Vụ AIC –Nguyễn Thị Thanh Nhàn: Lộ bất cập xử lý tài sản phạm tội!?

Google News

Nhiều trường hợp cơ quan điều tra không kịp xác minh, kê biên, các bị can đã bán, chuyển nhượng, tẩu tán tài sản dẫn đến phần dân sự trong vụ án hình sự khó được thực thi.

Cựu Chủ tịch AIC không còn liên quan khu đất hơn 4.000 m2
Tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC cùng 35 bị cáo mới đây, đại diện Viện kiểm sát cho biết, quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã phong tỏa, kê biên 5 loại tài sản của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty AIC.
Căn cứ diễn biến mới tại tòa, đại diện VKSND đề nghị chỉ tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án với 6 căn chung cư tại số 83 Lý Thường Kiệt; một biệt thự rộng 452 m2 tại Nguyễn Huy Tự (Hà Nội), đều đứng tên bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Vu AIC –Nguyen Thi Thanh Nhan: Lo bat cap xu ly tai san pham toi!?
Nguyễn Thị Thanh Nhàn. 
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra xác minh lại chủ sở hữu khối tài sản gồm: 107 tỷ đã phong tỏa tại BIDV; biệt thự 357 tại Cửa Nam, do bà Nhàn nhờ bố đẻ đứng tên và 2 thửa đất rộng 4.065 m2 tại Xuân Đỉnh (Hà Nội).
Đáng chú ý, với 2 thửa đất rộng 4.065m2 tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, tại tòa, đại diện Công ty Bất động sản AIC, có mặt với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cho biết, khu đất 4.065m2 tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã không còn là của Công ty AIC hay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Cụ thể, theo ông Lê Đức Thắng, đại diện Công ty Bất động sản AIC, khu đất 4.065m2 từ lâu đã không còn là của Công ty AIC hay bà Nhàn. "Ban lãnh đạo công ty rất ngạc nhiên khi nhận được quyết định kê biên khối tài sản trên. Đây là quyết định thiếu căn cứ pháp luật. Bà Nhàn không liên quan gì đến việc sở hữu khu đất trên, Công ty AIC cũng không có quyền gì với khu đất đó", ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, năm 2009, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển nhượng dự án (xây dựng trụ sở văn phòng kết hợp bãi đỗ xe kinh doanh) trên khu đất diện tích hơn 4.000 m2 sang cho Công ty AIC. Đến năm 2010, UBND TP Hà Nội ra quyết định về việc thu hồi, giao cho Công ty AIC tiếp tục thực hiện dự án. Về sau, Công ty CP bất động sản AIC thuê lại khu đất với hình thức sử dụng đất, thuê đất trả tiền hàng năm trong thời hạn 50 năm. Đến năm 2012, Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bất động sản AIC.
Trước đây, bà Nhàn là một trong 12 cổ đông của Công ty CP bất động sản AIC. Nhưng đến tháng 4/2021, bà Nhàn cùng toàn bộ 11 cổ đông còn lại ký hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần cho ba doanh nghiệp. Do đó, thời điểm này, bà Nhàn không còn là cổ đông của công ty, không còn bất kỳ quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan, đề nghị HĐXX huỷ bỏ việc kê biên đối với khu đất để công ty tiếp tục thực hiện dự án.
Lộ nhiều bất cập trong xử lý tài sản phạm tội
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối với những vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế lớn, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội, xử lý hình sự đối với những người vi phạm pháp luật, vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ những tài sản do phạm tội mà có, sẽ làm rõ những thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội gây ra để tiến hành các biện pháp ngăn chặn như kê biên, niêm phong, phong tỏa đối với các tài sản có liên quan để đảm bảo thi hành án.
Đối với những tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc tài sản không liên quan đến tội phạm không phải là đối tượng để phong tỏa, thu giữ. Bởi vậy, việc Viện Kiểm sát đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ chủ sở hữu tài sản để áp dụng các biện pháp ngăn chặn là phù hợp với quy định pháp luật.
