Giá vàng hôm nay 5/4: Vàng tăng dựng đứng

Google News

Giá vàng một lần nữa xuyên thủng ngưỡng 2.000 USD/ounce. Đà giảm của kim loại quý nhanh chóng bị đảo ngược sau các dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngày 4/4 trên sàn New York, giá vàng giao ngay đã vọt lên 2.019 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái. So với phiên trước đó, giá của mỗi ounce vàng tăng tới 35,4 USD.

Giá vàng tăng mạnh sau các dữ liệu mới nhất về thị trường việc làm của Mỹ. Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 4/4, số lượng việc làm còn trống đã giảm xuống còn 9,93 triệu trong tháng 2, thấp hơn ước tính 10,4 triệu việc làm của FactSet.

Thị trường việc làm hạ nhiệt có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhẹ tay hơn trong việc tăng lãi suất, thậm chí tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách.

Gia vang hom nay 5/4: Vang tang dung dung

Giá vàng tăng dựng đứng trong phiên 4/4 trên sàn New York. Ảnh: Kitco.com.

Thị trường việc làm, PMI sản xuất chậm lại

Trước đó, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp rơi vào vùng suy giảm, cho thấy hoạt động tại các nhà máy đang suy yếu.

Cụ thể, PMI sản xuất đã giảm từ 47,7 trong tháng 2 xuống 46,3 trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020. Điều này cho thấy các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đã gây tổn hại cho nền kinh tế và thị trường việc làm.

Sau thông tin về thị trường việc làm của Mỹ, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm và 10 năm của Mỹ đều lao dốc. Fed sẽ có cuộc họp chính sách vào tháng 5 tới. Các nhà giao dịch tin rằng khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,25 điểm cơ bản là 60%.

Giá vàng rất nhạy cảm với lãi suất. Bởi lãi suất tăng cao khiến chi phí cơ hội của vàng - một tài sản phi rủi ro - tăng lên. Hơn nữa, USD mạnh cũng đồng nghĩa với việc cần ít USD hơn để mua 1 ounce vàng.

Các dữ liệu kinh tế mới nhất của Mỹ đã đảo ngược đà giảm của giá vàng trong những ngày qua. Đầu tuần này, kim loại quý có lúc mất mốc 1.960 USD/ounce, sau khi chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce hồi giữa tháng 3.

Giá vàng trồi sụt dữ dội

Các thông tin trái chiều đang thay nhau chi phối thị trường kim loại quý. Trước đó, giới đầu tư đổ xô vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu chìm trong hỗn loạn.

Nhưng đà tăng phi mã của vàng nhanh chóng mất đi nhiệt lượng. Fed quyết định tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, bất chấp những bất ổn của ngành ngân hàng nước này.

Hơn nữa, mới đây, những quốc gia quyền lực nhất trên thị trường dầu thế giới đột ngột thông báo giảm sản lượng từ tháng sau, với tổng sản lượng bị cắt giảm lên tới hơn 1 triệu thùng/ngày. Giá dầu thế giới đã tăng phi mã sau động thái của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa).

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Fed và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ phải hành động mạnh tay hơn nữa để kìm hãm lạm phát, vốn đã nóng trở lại vào đầu năm nay. Và đây là tin xấu với vàng.

Tuy nhiên, áp lực trên thị trường vàng nhanh chóng được cởi bỏ sau khi cơ hội việc làm tại Mỹ thấp hơn. Thông qua những đợt tăng lãi suất, Fed muốn hạ nhiệt thị trường việc làm và các hoạt động kinh tế để kìm hãm lạm phát.

Sau khi tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp trong cuộc họp chính sách tháng 3, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - lưu ý rằng các động thái tiếp theo sẽ phụ thuộc vào những dữ liệu sắp tới.

"Fed có thể thay đổi nhanh chóng và trở nên ôn hòa hơn nếu trong tháng 4, hệ thống ngân hàng của Mỹ đối mặt thêm nhiều vấn đề. Nhưng dĩ nhiên, cơ quan này có thể quay về trạng thái 'diều hâu' khi không còn căng thẳng trong hệ thống tài chính, và các ngân hàng không cắt giảm hoạt động cho vay trong cuộc họp cổ đông quý I của mình", CNBC dẫn lời ông Nicholas Colas - đồng sáng lập DataTrek Research nhận định.

Theo Thảo My/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)