Lùm xùm dự án lấn biển vùng đệm vịnh Hạ Long của Công ty Đỗ Gia Capital

Google News

Dự án lấn biển, quây núi đá vùng đệm vịnh Hạ Long thành “hòn non bộ” đang gây xôn xao dư luận, vì vấn đề xâm phạm Di sản thiên nhiên thế giới và gây tác động môi trường.

Bị phạt 125 triệu vì vi phạm môi trường
Ngày 7/11, tại Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ, bà Phạm Thùy Dương, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, về mặt pháp lý của dự án không có gì sai, từ chủ trương đầu tư cho đến thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo bà Dương, việc sai phạm của Dự án là trong quá trình thi công, xây dựng đã vi phạm một số quy định nên các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, ngày 7/11, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt Công ty Đỗ Gia Capital - chủ đầu tư dự án lấn biển vùng đệm vịnh Hạ Long 125 triệu đồng vì hai vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Theo quyết định xử phạt, Công ty TNHH Đỗ Gia Capital, chủ đầu tư dự án đô thị 10B ở TP Cẩm Phả, đã không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Báo cáo được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 15/6. Với vi phạm này, chủ đầu tư bị phạt 35 triệu đồng.
Ngoài ra, chủ đầu tư chưa thi công hệ thống kè bao quanh, nhưng đã đổ đất đá xuống vùng nước ven bờ thuộc ranh giới quy hoạch dự án, chưa nạo vét bùn tại vị trí đổ đất khiến lượng bùn bị thủy triều cuốn ra xa. Hành vi này bị phạt 90 triệu đồng.
Lum xum du an lan bien vung dem vinh Ha Long cua Cong ty Do Gia Capital
 Lùm xùm dự án lấn biển vịnh Hạ Long của Công ty Đỗ Gia Capital.
Trước đó, ngày 6/11, Đoàn Kiểm tra Liên ngành tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra dự án và nhận định đơn vị tiếp tục đổ đất trực tiếp xuống Vịnh Hạ Long. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm hành vi vi phạm về môi trường, yêu cầu chủ dự án thực hiện khắc phục hậu quả, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường và báo cáo các cơ quan chức năng thẩm định.
Cùng ngày, UBND TP. Cẩm Phả ban hành Công văn về việc kiểm tra Dự án khu đô thị tại khu 10B và yêu cầu Công ty TNHH Đỗ Gia Capital dừng thi công dự án, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, đơn vị thuộc UBND TP. Cẩm Phả để thực hiện các nội dung liên quan trong công tác quản lý nhà nước và các quy định của pháp luật.
Liên quan đến sự việc, từ ngày 19/9/2023, qua công tác giám sát môi trường ven bờ vịnh Hạ Long, BQL vịnh Hạ Long đánh giá chủ đầu tư dự án KĐT 10B là Công ty TNHH Đỗ Gia Capital đang đổ đất trực tiếp, không có kè vây xuống khu vực biển thuộc vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới (DSTNTG) vịnh Hạ Long, vùng bảo vệ 2 của Di tích quốc gia đặc biệt (DTQGĐB) vịnh Hạ Long.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long nhấn mạnh, việc đổ đất trực tiếp xuống vùng nước vịnh Hạ Long mà không có các giải pháp bảo vệ môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái liên quan. Hoạt động này vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt.
Trước sự việc trên, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã đề nghị Sở TN&MT, Sở VH - TT tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Cẩm Phả kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thi công tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản; có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của DSTNTG.
Ngày 6/10, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh có văn bản đề nghị Công ty TNHH Đỗ Gia Capital tuân thủ theo hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng đã được thẩm định, cấp phép; có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo lưu thông nước khu vực bãi sú, vẹt 2 bên tuyến đường số 1; giảm thiểu tác động tới tổng thể cảnh quan, môi trường của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, trước những cảnh báo và nhắc nhở của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Đỗ Gia Capital vẫn “ngó lơ”. Chỉ đến khi báo chí và dư luận phản ánh chi tiết, ngày 5/11, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh mới chỉ đạo UBND TP Cẩm Phả cùng các lực lượng chức năng khẩn trương kiểm tra dự án, xem xét các vấn đề trong quá trình thực hiện dự án để có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư lên tiếng
