Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người xứ Quảng

Google News

(Kiến Thức) - Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, chúng tôi tức tốc về làng An Xá để thắp nén nhang tưởng nhớ người anh hùng dân tộc.

Làng An Xá, xã Lộc Thuỷ (Lệ Thuỷ - Quảng Bình) nằm bên dòng Kiến Giang vốn rất thơ mộng, nhưng lúc này dòng sông cũng trở nên trầm lặng khi nghe tin báo buồn về người con ưu tú của quê hương.
Ngôi nhà vẫn đó mà Đại tướng đã đi xa
Ngôi nhà đơn sơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ven con đường nhỏ thôn 3 làng An Xá. Khi chúng tôi đến, ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá, cũng là người trông coi ngôi nhà dẫn chúng tôi vào trong thắp nén nhang tưởng nhớ Đại tướng.
Ông Hàm được Đại tướng đưa ra Hà Nội nuôi từ bé vì thương ông là con liệt sỹ. Ông được đi học ở khoa điều khiển từ xa, Trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh - Trung Quốc). Ba năm sau Trung Quốc xảy ra cuộc cách mạng Văn hoá nên ông về nước học tiếp tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Làm việc 2 năm trong một nhà máy cơ khí, năm 1978 ông phải về quê làm ruộng. Cũng từ đó ông được Đại tướng giao nhiệm vụ trông coi gìn giữ ngôi nhà.
Ban thờ gia tiên và Đại tướng đặt ở phía tay phải ngôi nhà. Phía trên cùng là ảnh hai cụ thân sinh của Đại tướng là Võ Quang Nghiêm và Trần Thị Kiên. Phía dưới là ảnh Đại tướng và bà Nguyễn Thị Quang Thái phu nhân đầu tiên của Đại tướng đã hi sinh khi còn rất trẻ. Xung quanh ngôi nhà, là những bức ảnh của Đại tướng chụp cùng Bác Hồ và các đồng chí của mình qua các thời kỳ. 
Ngôi nhà đơn sơ ở làng An Xá. 
Ông Hàm bảo, sự đơn sơ giản dị của Đại tướng đã bộc lộ ngay từ cánh cổng gỗ cũ kỹ. Quả thật, cánh cổng ấy giờ đây gần như là cánh cổng gỗ duy nhất còn lại ở làng An Xá. Ông Hàm cho hay: “Hơn chục năm trước khi Đại tướng về thăm nhà, tôi bảo muốn thay cổng gỗ bằng vật liệu khác kiên cố hơn nhưng Đại tướng căn dặn cứ để vậy, vì đó là cánh cổng mà các cụ đã kỳ công làm ra”.
Tường bao của vườn nhà là hàng cây xanh mướt, thẳng tăm tắp. Từ cổng, hai hàng cây dẫn vào phía trong sân mà theo lời kể của ông Hàm cũng được Đại tướng chăm sóc, cắt tỉa rất cẩn thận. Khoảnh sân nhỏ trước đây bằng đất, sau mỗi trận mưa là trơn trượt lầy lội. Khi có điều kiện, ông Hàm đã xin phép Đại tướng cho lát gạch đỏ nhưng Đại tướng không đồng ý. Mãi sau, ông Hàm phải lấy lý do sân đất trơn quá, các cháu sang chơi hay bị ngã thì Đại tướng mới gật đầu.
Ngồi bên hiên nhà, ông Hàm kể, ngôi nhà gỗ hàng trăm năm tuổi đã bị quân Pháp đốt trụi vào năm 1947 để trả thù. Mãi đến năm 1977, gia đình mới có điều kiện phục dựng theo mẫu ngôi của nhà cũ. Ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái lợp ngói truyền thống của vùng quê Lệ Thuỷ đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Phía đầu hồi tay phải còn có nhà ngang 2 gian nhỏ hẹp để cất các vật dụng nông nghiệp như cối xay và máy đập lúa thủ công, cùng hàng chục chiếc thúng mủng và rổ rá cũ kỹ. Thậm chí, chiếc cộ - vật dụng dùng để thu hoạch lúa mùa nước lũ vẫn được giữ nguyên vẹn ở phía cuối chái nhà ngang.
