Tổng bí thư: ĐBSCL phải khơi dậy khát vọng vươn lên

Google News

Khí phách anh hùng thành đồng Tổ quốc, phẩm chất cao quý của người dân vùng ĐBSCL sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trên vùng đất Chín Rồng.

Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
Vượt qua thách thức, phát triển mạnh mẽ
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về vùng ĐBSCL là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng. “Phát triển vùng là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với từng vùng mà còn đối với cả nước. Do vậy, trong suốt 35 năm đổi mới và qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn chú trọng phát triển vùng” - Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư nhấn mạnh nghị quyết mới lần này về ĐBSCL là để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và vượt qua khó khăn, thách thức mới đang đặt ra; góp phần để ĐBSCL đứng dậy làm chủ và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước.
Tong bi thu: DBSCL phai khoi day khat vong vuon len
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: quochoi.vn 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu ngay sau hội nghị này, căn cứ vào nghị quyết và kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của ban đảng trung ương, các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh.
Trước mắt, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong Vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.
Không chịu đói nghèo, vươn lên vì cả nước
Để thực hiện có kết quả Nghị quyết 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
Một là, phải nhận thức thật đầy đủ và xác định rõ ràng thực hiện Nghị quyết 13 là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và của các địa phương trong vùng. “Đồng thời phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước, “cả nước vì vùng và vùng vì cả nước”!” - Tổng bí thư nhấn mạnh.
Hai là, phải khơi dậy khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong vùng quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa. “Phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác!” - Tổng bí thư nói.
Ba là, Chính phủ và các cơ quan trung ương cần tăng cường với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng hoàn thiện ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên tính đặc thù cho phát triển vùng.
Bốn là, tăng cường, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng có hiệu lực, hiệu quả quản lý các cấp chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, có tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo. “Phải làm sao khơi dậy tinh thần cống hiến của cán bộ, công chức!” - Tổng bí thư nói.
Cuối cùng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng ĐBSCL phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào Đồng Khởi, khí phách anh hùng thành đồng Tổ quốc, phẩm chất cao quý, tốt đẹp của người dân miền Tây tạo ra bước chuyển biến mới trên vùng đất Chín Rồng theo tinh thần “Cả nước vì vùng ĐBSCL và ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.•
Hạ tầng thấp, dân số giảm, chất lượng lao động không cao
Dự hội nghị, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết đến nay Cần Thơ chưa thật sự là trung tâm động lực của vùng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông chưa đồng bộ nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư…
“ĐBSCL đang đối diện sự suy giảm cả về số lượng và chất lượng lao động. Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành, ĐBSCL ghi nhận sự suy giảm tuyệt đối về dân số với hơn 1 triệu người di cư ra khỏi địa bàn, tương đương với dân số của một tỉnh, đây là vấn đề rất lo ngại. Nhưng vấn đề chất lượng lại đáng lo ngại hơn khi tỉ lệ dân số tốt nghiệp THPT hay tỉ lệ lao động đã qua đào tạo của vùng rất thấp!” - Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho rằng tiềm năng của ĐBSCL rất lớn nhưng người dân lại nghèo. Một trong các nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của vùng là hệ thống giao thông. Theo Bộ trưởng Thể, quốc lộ ở vùng ĐBSCL có rất nhiều nhưng chỉ có quốc lộ 1 là có bốn làn xe, còn lại chỉ có hai làn xe, như vậy làm sao phát triển được. Đường thủy nội địa rất thuận lợi nhưng thời gian qua chúng ta phát triển chưa tốt, vận chuyển hàng hóa đường thủy hạn chế, tập trung vào đường bộ. Hệ thống cảng biển thì có 12 cảng, duy chỉ có cảng Cái Cui là trọng tải khoảng 20.000 tấn nhưng luồng vào thì chỉ đáp ứng 10.000 tấn, còn lại chỉ đáp ứng 5.000 tấn. Như thế làm sao phát triển được vận tải sức chở lớn, đưa hàng hóa đi xa được.
Còn ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, kiến nghị Chính phủ cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Đồng thời, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ TN&MT sớm trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch không gian biển và quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, làm cơ sở cho địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế biển.

Theo Hải Dương/Plo

>> xem thêm

Bình luận(0)