Bí thư tỉnh chỉ đạo, hàng trăm hộ dân vẫn lao đao vì cưỡng chế

Google News

(Kiến Thức) - Dù Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh đã có chỉ đạo làm giảm nhiệt nhưng việc cưỡng chế thu hồi đất tại khu chung cư 3 tầng ở Hạ Long vẫn đang rất nóng.

Trong suốt thời gian qua, để triển khai dự án Khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở kết hợp phố mua sắm tại phường Bạch Đằng (do Công ty cổ phần đầu tư và khách sạn Myway Hạ Long làm chủ đầu tư), các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long liên tục ban hành các quyết định, các phương án cưỡng chế thu hồi đất, cũng như các phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân đối với 4 lô nhà chung cư 3 tầng và nhà cấp 4 xen kẹt tại phường Bạch Đằng (TP Hạ Long). Tuy nhiên, những quyết định, chính sách, phương án vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Từng ấy thời gian, hàng trăm hộ dân tổ 90, 91, 92, 93, 95, 97 khu 6 (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), những người bị ảnh hưởng bởi dự án cũng liên tục phải sống trong những tâm trạng lo lắng, băn khoăn. Có lúc họ rơi vào tuyệt vọng, phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi, thậm chí gửi đơn lên cả Thủ tướng Chính phủ, có lúc hi vọng lại trào dâng khi Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nêu ý kiến: “Phải đưa lợi ích của người dân lên hàng đầu”. Thế nhưng, kỳ vọng của người dân vẫn chưa được đáp ứng.
 Khu chung cư 3 tầng của công nhân ngành than tại phường Bạch Đằng.
Nóng cưỡng chế thu hồi đất, Bí thư tỉnh vào cuộc chỉ đạo
Lật giở lại quá trình triển khai thu hồi chung cư ngành than, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Hạ Long đã ban hành nhiều quyết định liên quan. Cụ thể, ngày 6/2/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký QĐ số 381/QĐ-UBND, giao cho Công ty CP Đầu tư và Khách sạn My Way làm CĐT Dự án Times Garden (đầu tư xây dựng Khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, TTTM và nhà ở kết hợp phố mua sắm tại phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long). Ngày 5/10/2015, tỉnh ban hành QĐ số 2946/QĐ-UBND quy định cụ thể về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án. Cùng nội dung này, sau khi các hộ dân gửi đơn kiến nghị, không chấp nhận quy định trên, ngày 13/4/2016, UBND tỉnh tiếp tục ra văn bản với nội dung “dập khuôn” như trên. Ngày 29/9 và ngày 18/11/2015, UBND tỉnh lần lượt ra QĐ số 2880/QĐ-UBND và số 3657/QĐ-UBND phê duyệt giá đất cụ thể căn cứ làm bồi thường, tái định cư việc thực hiện dự án. Ngày 01/07/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh ra QĐ số 2015/QĐ-UBND ủy quyền cho UBND TP. Hạ Long thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Theo đó, ngày 18/7/2016, UBND TP. Hạ Long ra QĐ số 2139/QĐ-UBND thu hồi 194 căn hộ thuộc sở hữu nhà nước, do các gia đình ở các tổ 91, 92, 93, 95, 97, khu 6 phường Bạch Đằng đang thuê. Theo quyết định, các hộ dân đang thuê nhà phải bàn giao cho Phòng Quản lý đô thị TP. Hạ Long trước ngày 31/7/2016.
 Người dân khu chung cư nhiều lần kêu cứu lên các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, người dân không đồng thuận với một số phương án bồi thường hỗ trợ mà các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long nêu ở trên. Trong đơn phản ánh, hàng trăm công dân ngành than đã đưa ra những kiến nghị thắc mắc, băn khoăn về chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành mà theo họ có một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật. Ngoài những bức xúc về phương án bồi thường hỗ trợ di dời của các hộ dân, hơn 200 hộ lo lắng về phương án tái định cư tại chỗ của TP, khi không có một cơ sở pháp lý nào ràng buộc đối với đơn vị chủ đầu từ là Công ty Cổ phần đầu tư và khách sạn My Way đối với các hộ dân khi trở về dự án mới. Hàng trăm hộ dân sau đó, liên tục kéo lên trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng tỉnh này để kêu cứu liên quan đến việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất.
Những kiến nghị của người dân được UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận là có cơ sở và chính đáng. Cụ thể, trong văn bản số 3377/UBND-TD ngày 13/6/2016 nêu ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Việc các hộ dân kiến nghị để có nhà ở là chính đáng và có cơ sở pháp lý”. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau đó, vào ngày 18/7/2016, UBND TP. Hạ Long lại có QĐ ủy quyền số 2015/QĐ-UBND ngày 1/7/2016 ban hành QĐ số 2139/QĐ-UBND thu hồi 194 căn hộ của hơn 200 hộ gia đình đang ở và yêu cầu các hộ dân phải bàn giao nhà cho Phòng Quản lý đô thị TP. Hạ Long trước ngày 31/7/2016.
