Bé lớp 6 nhảy lầu tự tử ở Hà Nội: “Nên dẹp bệnh thành tích giáo dục“

Google News

Bé lớp 6 nhảy lầu tự tử do áp lực trong học tập là nỗi đau cảnh tỉnh không chỉ các bậc phụ huynh mà cả giáo viên, nhà trường, ngành giáo dục.

Nỗi đau cảnh tỉnh phụ huynh
Tối 16/12, cháu T.T.D. (12 tuổi) rơi từ tầng 22, tòa nhà S4, chung cư Goldmark City (Hà Nội) xuống đất và tử vong. Báo cáo của cơ quan chức năng nêu, theo gia đình cháu bé kể lại, trước thời điểm xảy ra vụ việc, cháu D. bị áp lực về việc học, thi không làm bài tốt, nên đã bất ngờ nhảy từ tầng 22 chung cư trên xuống đất.
Nguyên nhân vụ việc bé trai rơi từ tầng cao chung cư Goldmark City ở Hà Nội xuống đất tử vong vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, thông tin việc cháu bé bị áp lực học hành dẫn đến hành động trên khiến dư luận bàng hoàng, các phụ huynh giật mình nhìn lại cách dạy dỗ con cái.
Đây cũng là lời cảnh tỉnh đau đớn không chỉ với các bậc phụ huynh mà với cả giáo viên, nhà trường và ngành giáo dục. Trước đó, không ít học sinh đã có hành động tiêu cực do áp lực học hành từ gia đình, trường học nhưng những vụ việc đau lòng vẫn xảy ra.
Be lop 6 nhay lau tu tu o Ha Noi: “Nen dep benh thanh tich giao duc“
 Tòa nhà nơi xảy ra sự việc.
“Khi đọc thông tin vụ việc trên, tôi cũng giật mình và suy nghĩ về sự kỳ vọng của mình vào con cái có quá sức của con không, có tạo áp lực cho con trong việc học hay không. Lâu nay giống như nhiều phụ huynh khác, khi con được 10 điểm tôi rất vui, thậm chí khoe lên mạng xã hội. Khi con có điểm thấp hơn kỳ vọng, bản thân tôi cũng trách móc con. Khi nhìn lại thời khóa biểu, tôi cũng giật mình vì bắt con học quá nhiều. Ngoài học chương trình của nhà trường, con còn học thêm tiếng Anh, Toán. Có ngày vừa học trực tuyến các môn trên lớp xong, con lại phải học ngay trực tuyến với Trung tâm Ngoại ngữ nên thường rất mệt mỏi”, chị Lan, một phụ huynh nêu ý kiến.
Anh Trần Kiên, một phụ huynh học sinh lớp 6 cho biết, chương trình học của các học sinh giờ nặng hơn trước đây dẫn đến nhiều áp lực, nhất là trong thời gian qua các con phải học trực tuyến, ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều khi không tương tác được với xã hội, không được vui chơi cùng bạn bè như khi học trực tiếp. “Do đó, khi kết quả của con không được như mong muốn, là phụ huynh tôi thường động viên con chứ không trách mắng. Nhiều khi nhìn con phải học nhiều môn, nhiều bài tập ở nhà, tham gia các chương trình học khác, áp lực học quá lớn nếu như bố mẹ trách mắng sẽ khiến các con có suy nghĩ và hành động tiêu cực”, anh Kiên nói.
Một phụ huynh khác đưa ra bình luận: “Đây là nỗi đau cảnh tỉnh cho các thầy cồ giáo và phụ huynh luôn muốn con mình trở thành “thần đồng”. Phụ huynh thì không muốn con mình kém con nhà người ta nên thường bắt các con phải vượt cả sức học của bản thân. Trong khi đó, thầy cô vì muốn đạt thành tích tốt nên thường giao rất nhiều bài nâng cao sau khi hết giờ học trực tuyến. Nhìn thời khóa biểu các con chợt thấy ngán ngẩm, người lớn chưa chắc đã hoàn thành với chương trình học như vậy nhưng lại bắt các con phải gồng mình lên. Cứ như thế sao các con không áp lực, bao giờ mới hết các sự việc học sinh có suy nghĩ và hành động tiêu cực từ những áp lực do người lớn tạo nên?”.
Nên dẹp bệnh thành tích giáo dục
