Cấm tuyệt đối nồng độ cồn mang lại nhiều lợi ích

Google News

Cấm nồng độ cồn đối với lái xe không chỉ giúp giảm TNGT mà còn nhằm đảm bảo sức khỏe của người tham gia giao thông, bảo vệ thể lực, trí lực của người Việt Nam

Mới đây, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Theo ông Trịnh Xuân An, Chính phủ đã có văn bản nêu quan điểm, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng nội dung này. Và trong quá trình tiếp thu các phương án, thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thiết kế các phương án quy định ngưỡng hoặc cấm tuyệt đối nồng độ cồn, để xin ý kiến các cơ quan, đặc biệt là đại biểu chuyên trách, các đoàn đại biểu Quốc hội.
Thông tin về kết quả lấy ý kiến, ông An cho biết, số lượng lớn hơn đại biểu đồng tình cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.
Cam tuyet doi nong do con mang lai nhieu loi ich
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.
Quy định cấm tài xế có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi lái xe tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và độc giả. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về quy định tuyệt đối này, thay vào đó là quy định có mức cho phép.
Bà Nguyễn Thị Loan, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ ý kiến: “Tôi không thích rượu bia và cũng rất ghét những người uống rượu bia khi tham gia giao thông. Những người vi phạm nồng độ cộ ở mức cao mà vẫn điều khiển xe cần phải phạt nặng hơn nữa. Nhưng việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn là chưa hợp lý”.
Theo bà Loan, hiện nay có một số đồ ăn có chưa nồng đồ cồn, nhất là những món đặc thù vào những ngày lễ hay tiệc vui như cơm rượu, hải sản hấp bia...làm người ăn “nhiễm” cồn nhưng thực tế vẫn rất tỉnh táo. Nếu bị thổi nồng độ cồn vẫn có thể bị phạt.
Tuy nhiên, phần lớn ý kiến của người dân và các thành viên trên nền tảng mạng xã hội hoàn toàn ủng hộ quy định cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe.
Anh Nguyễn Tuấn Tú, quận Nam Từ Liêm bày tỏ quan điểm: “Ủng hộ dự luật này, rất có ích cho xã hội. Đã lái xe thì nên học cách có trách nhiệm với xã hội trước rồi hãy thỏa mãn thú vui riêng".
"Ủng hộ cấm tuyệt đối, có nồng độ cồn thì không được phép lái xe”, bạn Trang Hoài bình luận trên nền tảng mạng xã hội.
Bạn Đức Nguyễn cũng bình luận dứt khoát: "Đừng viện cớ phong tục tập quán mà bào chữa cho hành vi uống rượu bia được phép lái xe. Bạn có quyền uống và bạn có quyền đi xe ôm, taxi để về”.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn mang lại lợi ích hơn nhiều so với những mất mát về mặt lợi nhuận, kinh tế. Cấm nồng độ cồn đối với lái xe không chỉ giúp giảm tai nạn giao thông mà còn nhằm đảm bảo sức khỏe của người tham gia giao thông, bảo vệ thể lực, trí lực của người Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Thế nên, cấm tuyệt đối nồng độ cồn là chủ trương rất hợp lý. Và cũng phải khẳng định là qua một thời gian triển khai thực hiện quy định này đã dần đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ và đang từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Theo ông Khương Kim Tạo, những hệ lụy từ các vụ tai nạn giao thông do người uống rượu, bia gây ra là không thể đo đếm. Chỉ một sai lầm nhỏ, mọi sự ân hận đều sẽ trở nên muộn màng. Do đó, việc quy định nồng độ cồn với tài xế bằng 0 là hoàn toàn cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông, để từ đó tạo nên văn hóa giao thông lành mạnh.
Bộ Công an cho biết, với điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, thực tế rất cần quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Lý giải, Bộ Công an nhấn mạnh điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện tồn tại nhiều đặc thù.
Qua khảo sát từ nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong các nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng thứ tự cao trên thế giới (thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia). Cơ quan chức năng đánh giá đây là tỉ lệ rất đáng báo động.
Rượu bia còn là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu trong các vụ tai nạn, sự cố tại Việt Nam. Thống kê cho thấy hơn 50% các vụ án giết người, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, vi phạm quy định về lái xe có người phạm tội trước khi gây án đã sử dụng rượu bia.
Đáng chú ý, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia. Do đó, Bộ Công an cho rằng, kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói về việc cần quy định chặt nồng độ cồn khi lái xe bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)