Nơi nghỉ ngơi của Đại tướng cũng thật giản dị. Đó là căn buồng nhỏ nhắn, chỉ đặt vừa một chiếc giường và một chiếc bàn con. Nhìn chiếc giường cũ kỹ đơn sơ ấy, ít ai tin là nơi Đại tướng dùng để nghỉ ngơi mỗi lần về thăm quê. Ông Hàm phải mở toang tất cả mọi cánh cửa sổ trong nhà thì căn buồng mới có chút ánh sáng. Ông bảo: “Vừa rồi, tôi đã sửa lại chiếc giường rồi, giường lâu năm quá bị mối mọt đục hỏng cả mộng gỗ”.  
Ông Hàm cho biết, Đại tướng thường ngồi dưới gốc cây khế 100 năm tuổi này để học bài. 
“Bác vẫn ngồi dưới gốc cây khế”
Ông Hàm dẫn chúng tôi ra xem cây khế hàng trăm năm tuổi ở góc trái ngôi nhà. Dưới gốc khế cổ thụ này, Đại tướng thường ngồi dưới bóng mát để học bài và cùng bạn bè đồng lứa chơi trò con trẻ trong những ngày thơ ấu. Sau chiến tranh, bom đạn bắn phá, gần như dấu tích ngôi nhà cũ của Đại tướng không còn, chỉ duy nhất còn lại cây khế. “Nhờ cây khế hơn 100 năm tuổi ấy mà gia đình mới xác định được vị trí chính xác để phục dựng ngôi nhà trên nền đất cũ”, ông Hàm cho hay.
Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đều để tâm đến cây cối trong vườn. Trong ký ức của ông Hàm, Đại tướng hay ngồi dưới gốc cây khế như thời còn thơ ấu. Có lúc, Đại tướng lại dẫn con cháu ra gốc cây mít trước nhà chỉ vào đó và bảo đó là nơi mà Đại tướng đã lọt lòng vào năm Tân Hợi 1911. 
Những cây mít, cây dừa, cây vú sữa do chính tay Đại tướng trồng đến nay vẫn xanh tươi, đơm hoa kết trái. Mỗi lần khách đến chơi nhà, Đại tướng đều ra vườn hái quả mời khách như một món quà quê đầy ý nghĩa.
Chiếc máy đạp lúa thủ công của gia đình Đại tướng. 
Nhân giống thuốc quý cho cả làng
Người làng An Xá vẫn thường hay nhắc đến cây Sâm đắng trong mảnh vườn nhỏ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là cây Sâm đắng được Đại tướng mang từ Huế về trồng trong vườn nhà để trị bệnh đau bụng cho tất cả mọi người. Theo lời ông Hàm, thân sinh của Đại tướng là cụ Võ Quang Nghiêm trước đây dạy học, mỗi lần học trò đau bụng là cụ ra vườn hái lá cây Sâm đắng cho uống, công hiệu rất nhanh. 
Sau này, khi bà con dân làng đến chơi, Đại tướng đều biếu mỗi người một nhành Sâm đắng về trồng. Cho đến bây giờ, làng An Xá và khắp huyện Lệ Thuỷ đều có cây Sâm đắng trong vườn. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Mỗi lần về quê, Đại tướng không chỉ ân cần thăm hỏi tình hình quê nhà mà còn quan tâm đến sức khoẻ bà con. Chính Đại tướng là người đã nhân giống cây thuốc quý này để nhân dân tiện sử dụng khi có bệnh”.
Chúng tôi dạo quanh ngôi nhà, có những mảng gỗ đã rêu phong trùm kín màu thời gian. Có những vật dụng như chum, vại đã ngả màu xếp bên góc vườn. Và cả những tảng đá xếp ngay ngắn thành lối đi trong vườn. Tất cả đều in đậm dấu ấn của người Đại tướng đáng kính của dân tộc. Ngôi nhà vẫn còn đây, mà Đại tướng đã đi xa.
Từ khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, dân làng An Xá nói riêng, nhân dân xứ Quảng nói chung đã tề tựu đông đủ tại ngôi nhà đơn sơ của Đại tướng tại quê nhà. Mỗi người một nén hương thắp trên ban thờ, không ai giấu nổi những giọt nước mắt tiếc thương người anh hùng. 
“Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dặn dò tôi phải gìn giữ ngôi nhà của Đại tướng một cách cẩn thận. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm gìn giữ ngôi nhà, gìn giữ di sản của Đại tướng. Chủ tịch nước cũng căn dặn, nhà lưu niệm của Đại tướng là kho tư liệu quý giá để giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và chiến đấu vì Tổ quốc”.
Ông Võ Đại Hàm
Dương Hoà

Bình luận(0)