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam dẫn câu chuyện học trực tuyến thời gian qua. Ông Nam nói rằng, học trực tuyến chỉ giải quyết tình thế dịch bệnh chứ kỳ vọng quá nhiều vào kết quả học tập như học trực tiếp là một kỳ vọng vượt qua điều kiện thực tế.
“Học trực tuyến có những hạn chế, trong đó, trẻ em học trực tuyến bị sức ép về mặt tâm lý. Có lẽ thời gian qua, chúng ta chưa chú ý một cách đúng mức tới tâm lý trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh. Cả một học kỳ phải ngồi ở nhà học qua máy tính, điện thoại, thiếu không gian vui chơi giải trí. Như trường hợp trên, học sinh lớp 6 mới bước vào trung học cơ sở. Thực tế, nhiều trẻ em bị trầm cảm thậm chí cả người lớn cũng bị trầm cảm do phải cắt đứt với một không gian xã hội. Một bộ phận người dân bị phong tỏa một thời gian dài, các nhu cầu đời sống khó khăn dẫn đến gò bó con người về mặt tâm sinh lý, tình cảm”, ông Nam nêu ý kiến và cho rằng, đây là bài toàn cần phải có lời giải sớm hơn.
Một nguyên nhân dẫn đến áp lực học tập lớn cho học sinh theo PGS.TS. Lâm Bá Nam chính là là bệnh thành tích.
“Bệnh thành tích của cả phụ huynh, lẫn nhà trường. Các phụ huynh thì kỳ vọng quá lớn vào con cái. Thực tế kỳ vọng con cái học hành tiến bộ là tâm lý chung và là kỳ vọng đúng. Nhưng đừng đòi hỏi quá sức của con, quá khả năng trong bối cảnh hiện tại. Do đó, gia đình và nhà trường cần phải có một sự đồng thuận, không nên chạy theo bệnh thành tích”, PGS.TS. Lâm Bá Nam cho biết.
Theo Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, một vấn đề cần được quan tâm là đặt trong bối cảnh dịch bệnh, việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh như thế nào? Bởi dịch bệnh chưa hẳn đã chấm dứt và có thể kéo dài cả học kỳ 2, học sinh có thể sẽ phải tiếp tục học trực tuyến. Đây cũng là bài toán cần tính đến không chỉ với nhà trường mà với cả các bậc phụ huynh.
“Cần phải có toa thuốc cho ngành giáo dục trong bối cảnh này. Toa thuốc giải quyết tình thế ra sao, không chỉ là vấn đề học trực tuyến mà còn cả các vấn đề đi kèm, trong đó có vấn đề đánh giá kết quả học sinh như thế nào và trong thời gian tới phải tính toán thế nào? Đây là một năm học phải nói đầy khó khăn với ngành giáo dục và còn cả hàng triệu gia đình. Cha mẹ cũng chạy đua theo thành tích thì hậu quả khôn lường. Không ít câu chuyện trẻ em bỏ nhà ra đi, nhảy lầu tự tử liên quan tâm sinh lý trong mùa dịch này nữa. Điều này cần sự vào cuộc của các lĩnh vực về mặt khoa học của công tác xã hội, các nhà tâm lý học, giáo dục học để tìm ra bài toán tháo gỡ trong bối cảnh ngày hôm nay”, ông Nam cho hay.
Đồng thời, PGS.TS. Lâm Bá Nam cũng cho rằng, chương trình giáo dục cũng phải giảm tải trong bối cảnh như hiện nay.
“Có cần học sinh phải học tất cả các môn học hay không? Một ngày liều lượng bao nhiêu là vừa, là đủ, chứ không phải thời lượng học phải kéo dài như học trực tiếp. Khi học trực tiếp trẻ còn giải lao, còn vui chơi, còn giao tiếp với bạn bè, cảnh quan môi trường, còn khi học trực tuyến, ngồi ở nhà trong 4 bức tường, không trầm cảm mới là lạ. Do đó, cần phải có sự quan tâm đặc biệt của phụ huynh, nhà trường và cộng đồng xã hội để tránh những sự việc đau lòng như trên xảy ra”, PGS.TS. Lâm Bá Nam nêu ý kiến. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Tử vong do nhảy cầu tự tử rơi xuống đường:

Nguồn: HGTV

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)