Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương

Google News

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040.

Hướng tới một đô thị xanh, thông minh
Theo quyết định, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố bao gồm 19 phường và 6 xã với tổng diện tích khoảng 111,68 km2.
Thu tuong phe duyet dieu chinh Quy hoach chung thanh pho Hai Duong
 
Cấu trúc đô thị của thành phố Hải Dương dựa trên sông Thái Bình, sông Sặt, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường quốc lộ 5, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường vành đai 5 vùng thủ đô, cùng với tuyến vành đai 1 và 2, cấu trúc phát triển thành phố với 4 vùng (vùng đô thị trung tâm hiện hữu, vùng phía Nam, vùng phía Đông và vùng phía Bắc).
Bao gồm: Vùng I - Vùng đô thị trung tâm: Là vùng đô thị hiện hữu gắn với các chức năng trung tâm hành chính - chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp của thành phố Hải Dương; khu vực có giá trị văn hoá lịch sử cần bảo tồn và phát huy văn hoá con người xứ Đông.
Vùng II - Vùng phía Nam: Là vùng đô thị phát triển mở rộng về phía Nam gắn với các chức năng trung tâm y tế, giáo dục thể dục thể thao cấp vùng, dịch vụ thương mại và vui chơi giải trí.
Vùng III - Vùng phía Đông: Là vùng đô thị sinh thái gắn với trung tâm văn hoá, triển lãm mới của đô thị, không gian phát triển du lịch và nông nghiệp chất lượng cao.
Vùng IV - Vùng phía Bắc: Là khu vực ngoại thị gắn với các chức năng dịch vụ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, khu vực kết nối không gian với khu vực huyện Nam Sách.
Phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu
Định hướng phát triển không gian tổng thể thành phố Hải Dương, phát triển lan tỏa từ đô thị trung tâm hiện hữu, lấy dòng sông Thái Bình và sông Sặt là trục phát triển chính của thành phố, cùng với tuyến vành đai 1, vành đai 2, vành đai 5 vùng thủ đô và các tuyến đường xuyên tâm.
Không gian tổng thể phát triển như sau: Khu trung tâm đô thị hiện hữu được bảo tồn phát huy giá trị văn hoá con người xứ Đông, quy hoạch cải tạo các khu vực đô thị hiện hữu theo định hướng phát triển chung để hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I (đặc biệt cần bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, khu công viên cây xanh, các trung tâm thể dục thể thao - văn hóa, bãi đỗ xe).
Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, hình thành các khu nhà ở xã hội, khu nhà ở cho người có thu nhập thấp tập trung có đầy đủ các thiết chế văn hóa, hạ tầng đô thị hiện đại, kiểm soát môi trường của khu công nghiệp Đại An, cụm công nghiệp Việt Hoà, khai thác và kết nối các không gian dọc sông Thái Bình và sông Sặt, di chuyển các nhà máy xí nghiệp, các cơ quan đảm bảo điều kiện môi trường và hoạt động đô thị.
Không gian sông Thái Bình và sông Sặt là trục cảnh quan chính của đô thị, tạo nên cấu trúc đô thị hai bên sông. Tổ chức các cầu mới qua sông đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, phát huy các giá trị cảnh quan phát triển công trình công cộng, dịch vụ, thương mại, du lịch, công viên, cây xanh...
Khai thác lợi thế tuyến vành đai 5 vùng thủ đô và tuyến vành đai 1: Hình thành các trung tâm văn hoá, trung tâm triển lãm, trung tâm logistic, chợ đầu mối của đô thị, phát triển các khu đô thị sinh thái, duy trì hệ sinh thái nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven sông, du lịch nông nghiệp. Kiểm soát phát triển các làng xóm nằm trong vùng đô thị hóa mở rộng theo không gian đô thị.
Khai thác quỹ đất phía Nam cho phát triển đô thị nén, gắn với hệ thống trung tâm cấp vùng và đô thị về giáo dục, y tế, thể dục thể thao, tổ chức các công viên đô thị mới, các khu vui chơi giải trí thể dục thể thao cao cấp (sân golf), phát triển hạ tầng kết nối vành đai 1 và 2 cùng các tuyến xuyên tâm tạo lên một cực phát triển mạnh cho toàn đô thị.
Thu tuong phe duyet dieu chinh Quy hoach chung thanh pho Hai Duong-Hinh-2
 
