Gia đình hiện đại: Vui khi được sum họp

Google News

(Kiến Thức) - "Cũng như tôi vậy, tụi nó về đông đủ tôi vui, già rồi không ăn nhiều nhưng niềm vui sum họp và tình thương con cháu thì cần lắm, có thương mình tụi nó mới về", cụ Vân vui vẻ kể.

Nhà không đủ chỗ ngồi

Được tiếng là con đàn cháu đống nhưng khi đến thăm nhà bà Trần Thị Vân (83 tuổi ở ấp 3, đường Nữ Dân Công, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM), được bà mời ở lại dùng cơm mới cảm nhận được cảnh tuy nhiều con lắm cháu nhưng hằng ngày chỉ có bà và một cô con gái lớn tuổi ngồi ăn cơm cùng nhau. Bà cũng đã quen với chuyện này nhiều năm rồi.

Theo lời bà kể, năm mười tám tuổi bà đã lấy chồng và theo chồng vào Nam lập nghiệp. Bà đông con lắm: Có tới mười bốn người con cả trai và gái. Cậu con trai cả đến nay cũng trên 60 tuổi rồi và cũng là ông nội ngoại. Mảnh đất Bình Chánh mà bà ở đến nay vài chục năm là do con đông khổ quá rồi vợ chồng đi kiếm đất dựng lều mà ở, từ lều rồi dành dụm xây lên nhà gạch. 

Bà không kể đến công việc của chồng và cũng không biết ông làm gì, chỉ biết ông đi cả tháng hoặc hai tháng mới về nhà một lần. Mỗi lần về ông không đưa tiền nuôi con nhưng bà có bao nhiêu gom đưa hết cho chồng rồi ông lại đi. Hằng ngày với gánh bún riêu bà chở lên chợ Phạm Văn Hai bán mà nuôi cả đàn con khôn lớn. Bà nói: Nhìn cảnh nheo nhóc của đàn con thấy thương quá nhưng bà nghỉ bán một ngày là con đói. Không có thời gian trông con nên phân công thằng anh trông thằng em rồi chỉ bảo nhau học, đứa nào học được thì ráng cho học, không học được đi làm phụ mẹ lấy tiền nuôi em nên các con bà đa số chỉ học hết lớp 5, biết viết tên và ký tên khi cần thiết.

Không có mẹ quản lý các con khá tự do, muốn ăn, muốn ngủ hay muốn đi chơi cũng không ai la mắng hoặc có nhiều lần các chú ham chơi ngủ lại nhà bạn thì vài hôm sau bà mới biết, cũng từ đó mà nhà bà có thói quen là ai đói thì tự ăn, mỗi người bưng một bát rồi ngồi một góc mà không cần dọn lên mâm. Đến khi các con lớn lên rồi đi làm, mỗi người một việc, một nghề, người làm thợ hồ, thợ mộc, người làm công nhân, người làm nghề xe ôm nên nhà chẳng bao giờ ngồi chung đông đủ các con mà ăn cơm. Nói thật tình, nếu tất cả các anh em cùng ngồi chung lại thì chưa chắc nhà đã đủ chỗ ngồi nên chuyện ăn trước ăn sau là tất nhiên.

Bà Vân (trái) cảm thấy buồn khi không thường xuyên được ăn cơm cùng
đông đủ các con, cháu.

Thương mình tụi nó mới về

Bây giờ bà đã già không còn lam lũ với gánh bún như năm xưa và các con bà đã trưởng thành rồi ra ở riêng. Căn nhà nhỏ của bà vẫn vậy và không xây cao to, tuy con cháu nhiều lần muốn cụ được ở nhà cao cửa rộng an hưởng tuổi già. Với bà, nó không chỉ là kỷ niệm mà nhìn vào nhà nhỏ để nhắc con cháu phải luôn cố gắng để làm việc. Bây giờ mỗi lần có giỗ chạp thì không những trong nhà mà trải chiếu ngồi cả ngoài sân, bà thích được nhìn cảnh con cháu sum họp. Hiểu được ý bà, mỗi lần nhà có tiệc thì con cháu không sót người nào.

Bà bộc bạch: Ngày xưa mình sinh nhiều con mà cứ đổ tội cho trời sinh voi sinh cỏ, mẹ chỉ biết làm để nuôi các con đủ ăn là may rồi. Nhờ trời thương cả đàn con tuy ít học nhưng đứa nào cũng ngoan hiền, lo làm ăn mà không quậy phá hay anh em bất hòa, hạnh phúc nhất là không có đứa nào sa vào hút chích hay kết bạn xấu, thời đó khác bây giờ nhiều lắm. Tuy không ở chung với các con nhưng đứa nào làm gì tôi cũng biết, rút ra bài học từ mình tôi khuyên các con dù làm gì cũng dành thời gian ăn cơm cùng gia đình để tình cảm gia đình vợ chồng cha con thêm gắn bó. Cũng như tôi vậy, tụi nó về đông đủ tôi vui, già rồi không ăn nhiều nhưng niềm vui sum họp và tình thương con cháu thì cần lắm, có thương mình tụi nó mới về.

Chào tạm biệt bà để về nhưng điều tôi ấn tượng là ngôi nhà nhỏ khá yên tĩnh, một bà cụ sống đậm chất quê và rất tình cảm giữa một thành phố ồn ào náo nhiệt.
Nguyên Quỳnh

Bình luận(0)