như thế thường cũng sớm qua đi.
Những lúc đó, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình như chơi cùng con, đi thăm bố mẹ, cùng chồng đi du lịch hay đơn giản là cùng nhau làm những việc nhỏ nhặt trong nhà. Những điều bình dị này giúp tôi cân bằng cuộc sống – là yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững của bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Đam mê, nhẫn nại, bền bỉ
Theo chị, điều cần nhất ở một người làm khoa học là gì?
Tôi nhận thấy những nhà khoa học đam mê nghiên cứu dường như ở trong một thế giới của riêng họ vì đôi khi những việc họ làm không dễ để được thấu hiểu, đồng cảm hay ghi nhận bởi số đông.
Ngoài ra, bên cạnh đam mê thì điều cần nhất để theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học là sự nhẫn nại, bền bỉ để sẵn sàng chấp nhận đối mặt với thách thức cũng như thất bại xảy ra một cách thường xuyên.
Để nhà khoa học toàn tâm, toàn ý dành cho khoa học, theo chị, cần phải đảm bảo yếu tố nào?
Ngoài đam mê và cống hiến cho xã hội, mỗi nhà khoa học cũng đều có những trách nhiệm gắn với gia đình. Việc có cơ chế hỗ trợ, tài trợ để đảm bảo thu nhập cho họ là cần thiết để các nhà khoa học có thể toàn tâm, toàn ý theo đuổi công việc nghiên cứu của họ. Nếu để ý trong các xếp hạng sẽ thấy các trường đại học có số lượng công bố khoa học cao cũng thường là các trường mà có cơ chế lương thưởng và tài trợ cho hoạt động nghiên cứu rất tốt.
Chị có thể chia sẻ về công việc hiện tại và mục tiêu sắp tới của chị?
Hiện tại tôi đang là Giám đốc điều hành Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture. Tôi gia nhập Quỹ VinFuture vì rất trân trọng tầm nhìn và sứ mệnh của Nhà sáng lập với Quỹ, đó là hướng đến khoa học phụng sự nhân loại.
Trước đây, tôi tập trung nhiều hơn với các nghiên cứu và đóng góp cho khoa học với vai trò là tác giả của những bài báo khoa học và chủ yếu ở ngành kinh tế. Đó là cơ hội được góp phần tôn vinh và khuyến khích phát triển kiến thức khoa học ở một lĩnh vực tập trung.
Tuy nhiên, với vai trò hiện tại ở Quỹ, tôi hy vọng rằng mình sẽ đóng góp cho khoa học ở khía cạnh góp phần tôn vinh và tạo động lực cho các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau tiếp tục cống hiến những phát minh của mình cho nhân loại.
Quan trọng hơn cả là trong tương lai khi các hoạt động kết nối và chuyển giao khoa học công nghệ của Quỹ cũng như Giải thưởng VinFuture đạt được sự lan tỏa và sức ảnh hưởng như kỳ vọng, vô hình trung sẽ góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ khoa học công nghệ thế giới.
Sắp tới, tôi và các đồng nghiệp sẽ tập trung nguồn lực, tâm trí và sự nhiệt huyết để chuẩn bị cho một Tuần lễ trao giải VinFuture Prize mùa 2 thật thành công, tiếp nối tiếng vang của mùa đầu tiên.
Trân trọng cảm ơn chị!

TS. Lê Thái Hà, sinh năm 1988, tốt nghiệp đại học và tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Theo xếp hạng của các chuyên gia thuộc Đại học Stanford được đăng trên tạp chí khoa học PLoS Biology vào năm 2021, TS Thái Hà có tên trong top 1% các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong tất cả lĩnh vực khoa học và là nhà nghiên cứu nữ người Việt duy nhất ở trong xếp hạng này. TS Lê Thái Hà chia sẻ, chị theo đuổi công việc nghiên cứu vì đam mê, không phải là để có tên trong một xếp hạng nào. Tuy nhiên, khi có sự ghi nhận, chị cũng thấy vui và thêm vững tin hơn vào sự lựa chọn của mình.

Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phạm Hùng Việt, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ về vai trò của đầu tư trọng điểm đối với nghiên cứu khoa học". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)