Tiền điện tăng đột biến: Dân bức xúc, ngành điện giải thích sao?

Google News

Tiền điện tăng cao đột biến sau kỳ nghỉ lễ, có nơi gấp 2-3 lần so với tháng trước khiến không ít người dân phải thắc mắc. Theo Điện lực TP. HCM, sở dĩ có việc này là do áp dụng cách ghi kỳ hoá đơn mới.

Tiền điện tăng do kỳ hoá đơn kéo dài
Chị Đ.T.H, thường trú tại thành phố Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trung bình, mỗi tháng gia đình chị dùng hết 1 - 1,1 triệu đồng tiền điện. Thế nhưng, tiền điện tháng 8 đã tăng lên gần 1,5 triệu đồng. Kiểm tra lại số ngày ghi điện, chị phát hiện kỳ hóa đơn kéo dài 42 ngày, thay vì 30 ngày như trước.
Không chỉ chị H, nhiều người khác tại TP. Hồ Chí Minh cũng có hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng 8. Thậm chí, có nhiều kỳ hóa đơn kéo dài đến hơn 50 ngày, dẫn đến số tiền điện phải đóng cũng tăng mạnh.
Nhiều cư dân tại Vinhomes Central Park (Bình Thạnh) cũng đồng loạt phản ảnh hóa đơn tiền điện tăng gấp 2 - 3 lần so với các tháng trước dù "dùng vẫn bình thường như tháng trước". Trong đó, các hóa đơn mà ngành điện phát hành cho cư dân tại chung cư này có số ngày tính tiền điện tăng lên 52 ngày, nhưng có các hóa đơn tiền điện lại tăng gấp ba so với các tháng trước.
Bức xúc, không ít khách hàng đã đặt câu hỏi trên trang Facebook của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, phản ánh về việc nhận được hóa đơn tiền điện tháng 8 tăng vọt lên gấp đôi, gấp ba so với tháng trước. Lý do là ngành điện tính gộp tiền điện trong 2 tháng mà không nhận được thông báo.
Đơn cử, khách hàng có nick Facebook là Dương Nguyệt nêu câu hỏi: “Cho hỏi tháng 8 đáng lẽ ghi ngày 5 mà không ghi, cuối tháng mới ghi thành ra dồn tiền điện đến 55 ngày. Rồi định mức tính ra sao, chi phí có phát sinh không? Làm sao giữa thời buổi khó khăn này mà chúng tôi phải nhìn tiền đó không dám tiêu để dành cuối tháng sau cho hóa đơn điện.”
Tien dien tang dot bien: Dan buc xuc, nganh dien giai thich sao?
 Khách hàng bức xúc khi hoá đơn tiền điện gia tăng bất ngờ
Đa số các ý kiến của khách hàng sử dụng điện khi phản hồi về lịch ghi điện đều lo ngại tiền điện tháng 8 sẽ tăng cao theo lũy tiến bậc thang, do số kWh điện tiêu thụ tăng cao do thời gian sử dụng lâu hơn 1 tháng. Và người dân cần một lời giải thích và phương pháp tính đúng để đảm bảo công khai, công bằng.
Được biết, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 400.000 hộ dân có hóa đơn tăng cao trong tháng 8 do ngành điện đã thay đổi ngày ghi chỉ số, khiến số ngày dùng điện vượt mức 30 ngày/kỳ tính hóa đơn, có những nơi tăng lên 40 - 52 ngày/kỳ.
Trong khi người dân bức xúc bởi tiền điện tăng cao, ngành điện khẳng định khách hàng không chịu thiệt do định mức theo bậc thang cho khách hàng cũng tăng lên tương ứng số ngày dùng điện được tính tăng lên.
Không có chuyện cộng dồn
Trả lời bức xúc của người dân, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh - cho hay, việc thay đổi ngày ghi chỉ số điện vào cuối tháng có nhiều mục tiêu.
Đầu tiên là thay đổi việc ghi công tơ đo đếm bằng phương pháp thủ công vốn đã lỗi thời, dể xảy ra sai sót, chậm trễ. Thứ hai là với phương thức mới, từ dữ liệu công tơ gửi về, điện lực có thể biết được tình trạng mất điện và cả quá trình vận hành của lưới điện để chủ động phục vụ khách hàng tốt hơn. Thứ ba là việc chuyển ngày ghi điện về cuối tháng để tập trung tính toán, vừa thuận lợi cho cả điện lực lẫn khách hàng.
Phó Tổng giám đốc Điện lực TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, không có chuyện ngành điện vẫn dùng định mức cũ khiến khách hàng bị cộng dồn tiền điện cao hơn. Bởi thay vì trước đây mỗi tháng 30 ngày, kỳ vừa qua khách hàng dùng 40 - 50 ngày, định mức theo từng bậc thang cũng sẽ tăng lên tùy theo số ngày tương ứng.
Trước vấn đề nhiều khách hàng phản ảnh số ngày ghi chỉ số tăng chưa đến gấp đôi song hóa đơn tiền điện lại cao đến gấp ba, ông Kiên nói thời tiết từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 ở TP.HCM nắng nóng, cộng thêm giai đoạn hè các cháu ở nhà dùng điện nhiều hơn khiến việc tiêu thụ điện của người dân cũng cao hơn.
Tien dien tang dot bien: Dan buc xuc, nganh dien giai thich sao?-Hinh-2
 Việc lắp đặt công tơ điện tử đo xa góp phần minh bạch trong kinh doanh, bán lẻ điện? (Ảnh minh hoạ)
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Thanh Nhàn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Gia Định giải thích, ví dụ với kỳ ghi hóa đơn tiền điện 31 ngày, định mức cho bậc 1 theo quy định là 50kWh, còn với kỳ ghi tăng lên 52 ngày, định mức bậc 1 sẽ là 84kWh do số ngày ghi tăng lên, đơn giá không thay đổi. Với các bậc thang còn lại, định mức cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết từ tháng 8, đơn vị này cũng đã thay đổi kỳ ghi chỉ số điện sang cuối tháng và đã gửi thông báo đến khách hàng cũng như các địa phương trước khi triển khai.
Việc thay đổi này sẽ áp dụng từng địa bàn, đảm bảo tới năm 2025 sẽ có 100% khách hàng chuyển kỳ chốt chỉ số vào ngày cuối tháng. Tuy nhiên, EVNSPC không thay đổi số ngày ghi hóa đơn quá lớn mà sẽ dịch chuyển từ từ, tháng sau sẽ có số ngày cao hơn tháng trước vài ngày để không tác động quá lớn đến tài chính của khách hàng, nhất là với những gia đình không có điều kiện.
Minh Châu (t/h)

>> xem thêm

Bình luận(0)