 Thậm chí họ đã 2 lần phải cầu cứu lên Thủ tướng Chính Phủ.
Trong khi người dân đang kiến nghị, các cơ quan Trung ương như Ban tiếp Công an Trung ương-Thanh tra Chính Phủ đã có Công văn chuyển đơn của các công dân đến UBND tỉnh Quảng Ninh để chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, trả lời công dân, thông báo kết quả giải quyết đến Ban tiếp Công dân Trung ương, bất ngờ ngày 1/8, UBND TP Hạ Long ra quyết định số 707/QĐ-UBND “Về việc cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối với các hộ đang thuê nhà tại khu tập thể ngành than cũ tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long". Kèm theo quyết định này, là các các thông báo cắt điện, cắt nước được ban hành ngay sau đó của các cơ quan chức năng nhằm tạo sức ép với các hộ dân tại đây, khiến cho cuộc sống của họ trở nên vô cùng khó khăn. Việc làm này ngay sau đó đẩy những căng thẳng lên đỉnh điểm.
Để giảm nhiệt căng thẳng trên, chiều ngày 9/8, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì và nghe UBND TP Hạ Long báo cáo công tác GPMB và giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của công dân liên quan đến Dự án khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại phường Bạch Đằng (TP Hạ Long). Sau khi lắng nghe kiến nghị của người dân và báo cáo của các cơ quan chức năng, UBND TP Hạ Long, Bí thư tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo yêu cầu cấp lại điện, nước ngay cho người dân để đảm bảo đời sống người dân.
Về phương án hỗ trợ cho người dân sau giải phóng mặt bằng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo: “Sẽ vận dụng mọi chính sách của nhà nước để làm thủ tục hóa giá nhà ở cho người dân để người dân có quyền sở hữu và được bồi thường theo quy định chính sách của nhà nước hiện hành. Trên quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Nhưng phải đưa lợi ích của người dân lên hàng đầu”.
“Khi chuyển sang nhà tái định cư mới, người dân sẽ được hoàn trả diện tích nhà ở mới rộng hơn so với hiện tại với hệ số 1,2 lần. Trường hợp diện tích này nhỏ hơn so với diện tích tiêu chuẩn nhà ở đô thị, thì người dân sẽ được nhận nhà có diện tích rộng hơn nhưng sẽ phải trả thêm phần chênh lệch giá, giá này sẽ do tỉnh quy định với mức ưu đãi, có lợi cho dân nhất. Riêng đối với nhà đầu tư, khi thực hiện dự án phải đảm bảo chất lượng, giá dịch vụ sẽ được Nhà nước phê duyệt”, Bí thư Đọc cho biết.
Chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, dân tiếp tục cầu cứu Thủ tướng
Với chỉ đạo của Bí thư tỉnh Quảng Ninh về việc tạm dừng cưỡng chế của UBND TP Hạ Long để xem xét lại chính sách bồi thường hỗ trợ, hơn 200 hộ dân khu 3 tầng tưởng như đã tìm được ánh sáng để cuộc sống mai này tốt đẹp hơn với gia đình họ khi chính quyền thay đổi lại một số phương án nhằm “đưa lợi ích của người dân lên hàng đầu”.
Tuy nhiên, mới đây, khi nhận được Quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước số 862/QĐ-UBND ngày 26/8, phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư điều chỉnh bổ sung được phê duyệt theo Quyết định số 2908/QĐ – UBND ngày 30/8 của UBND TP Hạ Long và thông báo số 396/TB-UBND ngày 31/8 về việc di chuyển, bàn giao nhà đối với 4 lô nhà chung cư 3 tầng và nhà cấp 4 xen kẹt tại phường Bạch Đằng (TP Hạ Long), người dân một lần nữa phải viết đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính Phủ.
Trong đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 5/9/2016, khu 3 tầng (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long), những người đại diện cho hơn 200 hộ dân là ông Nguyễn Xuân Khang, bà Nguyễn Thị Dịu, ông Ngô Ngọc Quỹ, Nguyễn Trọng Khâm, Vũ Quốc Thịnh nêu rõ, việc UBND TP Hạ Long ban hành phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư điều chỉnh bổ sung được phê duyệt theo Quyết định số 2908/QĐ – UBND chưa đúng với quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 24/8 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, có nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật.
 Dù Bí thư tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng vì lợi ích của người dân nhưng người dân vẫn phải lần thứ 2 cầu cứu Thủ tướng.
Theo đó, người dân đã đưa ra một số cơ sở chứng minh như: “Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư điều chỉnh bổ sung theo QĐ 2908/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 chưa đúng với nội dung Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 24/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bởi theo khoản 4 Điều 1 Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 24/8/2016, chúng tôi được thanh lý nhà tương tự các hộ ở tại lô 4 và lô 5 nhà 5 tầng phố mới phường Trần Hưng Đạo và lô 5 tầng cột 8 phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long theo Quyết định số 1202/2002/QĐ-UB ngày 18/4/2002 của UBND tỉnh “về việc ban hành bảng giá tối thiểu nhà xây dựng mới và hệ số giá trị nhà còn lại các nhà ở để tính lệ phí trước bạ” và Quyết định số 2413/QĐ-UB ngày 06/12/1994 của UBND tỉnh “Ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư điều chỉnh bổ sung của UBND thành phố Hạ Long chưa đề cập đến nội dung này và chưa tính số tiền thanh lý các hộ gia đình phải nộp. Quyết định này cũng chưa đề cập nội dung các hộ sớm bàn giao mặt bằng còn được thưởng 10.000.000đ/hộ như khoản 5 Điều 1 Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 24/8/2016 UBND tỉnh Quảng Ninh.
