Anh Nguyễn Đức Trung: Gieo niềm tin cho người tự kỷ

Google News

Anh Nguyễn Đức Trung, Giám đốc điều hành Dự án Các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ chia sẻ, từ trăn trở của mình, anh muốn lan tỏa, gieo niềm tin cho người tự kỷ và những gia đình có người tự kỷ.

Ở giữa Thủ đô Hà Nội, có một nơi làm việc đặc biệt dành cho người tự kỷ, đó là VAPs (Vietnam’s Autism Projects). Với chuỗi dịch vụ như Nhà hàng VAPs, VAPs Mart, Giặt ủi VAPs, Vietnam’s Autism Projects, VAPs đã vừa là nơi làm việc, vừa là mái nhà của người tự kỷ trong 7 năm qua, kể từ khi thành lập năm 2019.
Anh Nguyen Duc Trung: Gieo niem tin cho nguoi tu ky
 Anh Nguyễn Đức Trung (áo đen), Giám đốc điều hành Dự án Các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam (Vietnam’s Autism Projects) 
Công ty đặc biệt của người tự kỷ
Đúng 8h sáng, như bao cơ quan, công sở khác, VAPs (Vietnam’s Autism Projects) có địa chỉ tại đường Mai Anh Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) lại bắt đầu một ngày mới. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở nơi này, đó là được vận hành bởi những người tự kỷ.
Bởi vậy, sự phục vụ ở đây cũng có những khác biệt: Những câu chào ngọng nghịu, nhiều động tác vụng về… Thế nhưng, tất cả đều toát lên sự chân thành, trong trẻo. Nhất là thần thái trên gương mặt của người tự kỷ, một sự thuần khiết, an yên. Chính vì thế, thay vì đem tới sự khó chịu cho khách hàng, lại là những cảm xúc thật tươi mới, vui vẻ, nguồn năng lượng tích cực.
Anh Nguyen Duc Trung: Gieo niem tin cho nguoi tu ky-Hinh-2
Khách hàng được nhận những cảm xúc thật tươi mới, vui vẻ, nguồn năng lượng tích cực khi đến quán của những người tự kỷ.
Khách hàng đến đây cảm thấy như được lạc vào một thế giới khác – nơi không hề có sự bon chen, so đo, tính toán. Sự thiếu hụt về khả năng nhận thức, giao tiếp và kỹ năng xã hội vốn là điểm yếu của người tự kỷ lại trở thành lợi thế.
“Vừa vào quán, các bạn nhân viên cất tiếng chào rất lớn, rất nồng nhiệt. Cảm xúc ấy mình không có được khi vào một nơi khác”, chị Phương Linh, một khách hàng đến Vietnam’s Autism Project để ăn trưa chia sẻ.
Anh Nguyen Duc Trung: Gieo niem tin cho nguoi tu ky-Hinh-3
 Dường như có một thế giới khác với những nụ cười thuần khiết nơi đây.
Còn đối với những gia đình có con đang bị tự kỷ, những trải nghiệm tại Vietnam’s Autism Projects đã tác động nhiều tới xúc cảm, nhận thức, niềm tin của họ đối với người tự kỷ.
Chị Vân Trang (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, có con bị tự kỷ, trước đây chị hay cảm thấy buồn và so sánh với con mình với con nhà người khác. Tuy nhiên, sau khi đến Vietnam’s Autism Project, chị đã thay đổi suy nghĩ. Chị chấp nhận, hỗ trợ con một cách tốt nhất. Và khi đã cố gắng, kết quả thế nào cũng vui, để cuộc sống thật nhẹ nhàng, hạnh phúc với cả con và chính bản thân mình.
Muốn nhân bản mô hình kinh tế cho người tự kỷ
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, anh Nguyễn Đức Trung (sinh năm 1985, quê Hà Nam), Giám đốc điều hành Dự án Các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam VAPs (Vietnam’s Autism Projects) chia sẻ, chúng ta đang có nhiều hỗ trợ, can thiệp về y tế, giáo dục đối với trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, mảng về lao động, hướng nghiệp đang bị bỏ trống. Vì để người tự kỷ tham gia được lao động cần một chuỗi mắt xích, từ lúc còn nhỏ, chứ không phải đến khi lớn, trưởng thành muốn là đi làm.
“Ví dụ ở chỗ tôi, có bạn 20 tuổi, xác định đầu vào chưa biết gì, phải “làm lại” từ quá khứ. Tôi tự hỏi, sao mình không cố gắng làm một mô hình để lan tỏa niềm tin cho phụ huynh? Nhiều phụ huynh không tin sau này con mình làm được gì khi sinh hoạt bình thường vẫn chưa làm nổi, nói gì tới đi làm, mà không biết rằng, các bạn hoàn toàn có thể tạo ra được giá trị cho xã hội”, anh Trung chia sẻ.
Anh Nguyen Duc Trung: Gieo niem tin cho nguoi tu ky-Hinh-4
 Những người tự kỷ có thể làm việc, cống hiến, hoàn toàn có thể tạo ra được giá trị cho xã hội
Từ những trăn trở đó, anh Trung đã bắt đầu làm dự án với mong muốn giải quyết vấn đề tâm lý cho phụ huynh. Với việc có nhiều niềm tin hơn khi đến mô hình này trải nghiệm, họ sẽ gieo niềm tin cho các con, và đầu tư, hỗ trợ con về mặt giáo dục. Hoặc họ sẽ có nhiều năng lượng hơn để giúp con cả một chặng đường dài trương tương lai.
