Bí thư Thành ủy Hà Nội nói về việc lớn của Thủ đô trong năm 2024

Google News

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, một số nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024 của thành phố là đáp ứng tiến độ dự án Vành đai 4, tiếp tục hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô...

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành cho PV VietNamNet cuộc trao đổi, chia sẻ về những định hướng lớn của Thủ đô.
Năm 2023, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, làm cách nào TP Hà Nội 'vượt khó' đứng đầu cả nước về thu nội địa và tổng thu ngân sách, lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ đồng, thưa ông?
Đúng là đến giờ phút này nhìn lại, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và toàn thể quân dân Thủ đô đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng đạt được trong năm qua thật đáng tự hào. Tình hình khó khăn thì chúng ta đều thấy, ngay cả lúc này vẫn còn rất khó khăn khi mà thế giới bất ổn, xung đột gia tăng; lạm phát, tỷ giá, nguy cơ suy thoái...
Nhưng từ kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 nên chúng ta rất vững vàng; càng khó khăn, thách thức chúng ta càng phải bình tĩnh, tự tin, sáng tạo trong xử lý công việc; phải đảm bảo Đảng lãnh đạo toàn diện, trong chỉ đạo cần có trọng tâm, trọng điểm, không ngại việc khó, việc tồn tại kéo dài.
Bi thu Thanh uy Ha Noi noi ve viec lon cua Thu do trong nam 2024
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. 
Ví dụ như trong lĩnh vực kinh tế, do tác động của tình hình thế giới nên nhiều lĩnh vực mũi nhọn không duy trì được tốc độ tăng trưởng. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Hà Nội đã tập trung mạnh phát triển mảng dịch vụ, đồng thời khơi thông nguồn lực từ văn hóa, vừa giữ gìn, phát huy giá trị trường tồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, giữ gìn truyền thống văn hóa, vừa tạo việc làm và tạo nguồn thu bền vững.
Thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực văn hóa (cùng với lĩnh vực y tế và giáo dục).
Từ khi triển khai thực hiện đến nay, hơn 1.000 công trình, dự án thuộc 3 lĩnh vực đã được hoàn thành, tạo sức bật mới cho du lịch, dịch vụ. Tới đây, thành phố quyết tâm tái hiện Điện Kính Thiên trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, triển khai xây dựng Đền thờ Ngô Quyền…
Có thể nói, chưa khi nào văn hóa, sáng tạo và dịch vụ được khơi dậy mạnh mẽ như vậy, đây thực sự là luồng gió mới thổi vào đời sống kinh tế Thủ đô. Nhờ đó, tỷ trọng ngành dịch vụ đã tăng vượt lên mức hơn 65% trong cơ cấu kinh tế; dịch vụ năm 2023 tăng 7,26% so với năm trước và đóng góp tới 4,69% trong mức tăng GRDP.
Hai năm nay, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu nội địa, đó là nguồn thu phản ánh nội lực của nền kinh tế. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mức 300.000 tỷ đồng (đạt 332.089 tỷ đồng); trong đó, thu nội địa cũng lần đầu tiên đạt mức 302.917 tỷ đồng, cao nhất cả nước.
Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố lần đầu tiên vượt mốc 400.000 tỷ đồng (đạt hơn 410.000 tỷ đồng), trong đó thu nội địa tiếp tục dẫn đầu cả nước với trên 381.000 tỷ đồng.
Một trong những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội đó là "bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm" của một bộ phận cán bộ, công chức. TP Hà Nội khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa ông?
Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” được ban hành nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết mà thực tiễn đang đặt ra không chỉ riêng ở Hà Nội.
Trước khi ban hành, Thành ủy làm rất bài bản, khoa học, bàn bạc kỹ càng từng bước, đưa ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, chia tổ thảo luận để đi đến thống nhất nhận thức. Đây cũng là cách làm mới trong ban hành chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy.
Việc đưa ra 25 biểu hiện cụ thể của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy cũng được làm rất kỹ, bảo đảm sát thực tiễn, đúng quy định của Trung ương, quan trọng là nhìn vào đó thì không chỉ cán bộ tự soi, tự sửa được, mà khi kiểm tra, giám sát cũng thuận lợi cho khâu đánh giá.
Ngay khi Chỉ thị được ban hành, cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở, tới từng chi bộ đã tổ chức học tập, nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Cuối năm, khi kiểm điểm, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cũng phải căn cứ vào 25 biểu hiện được nêu trong Chỉ thị để xem xét, đánh giá, xếp loại.
Cho nên, tác động của Chỉ thị 24 trước hết là làm thay đổi nhận thức, khắc phục tư tưởng coi thái độ qua loa, xuề xòa trong công việc là không làm sao cả.
Năm 2023, TP Hà Nội cũng đã làm nhiều việc lớn như khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô... Đến thời điểm này, những việc lớn đó có đảm bảo tiến độ đề ra không?
Có hai việc lớn phải nhắc tới. Thứ nhất, chúng ta đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đúng kế hoạch.
Vừa rồi, tôi đi kiểm tra dọc tuyến qua 7 quận, huyện ở Hà Nội và dọc tuyến qua hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, làm việc với các bên, nhìn chung tình hình tiến độ rất khả quan.
Cả 3 tỉnh, thành phố đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 93% diện tích, trong đó Hà Nội hoàn thành với tỷ lệ cao nhất - hơn 96%; cả 3 tỉnh, thành phố đều quyết tâm phấn đấu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 31/3/2024.
Bi thu Thanh uy Ha Noi noi ve viec lon cua Thu do trong nam 2024-Hinh-2
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4 dịp cuối năm 2023. Ảnh: Viết Thành 
Trên toàn tuyến đường song hành, Hà Nội đã tổ chức 32 mũi thi công, trong đó có 2 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu; Bắc Ninh, Hưng Yên cũng sẽ triển khai các mũi thi công trên toàn tuyến trong tháng 1, chậm nhất là quý I năm 2024.
Với tình hình tiến độ hiện nay, trong năm 2025 chúng ta sẽ hoàn thành đường song hành Vành đai 4.
Thứ hai, thành phố đã triển khai một bước rất quan trọng hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô với 3 nội dung lớn, đó là: Phối hợp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tháo gỡ khó khăn về thể chế; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bố trí không gian phát triển. Cả 3 nhiệm vụ này đến nay đều cho kết quả tốt.
Như vậy, chúng ta cũng có thể hình dung phần nào mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, nhất là với yêu cầu “năm sau phải hơn năm trước”. Xin ông cho biết quan điểm chỉ đạo của Thành ủy đối với nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong năm mới?
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24; tăng cường thực hành tinh thần cán bộ '7 dám' mà Tổng Bí thư và Trung ương đã chỉ đạo, đó là: Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.
Toàn hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội năm 2024, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của thành phố trong năm mới.
Theo Quang Phong/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)