Di dời các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường
Diện tích tự nhiên thành phố Hải Dương khoảng 11.168 ha, đến năm 2040 thành lập thêm 2 phường nội thị là Liên Hồng và Quyết Thắng; diện tích nội thị khoảng 8.434,03 ha (gồm 21 phường trong đó 19 phường hiện hữu và 2 phường mới); khu vực ngoại thị diện tích khoảng 2.734,15ha (gồm 4 xã).
Đất xây dựng đô thị khoảng 8.993 ha, chiếm 80,5% diện tích đất tự nhiên, trong đó đất dân dụng: khoảng 5.396 ha, bao gồm: Đất đơn vị ở khoảng 3.102 ha; đất dịch vụ - công cộng đô thị khoảng 269 ha; đất cây xanh sử dụng công cộng đô thị khoảng 528 ha; đất trụ sở, cơ quan cấp đô thị khoảng 22 ha; đất giao thông đô thị khoảng 934 ha; đất hạ tầng kỹ thuật cấp đô thị khoảng 85 ha; đất chuyển đổi cơ quan xí nghiệp dự kiến khoảng 38 ha; đất khu vực thực hiện theo kết luận của thanh tra khoảng 35 ha. Đất ngoài dân dụng khoảng 3.597 ha. Đất nông nghiệp và chức năng khác: khoảng 2.175 ha.
Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển lấp đầy 3 khu công nghiệp hiện có theo hướng công nghệ cao, quy mô khoảng 243,82 ha. Duy trì và lấp đầy 4 cụm công nghiệp: Ba Hàng, Thạch Khôi - Gia Xuyên, Việt Hòa và Ngọc Sơn.Quy hoạch mới 3 cụm công nghiệp: Tây Việt Hòa quy mô khoảng 66,2 ha; Tiền Tiến quy mô khoảng 75 ha, Đại Sơn - Ngọc Sơn quy mô khoảng 70 ha (trong đó diện tích thuộc thành phố khoảng 13,2 ha).
Định hướng di chuyển cụm công nghiệp Cẩm Thượng và Ngô Quyền ra khỏi trung tâm thành phố, di dời các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong nội đô ra cụm công nghiệp mới đảm bảo môi trường khu trung tâm, chuyển đổi sử dụng đất xây dựng các khu hỗn hợp dịch vụ cho đô thị.
Định hướng phát triển các khu dân cư: Khu dân cư trong khu trung tâm đô thị hiện hữu: Duy trì cấu trúc hiện có, tăng cường cây xanh. Cải tạo chỉnh trang, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Sử dụng hiệu quả các quỹ đất chuyển đổi, di dời xí nghiệp, cơ quan công sở để xây dựng công trình hỗn hợp, dịch vụ công cộng, công viên cây xanh, hệ thống bãi đỗ xe đảm bảo các điều kiện hạ tầng và môi trường đô thị.
Khu dân cư phát triển đan xen (đô thị mới phía Tây và phía Đông): Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu vực dự án đang triển khai. Bố trí một số điểm công trình hỗn hợp, chung cư, nhà ở xã hội cao tầng làm điểm nhấn cho khu vực.
Khu dân cư mới Liên Hồng, đô thị mới Đông Nam thành phố (Tân Hưng, Ngọc Sơn) khu vực 2 bên đường vành đai 1: Hình thành trên cơ sở phát triển các loại hình dịch vụ thương mại hậu cần cho các trung tâm y tế, trung tâm đào tạo, dịch vụ thể thao vui chơi giải trí. Mô hình nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại, ký túc xá sinh viên, nhà ở cho chuyên gia, nhà biệt thự, hỗn hợp ở thương mại dịch vụ.
Khu dân cư đô thị mới Nam Đồng: Đô thị sinh thái gắn với cảnh quan sông Hương.
Khu vực dân cư đô thị phường Ái Quốc, Gia Xuyên (đô thị mới gắn với tuyến đường vành đai 1 thành phố và tỉnh lộ 390): Phát triển gắn với dịch vụ thương mại ven đường vành đai 1 thành phố và đường vành đai 5 thủ đô, đô thị dịch vụ thương mại hậu cần phục vụ cho khu công nghiệp. Khu đô thị dịch vụ phía Bắc (An Thượng): Phát triển dân cư gắn với dịch vụ cửa ngõ phía Bắc thành phố.
Các khu dân cư làng xóm ngoại thành: Cải tạo và phát triển các khu dân cư trên nền cảnh quan nông nghiệp và tôn trọng cấu trúc tự nhiên.
Hoàn thiện trung tâm hành chính mới của tỉnh tại khu vực phía Nam sông Bạch Đằng (phường Trần Phú) và sắp xếp lại vị trí một số trụ sở làm việc của các sở ngành, đơn vị công lập khi di dời ra khu trung tâm hành chính tập trung. Tại vị trí các công trình hành chính cũ chuyển đổi chức năng thành các không gian, công trình công cộng, khu công viên cây xanh, trung tâm văn hóa thể dục thể thao, khu hỗn hợp thương mại dịch vụ nhằm tăng giá trị sử dụng đất, đảm bảo không tăng áp lực hạ tầng đô thị.
