Cần rà lại các khái niệm về đất đai, tránh mỗi người hiểu một kiểu

Google News

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Ban soạn thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần rà soát lại những khái niệm, thuật ngữ, tránh mỗi người hiểu một kiểu.

Cùng khái niệm, nhiều cách hiểu khác nhau
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không khác so với Luật 2013, tuy vậy với bối cảnh mới cần xem xét. Cụ thể, việc giải thích từ ngữ trong dự thảo, để xử lý phải tiếp cận một cách thống nhất với nhau.
Can ra lai cac khai niem ve dat dai, tranh moi nguoi hieu mot kieu
 TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nêu ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức.
Ông Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra, Dự thảo nêu 56 từ ngữ, trong khi Luật 2013 chỉ nêu 30 từ ngữ, như vậy là đã cập nhật một số khái niệm có tính thực tiễn. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm cần rất nhiều cách hiểu khác nhau trong những quy định về: đất xây dựng công trình ngầm, khái niệm hủy hoại đất, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất....
“Chẳng hạn, về “công trình ngầm”, thì sẽ ngầm đến đâu? Hay “hủy hoại đất”, thì thế nào là hủy hoại đất? Hay “gây biến dạng về địa hình”. Sử dụng đất thì hầu như đều phải gây biến dạng về địa hình, từ trồng cái cây cũng phải vun xới. Như vậy là những khái niệm này không chuẩn xác”, ông Nghiêm nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Nghiêm, có những khái niệm rất mới, cần phải thống nhất để Luật khi ban hành có hiệu lực cao. Chẳng hạn như khái niệm “Người sử dụng đất”. Vậy “người” ở đây có hiểu là tổ chức không? Hay chỉ là người không? Rồi “mặt nước chuyên dùng”. Đất công cộng thả bè cá thì có phải là “chuyên dùng hay không?
Ngoài ra, cần bổ sung một số khái niệm như: người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người sử dụng đất, mặt nước chuyên dùng, tích tụ đất...
“Tôi cho rằng, ở đây, cái quan trọng, then chốt nhất để thống nhất với nhau một cơ sở pháp lý bền vững, đó là phải thống nhất khái niệm trong Dự thảo Luật này. Đề xuất rà soát lại những khái niệm, thuật ngữ đã nêu. Đồng thời, bổ sung thêm những khái niệm mới, để cho nhân dân bám vào đó để hiểu một cách thống nhất, chứ không phải mỗi người hiểu một kiểu”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
Xem lại nhiều nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, so với Luật 2013, dự thảo Luật lần này đã có nhiều quy định cụ thể hơn và khoa học hơn, cụ thể là bổ sung thêm quy hoạch cấp tỉnh, ông rất tán thành điều này.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo về nội dung quy hoạch sử dụng đất từng loại nhất là với cấp tỉnh, huyện cần rà soát kỹ hơn để tránh trùng lặp với quy hoạch cấp tỉnh, huyện đang triển khai theo Luật Quy hoạch 2017 đã quy định lồng ghép trong quy hoạch cấp tỉnh (điều 27 Luật Quy hoạch).
Trong dự thảo (điều 60) đề cập đến mối quan hệ với quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ cần thực hiện song hành theo nguyên tắc trên xuống, dưới lên, sang ngang như Nghị quyết 61/2022/QH15 về tháo gỡ khó khăn... và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Về quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67) cần xem lại vì với khối lượng lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế cần nghiên cứu từ kết quả giám sát quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch 2017.
Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngoài quy định tại điều 68 cần nêu rõ phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Góp ý vào điều 71 về rà soát, điểu chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Nghiêm bày tỏ sự thống nhất với các nguyên tắc về căn cứ để điều chỉnh đã nêu trong dự thảo. Đây là các nguyên tắc đúng với điều chỉnh định kỳ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tới thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển đô thị bền vững, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ có nhiều đột phá về phát triển đô thị và nông thôn nên cần cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch và nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Việc bổ sung yêu cầu này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.
>>> Mời quý độc giả xem video: "Nhiều sai phạm đất đai từ hơn 1.000 cuộc thanh tra":

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)