Thầy giáo mầm non 12 năm bám bản hết lòng vì đàn em thơ

Google News

Làm cô giáo mầm non đã vất vả, vậy mà thầy Lê Văn Thắng lại còn là thầy giáo mầm non. Nhưng với tình yêu vô hạn, thầy Thắng đã bám bản, bám trường, vượt qua bao trở ngại hết lòng vì đàn em thơ.

Thầy giáo mầm non và những trải nghiệm “đặc biệt”
Khi nói tới giáo viên mầm non, thường ta sẽ hình dung về hình ảnh các cô giáo tươi trẻ hát hay, múa dẻo, khéo léo với các con. Thế nhưng, bao năm nay, thầy Lê Văn Thắng, hiện là giáo viên tại điểm trường thôn Lếch Mông B (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã vừa là người thầy, người cha, người mẹ dạy dỗ, chăm sóc các em nhỏ vùng cao.
Thay giao mam non 12 nam bam ban het long vi dan em tho
 Thầy Thắng và các cháu mầm non của Bản Kim A. Ảnh: Minh Tuệ.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy Nguyễn Văn Thắng cho biết, thầy sinh ra và lớn lên ở thôn Tân Việt (nay là thôn Việt Hưng), xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành Sư phạm Tiểu học, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), thầy có mong ước được làm đúng ngành nghề mình học, cũng là tình yêu ấp ủ của thầy.
Thay giao mam non 12 nam bam ban het long vi dan em tho-Hinh-2
 Những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên đã níu chân thầy giáo trẻ. Ảnh: NVCC.
Việc trở thành thầy giáo mầm non của thầy Thắng vốn không định trước. Tháng 9/2011, thầy Thắng nộp hồ sơ xin việc tại tỉnh Lào Cai và được phân công về huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa). Tuy nhiên, lúc đó, Sa Pa thiếu nhiều giáo viên mầm non nên thầy được phân công về dạy mầm non tại Trường Mầm non Thanh Kim.
“Thời điểm đó, tôi có phần hẫng hụt và cả lo lắng nữa, vì tôi vốn không phải là một người đào tạo ngành giáo viên mầm non, nhưng rồi, tôi vẫn quyết định nhận công việc mới”, thầy Thắng chia sẻ.
Thay giao mam non 12 nam bam ban het long vi dan em tho-Hinh-3
 Dòng chữ trên tường lớp ghi "Cô giáo như mẹ hiền", nhưng ở đây lại có một "thầy giáo như mẹ hiền". Ảnh: NVCC.
Dạy trẻ mầm non có nhiều khó khăn, bởi phải vừa dạy, vừa “dỗ”, người giáo viên đồng thời phải như người mẹ của các em ở nhà, với giáo viên nam, đây là một thử thách. Nhiều giai đoạn một mình phụ trách điểm trường với hơn chục học sinh, thầy Thắng tự tay chăm sóc các bé từng bữa ăn, giấc ngủ, bế bồng, dỗ dành khi em bé khóc, tự làm đồ chơi cho các em…
“Ngại nhất là phần múa hát. Dù cố gắng, nhưng có cảm giác nam giới vẫn không thể mềm dẻo, khéo léo được như các cô giáo. Thế nhưng, bù lại tôi lại được các em rất yêu quý, dường như không có khoảng cách giữa thầy và trò, kể cả với các em chỉ mới 2 tuổi”, thầy Thắng tâm sự.
Có được điều đó, là bởi trong thầy có một tình yêu vô hạn với các em, thầy Thắng đã coi các em như những đứa con của mình. Lúc mới lên dạy các em, thầy Thắng mới chỉ biết nói tiếng Kinh, trong khi nhiều em nhỏ vẫn nói tiếng Mông, Dao, Tày… chưa nói được tiếng phổ thông. Thầy Thắng đã phải học tiếng của đồng bào để giao tiếp tốt hơn với các em.
Thay giao mam non 12 nam bam ban het long vi dan em tho-Hinh-4
 Thầy Thắng chơi với các em nhỏ. Ảnh: NVCC.
Nhiều lúc thầy đã hóa thân, đóng vai chơi với các em. Thậm chí, với những bé ở tuổi đi nhà trẻ chưa hiểu được tiếng của thầy, nhưng qua những cách thức diễn đạt khác nhau, thầy Thắng vẫn khiến trẻ hiểu được điều thầy muốn nói.
Lớp học của thầy Thắng đủ cung bậc cảm xúc, có cả tiếng khóc của trẻ khi chưa quen lớp, nhưng cũng rộn rã biết bao tiếng cười. Học sinh, phụ huynh đều yêu quý người thầy giáo nhiệt tình, tận tâm với nghề. Từ lúc đến với nghề thầy giáo mầm non là do “số phận đưa đẩy”, thì giờ, thầy đã gắn bó, yêu công việc của mình.
Năm 2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa có thông báo thi chuyển ngạch giáo viên tiểu học đang dạy ở mầm non về đúng vị trí công tác, thế nhưng, thầy Thắng đã từ chối cơ hội này. Gắn bó lâu với các em mầm non, chứng kiến những vất vả, khó khăn của bà con, thầy không nỡ và không thể rời xa.
Quyết định gắn bó với nghề, năm 2017, thầy Thắng đã học trung cấp Sư phạm mầm non, Khoa Sư phạm mầm non, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) phân hiệu tại Lào Cai. Sau khi tốt nghiệp, thầy đã tiếp tục học lên trình độ đại học, và đã tốt nghiệp vào tháng 10 vừa rồi.