Ngoài ra, ở góc độ doanh nghiệp, anh Trung mong muốn, khi thấy mô hình này thành công, các CEO có niềm tin khi có cơ sở để xây dựng một chương trình nghề nghiệp cho người tự kỷ tại Việt Nam. Bởi nhiều người có cơ sở vật chất, có điều kiện, và có ý muốn giúp đỡ nhưng không biết làm thế nào. Bởi để giúp đỡ, chúng ta phải hiểu được người giúp đỡ, chứ không phải đơn thuần cho tiền hay ủng hộ.
Anh Trung cho biết, mục tiêu của Công ty là nhân bản các mô hình kinh tế vừa và nhỏ cho các gia đình có con tự kỷ học và làm theo giúp con trên khắp cả nước. Ngoài ra, giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở để xây dựng các chương trình nghề nghiệp ở doanh nghiệp họ. Chẳng hạn, ở siêu thị, chuỗi cà phê, hiệu sách…
“Mỗi doanh nghiệp chỉ giúp 1 – 2 người thôi đã giải quyết được bài toán lực lượng lao động cho người tự kỷ. Từ đó, giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Chúng ta chỉ hay nói tới các mô hình giáo dục, nhưng tại sao không nói tới mô hình kinh tế cho các bạn khuyết tật, tham gia với người bình thường? Chúng tôi đang cố gắng thay đổi cách làm thiện nguyện ở Việt Nam, cũng như trong sự giúp đỡ với người yếu thế”, anh Trung nói.
Chỉ tiêu kinh doanh là… hạnh phúc
Theo anh Nguyễn Đức Trung, lợi thế của người tự kỷ là sự thuần khiết, an yên, chăm chỉ, làm việc rất tập trung, cũng không có sự cả thèm, chóng chán. Họ chọn nơi làm việc với tiêu chí đầu tiên là hạnh phúc, nên đòi hỏi môi trường làm việc, đồng nghiệp, người đứng đầu phải thấu cảm, hiểu những điều các bạn có và không có. Điều đó hoàn toàn khác với nơi chọn những người giỏi để tạo ra những giá trị lớn.
“Cũng chính vì vậy, chúng tôi chọn con số chỉ tiêu là hạnh phúc. Trước khi nghĩ đến việc đào tạo hay cho người tự kỷ tham gia về mặt lao động, thì phải nghĩ tạo được môi trường thỏa mãn mong muốn về hạnh phúc”, anh Trung chia sẻ.
Anh Nguyen Duc Trung: Gieo niem tin cho nguoi tu ky-Hinh-5
 Nhà hàng hạnh phúc.
Để đào tạo được người tự kỷ, anh Trung cho biết, cần sự kiên trì và phải đào tạo từng cá nhân, chứ không thể đào tạo 2 người cùng một lúc. Anh từng mất tới 9 tháng chỉ để tìm hiểu về một bạn tự kỷ khi có ý định dạy bạn này trở thành nhân viên. Nếu không có cái “tâm” chắc không thể tìm được lời giải.
Anh tự thấy, giữa anh và các bạn tự kỷ có mẫu số chung là trái tim, tình yêu thương nên anh mới đào tạo được các bạn ấy từ con số 0 trở thành nhân viên nhà hàng, quầy sách và siêu thị.
Người tự kỷ có đặc điểm chung là tư duy theo kiểu dập khuôn. Muốn họ làm việc nào đó, người dẫn dắt phải làm việc theo theo một chu trình lặp lại để họ làm theo. Tại Vietnam’s Autism Project, dù đã hoạt động khá lâu, song đến nay anh vẫn tiếp tục phải đào tạo.
Anh Nguyen Duc Trung: Gieo niem tin cho nguoi tu ky-Hinh-6
 Nụ cười an nhiên.
Anh vẫn nói vui, anh làm việc như một robot để các bạn làm theo. Chẳng hạn, ở công ty, nhà có 3 tầng nhưng có 4 cái chổi, 4 cái lau nhà, 80 cái bút. Tất cả được chia đều cho các tầng, cái nào để ở đâu thì cố định ở đó. Vì các bạn tự kỷ không có khái niệm ai dùng trước, ai dùng sau.
“Tôi vẫn đang tiếp tục làm tốt nhất những gì có thể, hoàn thiện mô hình này, sau đó sẽ lan tỏa để các gia đình và doanh nghiệp cùng làm để giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Các bạn tự kỷ không có khả năng hòa nhập chủ động. Chỉ có cách dẫn dắt các bạn tự kỷ vào thế giới của chúng ta, giúp cho họ hiểu thế giới của chúng ta thì họ mới có thể hòa nhập được”, anh Trung thổ lộ.

Anh Trung chia sẻ, bản thân anh cũng xác định ngưỡng chỉ số hạnh phúc của mình, đó là thời gian, sức khỏe, tiền bạc, nhu cầu… Khi có ngưỡng sẽ không bị đòi hỏi cao, áp lực… Trong quá trình làm gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh luôn tự nhủ, dù chọn hay có duyên với lĩnh vực nào, thì điều quan trọng là cảm thấy vui và an yên, khi đó giúp mình có năng lượng để vượt qua khó khăn.

 
Mời quý độc giả xem video: Niềm vui của các em nhỏ vùng cao khi được xem phim hoạt hình từ "rạp chiếu phim di động" . Nguồn: NVCC.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)