16 vấn đề Luật Đất đai sửa đổi vẫn chưa chọn được phương án

Google News

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 16 chương và 265 điều, có 5 nội dung đã thống nhất 1 phương án, 16 vấn đề vẫn đang thiết kế từ 2- 3 phương án.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 3/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
16 van de Luat Dat dai sua doi van chua chon duoc phuong an
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QH.
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, đã bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều, sửa đổi 229 điều.
Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất…
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề, chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập 5 nội dung đã thống nhất 1 phương án, 16 vấn đề vẫn đang thiết kế từ 2 đến 3 phương án.
Trong đó, đáng chú ý, nhiều phương án mới là do Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23-10-2023 về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của người Việt Nam ở nước ngoài
Một điểm mới lần này chính là dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo ông Thanh, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước.
Phương án này thiết kế theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước) và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).
Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ, dự thảo đang thiết kế 2 phương án:
Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Cá nhân chuyển nhượng đất trồng lúa
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xin ý kiến Quốc hội về một số quy định có 3 phương án. Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa như sau:
Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.
Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.
Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nói về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6. Video do PV Tr i thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)