Thông tin với báo chí, đại diện Công ty TNHH Đỗ Gia Capital cho biết: "Trong quá trình thi công, đơn vị thi công được thuê vì tiến độ nên làm hơi ẩu, đáng ra chỉ được đổ đất khi thủy triều xuống, nhưng đơn vị thi công vẫn đổ đất khi nước biển dâng lên. Việc này là vi phạm khi chưa làm theo đánh giá tác động môi trường .Khi đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, những gì sai sót, công ty xin nhận lỗi và khắc phục, có biện pháp xử lý”.
Liên quan đến thông tin ngày 6/11, lực lượng chức năng yêu cầu đơn vị dừng thi công dự án, đại diện của doanh nghiệp nói: "Đây không phải là đình chỉ dự án mà là dừng các hoạt động làm không đúng với ĐTM, còn những gì không liên quan, ảnh hưởng đến ĐTM thì doanh nghiệp vẫn thực hiện bình thường như làm nhà công vụ, nhà tạm cho công nhân...".
Còn chuyện quây núi thành "hòn non bộ", đại diện Công ty TNHH Đỗ Gia Capital khẳng định, doanh nghiệp làm đúng với quy hoạch của dự án.
Phải bảo đảm quy chuẩn về môi trường
Ngày 8/11, Hội trường Quốc hội kỳ họp thứ 6 tiếp tục “nóng” vấn đề bảo vệ môi trường với nội dung chất vấn của đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn TP. Hồ Chí Minh gửi đến Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật về môi trường các khu công nghiệp, các công trường xây dựng...Trong đó, có nội dung liên quan đến Công ty Đỗ Gia Capital đang triển khai xây dựng dự án ở Quảng Ninh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn về kỹ thuật Bộ Khoa học công nghệ có trách nhiệm phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc thẩm định quy chuẩn Việt Nam và thẩm định công bố tiêu chuẩn Việt Nam do các bộ chuyên ngành chủ trì. Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thẩm định hơn 800 quy chuẩn Việt Nam quốc gia. Thẩm định và công bố hơn 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có 70 quy chuẩn Việt Nam và khoảng 700 tiêu chuẩn Việt Nam về lĩnh vực môi trường.
Thứ hai, công tác thẩm định của Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung vào các tiêu chí chính sau đây: Một là, sự phù hợp của quy chuẩn kỹ thuật với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế có liên quan. Hai là, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam. Ba là, việc tuân thủ các yêu cầu nghiệp vụ tinh tự, thủ tục xây dựng tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam.
Thứ ba, việc tổ chức thực hiện các quy chuẩn Việt Nam do các bộ quản lý ngành tổ chức thực hiện, thanh tra và kiểm tra. Đối với các quy chuẩn Việt Nam ngoài pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn cần tuân thủ pháp luật về môi trường.
Thứ tư, đối với trường hợp của Công ty Đỗ Gia Capital như đại biểu Trần Kim Yến đã đề cập, cần xác định cụ thể hành vi không tuân thủ quy chuẩn Việt Nam về môi trường (nếu có). Trách nhiệm chính thuộc về bộ quản lý ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng phối hợp với các bộ quản lý ngành trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường nhằm góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về môi trường cũng như trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đôi khi, việc phân biệt giữa vùng lõi, vùng đệm di sản còn chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư lợi dụng để tăng giá trị dự án. Đây cũng được coi là một hành vi lách luật khi sử dụng các cảnh quan của di sản thiên nhiên thành cảnh quan riêng của dự án.
Theo GS Đặng Hùng Võ, việc phát triển du lịch một cách nhanh chóng ở Việt Nam gây ra tình trạng nhiều tư nhân lợi dụng cảnh quan thiên nhiên, di sản để tăng giá trị cho những dự án kinh doanh dịch vụ. Vai trò của các cơ quan chức năng trong việc này rất quan trọng, phải thực hiện đúng trách nhiệm thanh, kiểm tra, động viên nhân dân giám sát và khi dân có ý kiến phải nghiên cứu, ứng phó, giải quyết.
"Các khu vực bảo vệ có thể sẽ có thay đổi theo thời gian. Vì vậy, chúng ta phải kiểm tra về việc phân vùng, nếu không sẽ dẫn đến hệ lụy xấu là sử dụng vùng đệm nhưng lại lợi dụng được cảnh quan của thiên nhiên", GS. Đặng Hùng Võ nói.
GS Đặng Hùng Võ đề xuất, cần có khung pháp luật chặt chẽ khi đưa di sản vào khai thác du lịch. Trong khung pháp luật về di sản, cần đề cao việc bảo vệ, bảo tồn di sản lên trước, sau đó mới tính đến chuyện khai thác kinh tế dựa vào các di sản này. Chỉ có làm như thế mới phát triển được du lịch và gìn giữ di sản bền vững.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tiến độ dự án bất động sản hàng hiệu tại TP. Hồ Chí Minh:

(Nguồn: VTV24)

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)