Thu phí nắng nóng và những lần Grab khiến dư luận bức xúc

Google News

Trước khi Grab thu phụ phí nắng nóng, nhiều khách hàng và tài xế từng bức xúc việc hãng đột ngột tăng giá cước và mức chiết khấu.

Vừa qua, thông tin hãng xe công nghệ Grab áp dụng chính sách phụ phí “thời tiết nắng nóng” khiến nhiều người dùng và tài xế bức xúc.
Grab thu phụ phí nắng nóng: Người dùng bất bình
Theo đó, chính sách phụ phí thời tiết nắng nóng được Grab áp dụng từ ngày 6/7 tại Hà Nội và TP HCM. Cụ thể, khi sử dụng một trong các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabMart, khách hàng sẽ phải trả thêm khoản phụ phí 5.000 đồng. Riêng đối với dịch vụ GrabExpress, mức phụ thu là 3.000 đồng mỗi đơn hàng.
Không chỉ ở Hà Nội, TP HCM, tại các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, phụ phí thu thêm là 5.000 đồng đối với dịch vụ GrabBike và GrabFood.
Thu phi nang nong va nhung lan Grab khien du luan buc xuc
 Grab thu phụ phí nắng nóng khiến người tiêu dùng bất bình. Ảnh: Zing
Grab cho biết chính sách mới này được đưa ra nhằm hỗ trợ các tài xế thực hiện đơn hàng. Tuy nhiên, chính sách này của Grab nhận nhiều chỉ trích từ tài xế và khách hàng do không nêu rõ ràng tiêu chí xác định nắng nóng gay gắt và liệu Grab có thu chiết khấu đối với khoản thưởng này hay không.
Sau 5 ngày kể từ ngày ra mắt chính sách mới, hãng xe công nghệ vẫn chưa có bất cứ động thái giải thích cụ thể nào.
Liên quan đến chính sách kể trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu bao gồm danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí, phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Grab khiến dư luận bức xúc.
Khách hàng, tài xế bức xúc khi Grab tăng giá cước và mức chiết khấu
Năm 2020, Grab bất ngờ tăng giá cước từ 5/12 khiến cả tài xế và người dùng không khỏi bức xúc. Thời điểm đó, việc tăng giá cước của Grab khiến phần lớn khách hàng không đồng tình, nhất là những khách sử dụng GrabCar. Không ít người đã so sánh dịch vụ này với taxi truyền thống và khẳng định GrabCar không hề rẻ hơn, sau mỗi lần ứng dụng này tăng cước và thu phụ phí.
Đỉnh điểm vào sáng 7/12/2020, hàng trăm tài xế GrabBike tập trung "quây" văn phòng của doanh nghiệp này trên phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), phản đối mức khấu trừ vừa được nâng lên sau khi Grab tăng giá cước với khách hàng và tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe với tài xế, bắt đầu từ 5/12. Hầu hết tài xế đều tắt ứng dụng, đình công, không nhận khách trong sáng nay.
Thu phi nang nong va nhung lan Grab khien du luan buc xuc-Hinh-2
 Các tài xế GrabBike vây kín trước cửa trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân. Ảnh: VTCNews
Càng về trưa, lượng tài xế kéo về trụ sở Grab càng đông khiến công an phải huy động lực lượng đến hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự.
Trước đó, vào tháng 8/2019, hàng trăm tài xế GrabBike đình công tập thể, tập trung trước cửa văn phòng của Grab tại TP HCM để phản đối chính sách thu hộ thuế thu nhập cá nhân mà nhóm tài xế cho rằng còn nhiều điểm chưa minh bạch.
Khi đó, đại diện Grab đã phải làm việc với các tài xế, giải đáp thắc mắc của đối tác. Do quá đông tài xế GrabBike tập trung tại một chỗ, có nguy cơ mất an ninh trật tự, công an khu vực đã phải có mặt để đảm bảo, phối hợp với Grab giải quyết vấn đề.
Tháng 1/2018, rất đông đối tác của Grab đã tập trung trước tòa nhà Kim Ánh (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi có văn phòng của Grab, để phản đối việc hãng này đơn phương nâng mức chiết khấu.
Phía Grab sau đó đã mời một số tài xế đại diện lên văn phòng để trao đổi nhằm "hạ hỏa" đám đông.

Video: Nhiều tài xế công nghệ phản đối tăng chiết khấu, Grab lên tiếng. Nguồn: VTV24


Hoàng Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)