Số phận của những chiếc xe tăng Char B1 trong tay người Đức

Google News

Là niềm tự hào của quân đội Pháp, được kì vọng sẽ đủ sức đối đầu với những chiếc Panzer của Đức nhưng Char B1 lại có cái kết đáng buồn.

Trong cuộc chiến nước Pháp năm 1940, quân đội Đức đã thu được nhiều xe tăng của Pháp và đã cố gắng đưa những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm đó vào biên chế để làm tăng sức mạnh lực lượng thiết giáp của Lục quân Đức (Wehrmacht). Tuy nhiên, nếu xe tăng Tiệp Khắc (nhất là loại Pz-38) phù hợp hoàn toàn với hệ thống xe tăng Đức thì xe tăng Pháp không phù hợp chút nào. Thậm chí chiếc S-35, xe tăng tốt nhất của Pháp thời đó, cũng bị người Đức cho là không phù hợp với vai trò xe tăng tiền tuyến. Nó vẫn được sử dụng trong chiến đấu nhưng không phải trong đội hình các sư đoàn panzer.

So phan cua nhung chiec xe tang Char B1 trong tay nguoi Duc
Xe tăng Char B1. Ảnh: Military.

Đặc biệt, đối với xe tăng Char B1 và Char B1 bis (mà Đức gọi là Pz.Kpfw. B2) lại càng khó sử dụng hơn. Người Đức cho rằng xe có bộ giáp dày nhưng chậm chạp, khẩu pháo 75mm đặt trên thân xe phía trước không có tác dụng nhiều, tháp pháo chỉ chứa được 1 người làm khó khăn cho người chỉ huy. Do không thể sử dụng xe tăng Pháp trong vai trò như một chiếc xe tăng tuyến đầu bình thường, người Đức tìm cách sử dụng nó theo cách khác.

Giải pháp đơn giản và hợp lý nhất là chuyển nó thành xe tăng phun lửa. Vấn đề chuyển đổi đã được Hitler đưa ra trong cuộc họp với đại diện của Daimler-Benz vào tháng 3/1941. Những thay đổi chỉ ở mức tối thiểu: pháo 75 mm bị loại bỏ và thay thế bằng súng phun lửa có góc di động 90 độ sang trái hoặc phải. Điện đài của Pháp được thay thế bằng điện đài của Đức, bổ sung thêm một cột ăng-ten. Thùng nhiên liệu cho súng phun lửa được lắp đặt bên trong xe hoặc sau xe.

Hai tiểu đoàn xe tăng phun lửa Pz.Kpfw B2 đã tham chiến trên mặt trận phía Đông, từ tháng 6/1941 đến tháng 3/1943, họ đã tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó có trận Sevastopol ở Crimea. Nhìn chung, sự thể hiện của chúng trên chiến trường không có gì nổi bật, các tổ lái phải dành nhiều thời gian khắc phục những lỗi kỹ thuật của loại sản phẩm “Pháp lai Đức” này.

So phan cua nhung chiec xe tang Char B1 trong tay nguoi Duc-Hinh-2
Xe tăng phun lửa Pz.Kpfw B2. Ảnh: Military.

Tại mặt trận phía Tây, xe phun lửa Pz.Kpfw B2 thường tham chiến ở cấp đại đội cùng với các xe tăng Char B1 (chưa chuyển đổi thành xe phun lửa) chống lại lực lượng Đồng minh ở Pháp và Hà Lan, kể cả ở Normandy.

Char B1 cũng được người Đức chuyển đổi thành pháo tự hành. Công việc này được giao cho hãng Rheinmetall-Borsig là hãng có kinh nghiệm biến khung gầm kém thành pháo tự hành tốt. Người ta tháo pháo 75 mm khỏi thân xe, tháp pháo và bệ tháp pháo cũng vậy. Thay vào đó, một cabin hình lục giác đã được lắp đặt, đủ rộng để có thể chứa 5 người. Khoang xe chứa một khẩu lựu pháo leFH 18M. Xe có ký hiệu 10,5 cm leFH 18/3 (Sf.) auf GW B2 (lựu pháo tự hành 18/3, 105 mm trên khung gầm B2).

So phan cua nhung chiec xe tang Char B1 trong tay nguoi Duc-Hinh-3
 Lựu pháo tự hành 18/3, 105 mm trên khung gầm B2, Ảnh: Military.

Do sự chậm trễ, mãi đến tháng 1/1942, người ta mới bắt đầu sản xuất 10,5 cm leFH 18/3 (Sf.) auf GW B2. 15 khẩu pháo tự hành loại này đã được gửi đến để trang bị cho Sư đoàn xe tăng 26 tại nước Pháp bị chiếm đóng. Không có thông tin về hoạt động của những khẩu pháo tự hành này.

Vào tháng 5/1943, Sư đoàn xe tăng 26 được tái trang bị pháo tự hành Waspe. Những chiếc xe này có cùng loại pháo, nhưng thiết kế tốt hơn nhiều. Còn những khẩu 10,5 cm leFH 18/3 (Sf.) auf GW B2 sau đó bị chuyển đến đảo Sardinia (Italya), nơi Sư đoàn Panzergrenadier 90 được thành lập vào ngày 6/7/1943. Tại đây, chúng được đưa vào Trung đoàn Pháo binh 190. Từ đó không ai biết gì về số phận của chúng.

Lê Quang

>> xem thêm

Bình luận(0)