Thứ 2, về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư điều chỉnh bổ sung chưa đúng quy định của pháp luật bởi theo Quyết định số 2732/QĐ-UBND, ngoài diện tích nhà tái định cư quy đổi bằng 1,2 lần diện tích ở hợp pháp của căn hộ cũ, người dân không phải trả tiền. Phần diện tích chênh lệch người dân phải trả tiền theo giá do UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt nhưng hiện nay UBND tỉnh Quảng Ninh chưa phê duyệt và công bố giá nhà tái định cư áp dụng cho phần diện tích chênh lệch này cho nên UBND thành phố Hạ Long chưa có đủ cơ sở để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư điều chỉnh bổ sung. Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 thì phương án bồi thường hỗ trợ phải ghi thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư nhưng trong phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư điều chỉnh bổ sung của UBND thành phố Hạ Long chưa ghi thời gian giao nhà tái định cư cho người dân là không đúng quy định nêu trên.
Clip ông Nguyễn Xuân Khang, đại diện người dân khu chung cư 3 tầng phản ánh:
Lạ hơn nữa, UBND TP Hạ Long đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư điều chỉnh bổ sung được phê duyệt tại Quyết định số 2908/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 nhưng lại không thu hồi và hủy bỏ (thay thế) Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 “về việc phê duyệt phương án tái định cư cho 196 hộ dân phường Bạch Đằng” của UBND thành phố hạ Long cho nên hiện nay người dân đang phải thực hiện 2 phương án tái định cư theo 2 chính sách khác nhau của UBND thành phố Hạ Long.
Bà Nguyễn Thị Dịu, đại diện cho các hộ dân phản ánh: “Quyết định cưỡng chế số 862/QĐ-UBND được UBND thành phố Hạ Long ban hành từ ngày 26/8/2016 nhưng phải đến ngày 30/8/2016 UBND thành phố Hạ Long mới ban hành Quyết định số 2908/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và điều chỉnh bổ sung cho chúng tôi - Khi chưa có phương án bồi thường hỗ trợ thì lý do gì ban hành quyết định cưỡng chế đối với chúng tôi?”.
Theo bà Nguyễn Thị Dịu, ngay trong quyết định số 2732/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh do PCT Vũ Văn Diện ký ngày 24/8/2016 về phê duyệt chính sách riêng hỗ trợ cho các hộ dân nhưng trong quyết định này lại không rõ ràng như những gì mà Bí thư Đọc đã từng hứa với người dân. Cụ thể, trong phương án này chỉ vẻn vẹn một câu là diện tích được sang nhà tái định cư mới nhân hệ số 1.2. Không xác định là diện tích quy đổi này có phải là được thanh lý cho dân chưa hay vẫn phải thuê nhà theo sở hữu nhà nước khi sang nhà tái định cư. Không có giá thanh lý nhà, chưa xác định dân phải trả tiền thanh lý nhà là bao nhiêu cũng không có trong phương án. Phần chênh lệch diện tích nhà phải trả thêm là bao nhiêu tiền cũng chưa có giá cụ thể. Chi phí quản lý vận hành cho tòa nhà tái định cư cũng chưa có.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến vụ việc trên.
230 người và chi phí dự kiến hơn 569 triệu để cưỡng chế thu hồi khu 3 tầng
Theo kế hoạch cưỡng chế thu hồi đối với khu tập thể ngành than cũ số 44/KH-UBND của UBND phường Bạch Đằng ban hành ngày 1/9/2016 do ông Nguyễn Đình Nam Chủ tịch UBND phường ký tên, lực lượng cưỡng chế gồm lực lượng của phường Bạch Đằng và lực lượng các ban ngành TP Hạ Long lên đến 230 người, trong đó lực lượng công an TP là 100 người. Kinh phí dự trù cho buổi cưỡng chế là hơn 569 triệu đồng gồm họp triển khai 3 triệu đồng, kinh phí ra quân 280,5 triệu đồng, họp rút kinh nghiệm 3 triệu đồng, thuê phương tiện vận chuyển tài sản là 65,4 triệu đồng, phí thuê nhân công vận chuyển đồ là 218 triệu đồng. Đáng chú ý trong kế hoạch này nêu rõ, Điện lực TP Hạ Long có trách nhiệm cắt điện xong trong ngày 12/9, Xí nghiệp nước Hòn Gai có trách nhiệm cắt nước xong trong ngày 12/9.
Hải Ninh

Bình luận(0)