4 cán bộ tỉnh Thái Bình bị bắt: Lý giải Đường Nhuệ thao túng thị trường đấu giá

Google News

(Kiến Thức) - Việc gian lận trong thủ tục đất đai, hoạt động đấu giá đất có tính hệ thống, quy mô, thao túng được thị trường đấu giá như dư luận phản ánh về Đường Nhuệ không thể thực hiện được nếu không sự tiếp tay của người có chức vụ, quyền hạn.

Liên quan vụ vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ), ngày 16/4, mở rộng điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam với 4 bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trong bốn bị can bị khởi tố, bắt giam gồm Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình Phạm Văn Hiệp, Đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình Vũ Gia Thành, Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở TN&MT Thái Bình Trịnh Thị Minh Thúy và nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở TN&MT Thái Bình Hà Văn Dũng.
Những cán bộ bị bắt trên có liên quan đến hoạt động đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Cụ thể những người này đã tiếp tay để giúp Đường “Nhuệ” trúng đấu giá trong một số dự án trên địa bàn tỉnh.
4 can bo tinh Thai Binh bi bat: Ly giai Duong Nhue thao tung thi truong dau gia
Bị can Nguyễn Xuân Đường. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình khởi tố 4 bị can là cán bộ có liên quan đến hoạt động tổ chức đấu giá như Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình, Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên không bất ngờ với nhiều người khi theo dõi thông tin về vụ việc này trong những ngày qua.
Bởi trước đó có rất nhiều thông tin về việc doanh nghiệp bất động sản Đường Dương tham gia vào hoạt động đấu giá, thao túng giá đất, thường trúng đấu giá nhiều lô đất tại 1 dự án.
Đây là hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm lũng đoạn thị trường bất động sản và số tiền thu lợi bất chính rất lớn... mỗi một hồ sơ đấu giá mà gian lận các đối tượng này thể thu lời vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Có lẽ vì thế mà vợ chồng Nguyễn Xuân Đường đã giàu lên một cách nhanh chóng.
Luật sư Cường cho rằng, các hành vi gian lận trong quá trình đấu giá đất dẫn đến kết quả đấu giá không khách quan cần phải hủy bỏ kết quả đấu giá, khắc phục hậu quả và đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan theo quy định của pháp luật. Những tài sản do phạm tội mà có, thu lợi bất chính phải tịch thu sung công quỹ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu có hoạt động bảo kê, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá đất phải làm rõ từng vai trò, vị trí của các đối tượng, trong đó không loại trừ đối tượng tiếp tay là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước có liên quan.
Việc gian lận trong thủ tục đất đai, hoạt động đấu giá đất có tính hệ thống, quy mô như dư luận phản ánh không thể thực hiện bởi một doanh nghiệp, một người hay một nhóm người, chắc chắn phải có sự tiếp tay của người có chức vụ, quyền hạn thì mới thao túng được thị trường đấu giá.
Do vậy, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc sai phạm trong đấu giá đất được thực hiện như thế nào, ai là người hưởng lợi, các đối tượng đã tác động vật chất và tinh thần như thế nào đối với người có chức vụ quyền hạn liên quan đến các thủ tục này.
Nếu có căn cứ cho thấy các đối tượng trong doanh nghiệp này đã đưa ra những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của nhóm đối tượng này để các đối tượng trúng đấu giá quyền sử dụng đất, thao túng thị trường nhà đất thì sẽ có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ chứ không đơn giản chỉ là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vấn đề này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ để xác định đối tượng vi phạm, mức độ vi phạm làm cơ sở để xác định tội danh và áp dụng hình phạt theo quy định pháp luật.
4 can bo tinh Thai Binh bi bat: Ly giai Duong Nhue thao tung thi truong dau gia-Hinh-2
Luật sư Đặng Văn Cường. 
Đối với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ mà một số cán bộ đấu giá, cán bộ trung tâm phát triển quỹ đất vừa bị khởi tố, Luật sư Cường cho rằng, mức hình phạt được quy định tại điều 356, Bộ Luật hình sự 2015.
Cụ thể, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Như vậy, để xử lý các bị can vừa bị khởi tố về tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh các bị can đã vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, của cá nhân.
“Trong vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội vì vụ lợi hay vì động cơ cá nhân khác, hành vi làm trái công vụ dẫn đến vi phạm pháp luật là hành vi nào và hậu quả gây thiệt hại là thiệt hại cho ai, bao nhiêu tiền để xác định các yếu tố cấu thành tội phạm và xác định mức hình phạt theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy, các đối tượng đã nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người khác, hành vi này sẽ là hành vi nhận hối lộ, sẽ khởi tố thành một đội riêng hoặc chuyển tội danh sang tội nhận hối lộ, còn người đưa tiền để yêu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu sẽ bị khởi tố về tội đưa hối lộ theo quy định của pháp luật. Với tội nhận hối lộ mà số tiền 1.000.000.000 đồng thì hình phạt cao nhất có thể phải đối mặt là tử hình.
Luật sư Cường nhận định, với nhiều nội dung đơn thư tố cáo, tố giác, nhiều thông tin vi phạm của nhóm đối tượng trong doanh nghiệp này, có lẽ sẽ có nhiều đối tượng khác sẽ bị tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật, có thể khởi tố thêm các tội danh khác nếu các hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Vấn đề này sẽ được làm rõ trong thời gian tới đây qua quá trình thực hiện hoạt động điều tra của cơ quan điều tra.
Trả lời báo chí chiều 13/4, ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình vẫn khẳng định không có việc “tiếp tay” trong các cuộc đấu giá đất đối với vợ chồng đại gia BĐS Đường Dương do đơn vị tổ chức. Từ trước đến nay, các quy trình tổ chức đấu giá được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Ông Hiệp còn nói rằng, ngoài Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình còn có hơn 10 trung tâm đấu giá khác đang hoạt động.
“Cá nhân bà Dương và ông Đường có tham gia một vài dự án do đơn vị tổ chức nhưng số lượng không nhiều và đều trả giá cao để trúng đấu giá đất. Còn việc tại sao vợ chồng đại gia quê lúa lại có trong tay hàng chục lô đất tại các dự án khu dân cư thì đơn vị không rõ”, ông Hiệp nói.
Sau trả lời này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam với 4 bị can, trong đó có ông Phạm Văn Hiệp. Điều này cho thấy những nghi ngờ của dư luận về việc ông Hiệp và các cán bộ trên bắt tay móc nối, giúp Đường Nhuệ thâu tóm các lô đất đẹp với giá rẻ, gây thiệt hại cho Nhà nước là có cơ sở.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt giam 4 cán bộ ở Thái Bình 'giúp sức' cho vợ chồng Đường Nhuệ

Nguồn: VTC News.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)