Trung tâm văn hóa: Tăng cường xây dựng các công trình văn hóa của thành phố đáp ứng yêu cầu của đô thị loại 1; xây dựng khu trung tâm văn hóa mới phía Đông tại khu vực xã Quyết Thắng (quy mô khoảng 10 - 12 ha), bao gồm: Cung văn hóa, trung tâm triển lãm sáng tạo, hội nghị hội thảo...; xây dựng các công trình văn hóa cấp đô thị (bảo tàng, thư viện, nhà hát...) tại khu vực xã Tiền Tiến; xây dựng đài tưởng niệm liệt sỹ gắn với công viên văn hóa mới của thành phố khu vực phía Nam đường vành đai 1.
Trung tâm giáo dục đào tạo: Xây dựng hoàn thiện trường Đại học Hải Dương tại khu đô thị mới phía Tây (xã Liên Hồng). Hình thành trung tâm giáo dục, đào tạo tại khu vực dọc theo trục đường Vành đai 1 khu vực xã Gia Xuyên với quy mô khoảng 20 ha. Phát triển các cơ sở đào tạo về thể dục thể thao thành tích cao gắn với trung tâm thể dục thể thao mới tại khu vực phía Đông đại lộ Võ Nguyên Giáp. Cải tạo nâng cấp 09 trường trung học phổ thông hiện trạng, quy hoạch mới 05 trường trung học phổ thông đảm bảo theo quy mô và bán kính phục vụ.
Trung tâm y tế: Di chuyển các cơ sở y tế của tỉnh ra khu vực xã Liên Hồng; quy hoạch mới các quỹ đất y tế tiếp giáp đường Vành đai 1 thành phố (tại khu vực các xã Liên Hồng, Gia Xuyên) để xây dựng bệnh viện với tổng quy mô khoảng 1.500 giường, hình thành trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế chất lượng cao; di chuyển trung tâm y tế thành phố ra khu vực phường Hải Tân.
Trung tâm thương mại dịch vụ: Quy hoạch mới cụm dịch vụ thương mại hỗn hợp ven đường vành đai 1, phía Nam thành phố, cụm dịch vụ hỗn hợp tại đô thị mới Nam Đồng; xây dựng 1 trung tâm hội chợ triển lãm tại khu vực xã Quyết Thắng. Mở rộng chợ đầu mối nông sản tại xã Gia Xuyên khoảng 4 ha; xây dựng chợ đầu mối nông sản phía Đông thành phố tại xã Quyết Thắng; xây dựng trung tâm dịch vụ logistic phía Nam thành phố quy mô khoảng 40 - 60 ha tại xã Ngọc Sơn và 1 khu logistic dịch vụ hậu cần, trung chuyển hàng hóa tại khu vực cửa ngõ phía Đông (nút giao đường vành đai 5 thủ đô) với quy mô khoảng 25 - 30 ha.
Trung tâm thể dục thể thao: Hoàn thiện, cải tạo nâng cấp các công trình thể dục thể thao hiện có. Xây dựng khu trung tâm thể dục thể thao mới của tỉnh quy mô khoảng 30 ha tại khu vực phía Đông đường Võ Nguyên Giáp (phường Thạch Khôi và xã Liên Hồng), một khu trung tâm thể dục thể thao thành phố quy mô khoảng 10 ha tại khu vực phía Đông Nam thành phố (thuộc phường Tân Hưng) và trung tâm thể dục thể thao cấp đô thị tại khu vực phường Nam Đồng.
Cải tạo chỉnh trang các khu công viên hiện có. Chuyển đổi khu sân vận động cũ của thành phố tại phường Trần Phú thành công viên cây xanh quy mô khoảng 1,5 ha; quy hoạch khu công viên trung tâm mới của thành phố tại phường Nguyễn Trãi quy mô khoảng 3 ha là công viên chuyên đề, khai thác không gian ngầm dưới các khu công viên này dành cho thương mại dịch vụ và bãi đỗ xe; quy hoạch công viên phía Nam sông Sặt (phường Thạch Khôi) là công viên thể thao tổng hợp gắn với các hoạt động thể dục thể thao của tỉnh; Công viên trung tâm mới của thành phố tại khu vực phía Bắc đường vành đai 1 thuộc phường Tân Hưng, quy mô khoảng 100 ha; công viên phía Đông thành phố quy mô khoảng 20 ha tại khu vực xã Quyết Thắng; công viên sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái quy mô khoảng 30 ha tại khu vực xã Tiền Tiến.
Phát huy giá trị du lịch dọc sông Thái Bình và sông Sặt. Bảo tồn giá trị thành Đông, xây dựng trung tâm du lịch, dịch vụ gắn kết với tua tuyến du lịch trong tỉnh. Khai thác hiệu quả quỹ đất 200 ha ngoài đê khu vực phường Nhị Châu và phường Nam Đồng với chức năng văn hóa thể thao, dịch vụ giải trí đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ. Quy hoạch mới các khu du lịch gắn với sông Hương và vùng sinh thái nông nghiệp Quyết Thắng, Tiền Tiến…
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: "Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đóng góp ý kiến về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)