Tổng thu NSNN ước đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng tăng 4,5% so dự toán

Google News

Chiều ngày 27/12, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2023. Năm 2023 Bộ Tài chính đã điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội...

Tong thu NSNN uoc dat 1.693,5 nghin ty dong tang 4,5% so du toan
  Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách nhà nước năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. 
Tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, măm 2023, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự hồi phục và đà tăng trưởng kinh tế trong nước. Tuy nhiên, cùng với tập trung thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, Bộ Tài chính đã thực hiện điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu tăng thu, quản lý chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi NSNN.
Về thu NSNN, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, đề xuất, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình cấp thẩm quyền ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023 với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng, (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng). Trong đó trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm 2% thuế GTGT (từ 10% xuống 8%) để hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, làm tác động giảm thu NSNN dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
Nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện thu NSNN đến ngày 25/12/2023 đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán (NSTW tăng 4,6%; NSĐP tăng 4,4% so dự toán); trong đó, thu nội địa tăng 5,7%, thu dầu thô đạt tăng 44,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán. Tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (trong đó: miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng). Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu trong những ngày còn lại của năm, phấn đấu thu đạt mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán, dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Về chi NSNN, ước đến ngày 31/12/2023, chi NSNN đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022. Chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán, đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đến hạn, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2023 (đã dành khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Cân đối NSTW và ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm, góp phần bù đắp bội chi và trả nợ các khoản nợ gốc NSTW đến hạn.
Tăng cường kiểm soát nợ công, tháo gỡ khó khăn cho DN
Năm 2023, cả 03 tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đều đánh giá triển vọng dài hạn của Việt Nam ở mức tích cực, trong đó Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn từ mức BB lên mức BB+ “Triển vọng ổn định”; S&P, Moody’s giữ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (tương ứng là BB+ “Triển vọng ổn định”; Ba2 “Triển vọng tích cực”). Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.
Tong thu NSNN uoc dat 1.693,5 nghin ty dong tang 4,5% so du toan-Hinh-2
 Các đại biểu tham gia phát biểu trực tuyến tại Hội nghị.
Năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo các nghị quyết Quốc hội. Dự báo, tình hình kinh tế thế giới có nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 còn nhiều thách thức.
Dự toán thu NSNN năm 2024 được Quốc hội giao là 1,7 triệu tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm 84,9%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12%. Dự toán chi NSNN là 2,12 triệu tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 32%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 55,5%. Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành, giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, kiểm soát trong phạm vi cho phép, CPI 11 tháng tăng 3,2%, lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Ước tính cả năm CPI tăng khoảng 3,5% (mục tiêu khoảng 4,5%).
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.
Đến 25/12/2023, đã có 78 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022); khối lượng mua lại trước hạn là 230,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022. Cơ cấu nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 93,2% (trong đó các ngân hàng thương mại chiếm 54,5%), các nhà đầu tư cá nhân mua 6,8%.
Tuy nhiên công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn năm 2023 chậm. Tính đến 25/12/2023, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn tại 12 đơn vị với giá trị 65,2 tỷ đồng, thu về 229 tỷ đồng.
Về xây dựng Chính phủ điện tử: Đến ngày 25/12/2023, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 774, trong đó 367 DVCTT toàn trình, 127 DVCTT một phần và 280 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đã tích hợp 284 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia; xử lý trên 15 triệu hồ sơ của 922 nghìn doanh nghiệp tham gia hệ thống khai thuế điện tử (đạt 99,95%); xây dựng phần mềm quản lý hóa đơn, phát hiện hóa đơn giả, tăng cường quản lý hóa đơn đối với các hoạt động kinh doanh xăng dầu, khách sạn, nhà hàng,…; đã có 38,3 nghìn doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.
Năm 2024, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, các mục tiêu về tài chính - NSNN, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương. Bộ Tài chính đã đưa ra 11 giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024.
Tuyết Vân

>> xem thêm

Bình luận(0)