Cần sớm hoàn thiện Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT Đường bộ

Google News

Việc xây dựng, ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp quy luật phát triển.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho rằng, thực tiễn triển khai thi hành Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, đến hiện tại, xuất hiện một số bất cập, quy định chưa cụ thể và các vấn đề phát sinh trong tình hình mới đối với đường cao tốc, cơ chế huy động nguồn lực xã hội vào công trình giao thông, phương tiện giao thông thông minh…
Can som hoan thien Luat Duong bo va Luat Trat tu, ATGT Duong bo
 Ảnh minh họa.
Ngoài ra, việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thiếu rõ ràng, chưa rành mạch, dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Điều này làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chưa giải quyết được thực trạng phức tạp về trật tự an toàn giao thông đường bộ như mục tiêu đề ra.
Việc xây dựng, ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp quy luật phát triển với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước một cách rõ ràng, cụ thể, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả hai lĩnh vực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Xuân Tân - Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội - cũng bày tỏ quan điểm, cần đưa phần đường đô thị vào bộ luật này. Đây là phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, luật nên quy định, phân loại đường bộ theo cấp để thuận tiện cho quản lý.
“Việt Nam vẫn phân cấp đường bộ theo vùng. Tuy nhiên, hệ thống giao thông là mạch máu liên hoàn, cần phân cấp theo từng địa phương để để làm rõ trách nhiệm quản lý”, ông Tân nói.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - nhấn mạnh, hệ thống giao thông thông minh được nêu tại điều 7 Luật Đường bộ là định hướng cho phát triển, xu thế hiện nay. Do vậy, nội dung quy định về giao thông thông minh cần cụ thể hóa để làm rõ những tiêu chí về đô thị thông minh và bền vững.
“Dự thảo đã nêu rất rõ và chi tiết về phần đất bảo trì đường bộ tại điều 17, song vẫn còn nội dung chưa đồng bộ với Luật Đất đai sửa đổi đang hoàn chỉnh để trình duyệt, nhất là quyền sử dụng phần ngầm dưới đất có nhiều quy định mới”, ông Nghiêm cho hay.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cười “rớt hàm” với màn phạt nhóm học sinh vi phạm luật giao thông:
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)