Một giờ lên lớp của thầy Lê Văn Thắng tại trường.


Những ân tình níu giữ 
Thầy giáo Lê Văn Thắng chia sẻ, 12 năm gắn bó với công việc của một thầy giáo mầm non bám bản, kỷ niệm rất nhiều. Tình cảm của bà con đối với thầy giáo mộc mạc mà chân tình, xúc động. Hình ảnh những người dân cầm túi sắn, rổ khoai… đứng bên đường chờ để tặng thầy giáo đã in sâu vào trái tim người thầy yêu trẻ.
Thay giao mam non 12 nam bam ban het long vi dan em tho-Hinh-5
Những con đường gập ghềnh nhưng chứa nặng bao ân tình. Ảnh: NVCC
Đặc biệt, có một kỷ niệm thầy Thắng không bao giờ quên được. Thời điểm đó, thầy công tác tại điểm trường bản Kim A – ngôi trường đầu tiên khi thầy làm giáo viên mầm non - vì bị cảm nên thầy phải ở lại trường qua đêm. Trong tình thế ngặt nghèo, đồng bào người Dao đỏ đã cứu chữa cho thầy bằng phương pháp cổ truyển.
Sau này, khi thầy Thắng chuyển công tác sang điểm trường khác, nhiều phụ huynh tại bản Kim A đến gặp Ban Giám hiệu nhà trường, xin thầy về lại trường dạy học. “Tôi biết ơn, nợ ân tình của bà con”, thầy Thắng chia sẻ.
Một động lực đặc biệt nữa khiến thầy gắn bó với nghề, với bà con vùng cao, đó là người bạn đời của thầy Thắng cũng là một giáo viên mầm non. Thấu hiểu nhau trong công việc, chung một tình yêu với trẻ thơ, hai vợ chồng thầy Thắng động viên nhau vượt qua khó khăn.
Thay giao mam non 12 nam bam ban het long vi dan em tho-Hinh-6
 Các em nhỏ ở điểm trường Lếch Mông B. Ảnh: NVCC.
Khi chuyển sang điểm trường Lếch Mông B – điểm trường có nhiều khó khăn, so với các bản khác trong xã, thầy Thắng đã kết nối, kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm trao quà, xây dựng điểm trường khang trang… để các em bé Lếch Mông B không bị thiệt thòi so với các bạn.
Thay giao mam non 12 nam bam ban het long vi dan em tho-Hinh-7
Thầy Thắng nhiều lần xin tài trợ cho các em nhỏ. Ảnh: NVCC.
Thầy Thắng cũng bắt đầu ngôn ngữ của bà con Lếch Mông B tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ 3-4-5 tuổi tại lớp mẫu giáo ghép.
Với những nỗ lực của mình, năm học này, thầy Thắng nhận Bằng khen “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” và là 1 trong 58 giáo viên xuất sắc được Trung ương Đoàn tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.
Thay giao mam non 12 nam bam ban het long vi dan em tho-Hinh-8
 Thầy giáo Lê Văn Thắng tại buổi gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: Mai Loan.
Khi được hỏi về mong ước, thầy Thắng nói, chỉ mong có được sức khỏe để tiếp tục thực hiện công việc giáo viên mầm non của mình, chăm sóc các em nhỏ. “Tôi nhận được lời chúc có thêm nhiều sức khỏe hơn nữa để cùng người bạn đời bước tiếp chặng đường còn lại, truyền đạt tri thức cho các em", thầy Thắng chia sẻ.

Trong suốt 12 năm gắn bó với công việc của thầy giáo mầm non, thầy Thắng đã 5 lần chuyển trường. Mỗi lần như vậy, gia đình thầy lại phải chuyển chỗ ở theo. Hiện cả nhà thầy, gồm vợ chồng, 2 con và 1 cháu đang sống nhờ nhà công vụ của trường. Ở quê, thầy Thắng còn người mẹ già 75 tuổi đang bị di chứng của tai biến. Vợ chồng thầy chỉ mong sớm có đủ điều kiện xây gian nhà nhỏ để có thể đón mẹ già lên ở cùng, phụng dưỡng. 

 
Mời quý độc giả xem video: thầy Lê Văn Thắng, giáo viên tại điểm trường thôn Lếch Mông B (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) chia sẻ về ước mơ của mình. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)