Nói về các tình huống pháp lý và hệ quả xung quanh việc điều tra, xác định lại chủ sở hữu của 2 thửa đất hơn 4000m2, luật sư Cường cho rằng, việc cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ chủ sử dụng đất đối với diện tích 4000 m2 đất nêu trên là cần thiết. Đất đai là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, do đó, sẽ không khó khi xác định diện tích đất trên thuộc chủ sử dụng đất nào. Cơ quan tiến hành tố tụng có thể yêu cầu các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương cung cấp các thông tin tài liệu liên quan đến nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, các giấy tờ về quyền sử dụng đất để xác định chủ sử dụng đất thực sự đối với lô đất trên.
Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào hồ sơ địa chính, căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, sổ đăng ký sử dụng đất, sổ địa chính và các giấy tờ khác có liên quan để xác định chủ sử dụng đất.
Trrường hợp có tranh chấp về quyền sử dụng đất thì có thể sẽ được giải quyết bằng thủ tục tố tụng dân sự. Việc xác định nguồn gốc đất đối với thửa đất nêu trên là rất quan trọng để xác định thửa đất trên có phải là tài sản do phạm tội mà có hay không, có liên quan đến các bị cáo hay không để xác định có đủ cơ sở để xử lý lô đất này nhằm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra hay không.
Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy lô đất này là do phạm tội mà có, hành vi có dấu hiệu của tội rửa tiền sẽ xử lý về tội danh này, nếu lô đất này là tài sản của các bị cáo, đồng thời các bị cáo phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thì lô đất này cũng có thể bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy lô đất này không có liên quan đến tội phạm, xác định được chủ sử dụng đất hợp pháp thì sẽ gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn để trả lại đất cho các chủ sở hữu hợp pháp theo quy định pháp luật.
Theo Luật sư Cường, khi giải quyết vụ án hình sự, tòa án có thể giải quyết đồng thời phần trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Có một số trường hợp vụ việc phức tạp, chưa đủ thời gian để xác minh làm rõ, tòa án cũng có thể tách phần dân sự ra giải quyết bằng vụ án dân sự khác.
Trên thực tế, biện pháp kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án đôi khi chưa được chú trọng dẫn đến công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có chưa mang lại hiệu quả tích cực, hiện tượng tẩu tán tài sản trong quá trình tố tụng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều vụ án.
Nhiều trường hợp cơ quan điều tra không kịp xác minh tài sản, chưa kịp kê biên tài sản, các bị can đã nhanh chân bán, chuyển nhượng, tẩu tán tài sản dẫn đến phần dân sự trong vụ án hình sự khó được thực thi trên thực tế.
Bởi vậy, cần có những nội dung sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về cái biên tài sản trong tố tụng hình sự để đảm bảo những tài sản do phạm tội mà có, tài sản sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, những tài sản có liên quan đến tội phạm hoặc những tài sản có thể sử dụng để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra cần phải được xác minh làm rõ kịp thời và có các biện pháp phong tỏa, kê biên, niêm phong để đảm bảo thi hành án.
Để thực hiện các biện pháp ngăn chặn tài sản nhanh chóng, có hiệu quả, đúng đối tượng, cần phải kiểm soát hơn tốt hơn tài sản trong xã hội, đặc biệt là tài sản có giá trị lớn như bất động sản, ôtô và các tài sản có đăng ký quyền sở hữu khác. Cần phải xử lý nghiêm các trường hợp nhờ người đứng tên hộ, xử lý các hành vi rửa tiền, che giấu nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có mới có thể thu hồi tài sản do phạm tội mà có một cách hiệu quả, đúng pháp luật, đúng đối tượng, đảm bảo công bằng xã hội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tài sản tham nhũng nghìn tỷ đi đâu, về đâu?

Nguồn: VGP


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)