Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Hai vụ thuộc Bộ GD&ĐT sai phạm thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tổng hợp và Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2 lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2.

Điều tra sai phạm của 2 cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT
Một thông tin đáng chú ý trong vụ trường ĐH Đông Đô cấp hàng trăm bằng cử nhân ngôn ngữ Anh giả, trong kết luận điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho rằng ngoài làm rõ vai trò trách nhiệm để xử lý các bị can, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của trường này để xử lý.
Kết luận điều tra nêu rõ, trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định. Tuy nhiên, vào năm 2015, 2016, 2017, Vụ Giáo dục Đại học và Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải đề án tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Dai hoc Dong Do cap bang gia: Hai vu thuoc Bo GD&DT sai pham the nao?
 Tống đạt quyết định khởi tố bị can tại trường ĐH Đông Đô.
Cụ thể, ngày 12/1/2015, trường ĐH Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch Tài chính báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT lại có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Ngày 14/1/2016, ĐH Đông Đô có công văn gửi Bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó đăng ký 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Đúng 10 ngày sau, 24/2/2016, Bộ GD&ĐT tiếp tục có thông báo do ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính ký cho phép trường tuyển 150 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy ở khối ngành III, V và VII.
Ngày 7/2/2017, ĐH Đông Đô lại có công văn gửi Vụ Kế hoạch Tài chính đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có 150 chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2. Đồng thời với việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh gửi Vụ Kế hoạch Tài chính, Trường ĐH Đông Đô cũng gửi Vụ Giáo dục Đại học đề án tuyển sinh năm 2017 và được Vụ Giáo dục Đại học cho đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2.
Ngày 7/3/2017, Vụ Kế hoạch Tài chính ra thông báo số 136, xác nhận cho trường ĐH Đông Đô tuyển 150 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính ký.
Từ năm 2018, mặc dù theo quy định Bộ GD&ĐT không ký thông báo chỉ tiêu tuyển sinh gửi các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, năm 2018, ĐH Đông Đô vẫn tiếp tục gửi đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục Đại học và được đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, nội dung đề án có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2.
Do đó, cơ quan An ninh điều tra xác định, việc các đơn vị, cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch tổng hợp và Vụ Giáo dục Đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh, trong đó có chỉ tiêu văn bằng 2, lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho Trường ĐH Đông Đô trong khi trường này chưa được cấp phép là có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Cơ quan An ninh điều tra cho rằng những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định. Do đó, đã quyết định tách phần hồ sơ vụ án có liên quan đến sai phạm của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT trong việc đăng thông báo chỉ tiêu tuyển sinh để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.
Xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân nếu có sai phạm
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 26/11, Bộ GD&ĐT cho biết, các đơn vị chức năng của Bộ đã và đang chủ động phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất của vụ việc. Bộ cũng đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.
Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền những trường hợp đã sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm.
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT cho rằng, đã có lỗ hổng quản lý, thiếu sự phối hợp, giám sát giữa các vụ liên quan của Bộ GD&ĐT.
"Hiện nay, khi các trường được tự chủ mở ngành cũng không có nghĩa muốn làm gì thì làm. Trách nhiệm của bộ là kiểm tra, giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, Bộ cũng có thể có sự tác động cần thiết nếu các trường tổ chức đào tạo ở các ngành mà nhu cầu thị trường không nhiều, làm mất cân đối cung cầu thị trường lao động" - TS Hoàng Ngọc Vinh nói.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tất cả những văn bằng trường ĐH Đông Đô cấp ra đều do phôi của Bộ GD&ĐT cấp. Việc trường này không được phép đào tạo văn bằng hai tiếng Anh nhưng vẫn tuyển sinh công khai, tổ chức học cho 3527 người, thu học phí hơn 24 tỷ đồng, Bộ vẫn cấp phôi bằng cho trường, vẫn giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai tiếng Anh. Do đó, không thể để những sai phạm của cán bộ Bộ GD&ĐT, của cán bộ nhà trường khiến những người học viên phải chịu.
Kết luận điều tra cho biết, sẽ xem xét đến trách nhiệm của các phòng, ban, cán bộ đã xác nhận, giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai tiếng Anh cho trường Đại học Đông Đô. Bởi vậy, thời gian tới đây cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ có liên quan trong việc đã giao khôi bằng cho trường này và ký xác nhận giao chỉ tiêu cho trường này.
Chính có sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho một số cán bộ của nhà trường đã khiến hơn 3000 học sinh học viên đăng ký học trình độ đại học văn bằng hai tiếng Anh và nộp tiền cho trường này (mỗi trường hợp phải nộp học phí hơn 30 triệu đồng. Đến nay các học viên không được nhận bằng, cũng không được công nhận kết quả đào tạo.
Do đó, cần xem xét hành vi của các cán bộ đã ký vào các văn bản giao chỉ tiêu cho trường ĐH Đông đô và các phòng ban có liên quan đến việc giao chỉ tiêu, cấp phôi bằng cho trường đại học này để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh và sẽ có kết luận trong thời gian tới đây.
Cơ quan ANĐT – Bộ Công an xác định, ĐH Đông Đô không được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng trường này vẫn gửi thông báo tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo. Sau đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cũng nêu rõ, từ năm 2015 đến năm 2017, Trường Đại học Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ GD&ĐT (Vụ Kế hoạch Tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và từ năm 2017, Vụ Giáo dục Đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh. Đến thời điểm phát hiện sai phạm, Trường ĐH Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp. Tuy nhiên, công an chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (một người đã chết).
Cơ quan điều tra đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý những người đã sử dụng bằng, còn các trường hợp chưa sử dụng thì đề nghị Bộ GD&ĐT có quyết định huỷ bỏ, thu hồi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trường Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2 khi chưa được cấp phép

Nguồn: THCT

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)