Nhìn thẳng những bất cập, hạn chế PCCC ở Quảng Ninh

Google News

UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, nhiều công trình chưa được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt hoặc chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã được cấp phép xây dựng, đưa vào sử dụng.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và kết quả thực hiện quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực CNCH. Nội dung trong báo cáo của địa phương này đã thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc, bất cập, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH.
Theo đó, giai đoạn 2013 – 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra tổng số 473 vụ cháy theo tiêu chí thống kê (bao gồm 346 vụ cháy trong dân sự và 127 vụ cháy rừng), làm 16 người chết và 32 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 584 tỷ đồng và hơn 515ha rừng. Ngoài ra, cũng xảy ra 8 vụ nổ làm 2 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại khoảng 825 triệu đồng.
Nhin thang nhung bat cap, han che PCCC o Quang Ninh
Đám cháy lớn xảy ra tại một căn biệt thự ở TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh năm 2022. 
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, tình hình cháy, nổ trên địa bàn qua các năm đã dần được kiềm chế, số vụ cháy có chiều hướng giảm, tuy nhiên thiệt hại nặng. Cháy lớn xảy ra chủ yếu tại địa bàn thành thị. Nguyên nhân chủ yếu do sự cố về điện.
“Những năm gần đây, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng và PCCC chưa được chặt chẽ dẫn đến có nhiều công trình chưa được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC nhưng đã được cấp phép xây dựng hoặc chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng”, UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận và cho biết việc xây dựng phương án, giải pháp xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về PCCC; tình trạng cơ sở, công trình đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC còn nhiều hạn chế.
Báo cáo cho thấy, qua đợt rà soát, kiểm tra an toàn PCCC từ ngày 15/10/2022 đến ngày 15/12/2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn 328 công trình còn tồn tại, vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã được đưa vào sử dụng (trong đó có hơn 217 công trình là trường học và trụ sở cơ quan nhà nước).
Một số cơ sở, công trình thuộc nhà nước như trụ sở Huyện ủy, Trụ sở UBND huyện, các trường học chưa bố trí ngay được kinh phí để triển khai khắc phục (phải phụ thuộc vào việc bố trí nguồn vốn và quy trình thực hiện đầu tư); việc xử lý vi phạm đối với các cơ sở này còn gặp khó khăn (đa số đơn vị quản lý hiện tại chỉ là đơn vị thụ hưởng, sử dụng; đơn vị thực hiện dự án đầu tư là các Ban quản lý dự án, một số đã bị giải thể hoặc sáp nhập, nhiều công trình đã được bàn giao đưa vào sử dụng từ lâu; khi bị đình chỉ hoạt động sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội).
Đánh giá về những vướng mắc, bất cập trong công tác PCCC, CNCH, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua khảo sát thực tế, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tuyến đường giao thông chật hẹp; góc quay xe, chiều cao thông thủy không đảm bảo (bị vướng bởi hệ thống dây điện, dây viễn thông đi nổi); tải trọng của cầu đường bộ tại một số nơi không đáp ứng cho xe chữa cháy di chuyển qua; một số cơ sở, khu dân cư có cổng vào bị đóng cọc, rào chắn đường; nhiều phố, hẻm, ngõ có bục, bệ barie, mái che, mái vẩy chắn ngang, ngõ, hẻm sâu từ 200m trở lên...khi có cháy, nổ xảy ra, xe chữa cháy không thể tiếp cận, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy.
Tại khu đô thị, khu dân cư có 274 trụ nước hư hỏng (gãy trụ, bị đất đá vùi lấp, hỏng van, không mở được van, không có nước...) khó kết nối với phương tiện chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Tình hình cháy, nổ tại các chợ (đặc biệt là các chợ cũ, đã xuống cấp), khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ diễn biến phức tạp, khó lường. Cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện vẫn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 50%).
Ý thức, trách nhiệm của một bộ phần quần chúng nhân dân đối với công tác PCCC chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC.
Việc sửa chữa, lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị của các địa phương tiến độ còn chậm.
Đặc biệt, một số UBND cấp xã chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật; việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo chưa được thường xuyên, sâu sát, hiệu quả còn hạn chế; ngoài ra còn có tư tưởng giao khoán chức năng quản lý nhà nước về PCCC cho lực lượng Công an thực hiện.
Mặc dù lực lượng Dân phòng đến nay đã được kiện toàn đầy đủ về lực lượng ở các khu dân cư, đã được trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, 100% đội viên đã được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; Đội trưởng, Đội phó đã được hỗ trợ chế độ hàng tháng (20% lương tối thiểu vùng đối với Đội trưởng, 15% đối với Đội phó), ngoài ra Luật PCCC đã quy định cụ thể chức năng của lực lượng Dân phòng. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa quan tâm quản lý, tổ chức, có kế hoạch sử dụng lực lượng này trong việc thực hiện công tác PCCC ở khu dân cư. Do đó, hoạt động của lực lượng này ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả thực tế.
Trên địa bàn tỉnh còn nhiều công trình vi phạm, tồn tại về PCCC, nhất là các công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tiến độ khắc phục các tồn tại, vi phạm còn chậm.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác huấn luyện cũng còn thiếu, đặc biệt là bộ phương tiện, thiết bị cứu nạn, cứu hộ trên cao và trong không gian hạn chế. Hiện trên toàn tỉnh chỉ có Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Vân Đồn có tháp tập chữa cháy, CNCH; chưa đơn vị nào có bể bơi; chưa có các mô hình huấn luyện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong môi trường nhiều khói, khí độc, thiếu ánh sáng...
Trước những bất cập, vướng mắc trên, tại Hội nghị chuyên đề về công tác PCCC ngày 29/3/2023 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm tồn tại, vi phạm đối với 327 công trình này trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các công trình chây ì, không triển khai khắc phục điều kiện an toàn PCCC. Đối với các công trình do Nhà nước làm chủ đầu tư, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành chủ quản, UBND cấp huyện xây dựng lộ trình, bố trí vốn để triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, quá thời hạn mà không hoàn thành thì xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cháy lớn biệt thự trăm tỷ ở Quảng Ninh,1 người tử vong, nguyên nhân do đâu? 

(Nguồn: Tv24h)

Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)