Anh Hồ Hoàng Liêm: Người “cõng” ước mơ lên núi

Google News

“Trước đây, các em cứ nghĩ cuộc sống trên núi là cả thế giới nhưng rồi các em mới biết, thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào, và có khát khao bay xa”, anh Hồ Hoàng Liêm chia sẻ về lý do "cõng" ước mơ lên núi.

Nhìn những chiếc đèn Trung thu bừng sáng trong đêm núi rừng tối đen như mực và nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ, anh Hồ Hoàng Liêm, Chủ nhiệm CLB Nụ cười hồng Đà Nẵng đã lặng đi xúc động, như gặp lại tuổi thơ của mình.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui
"Rạp chiếu phim" di động trên núi, đã mở ra cho các em nhỏ cái nhìn về thế giới rộng lớn bên ngoài, chắp cảnh ước mơ. Ảnh: NVCC.
“Cõng” điện lên núi, đưa “rạp chiếu phim” về các bản làng, nấu những bữa ăn có thịt… hơn chục năm qua, anh Hồ Hoàng Liêm, người được các em nhỏ trìu mến gọi bằng cái tên “ông vua đồ chơi” và các thành viên CLB Nụ cười hồng Đà Nẵng đã mang tới nhiều món quà ý nghĩa cho các bà con ở vùng núi xa xôi. Đặc biệt, anh đã nhen nhóm lên trong các em tình yêu đối với học tập và ước mơ, khát vọng bay ra khỏi những triền núi quê nhà, đến với thế giới bao la, rộng lớn ngoài kia.
Niềm xúc động của “ông vua đồ chơi”
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, anh Hồ Hoàng Liêm cho biết, anh vừa đi làm chương trình Trung thu cho các bé ở điểm trường số 1 Thôn 3A xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đây là một xã thuộc vùng sâu, đường đi khó, cách trở. Nghe nói, nhiều đoàn thiện nguyện muốn lên từ thiện nhưng vì đường sá khó khăn quá nên bỏ cuộc giữa chừng. Thấy vậy, anh Liêm và nhóm càng quyết tâm thực hiện.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-2
 Những khó khăn càng làm đoàn thiện nguyện thêm quyết tâm. Ảnh: NVCC.
Cả đoàn đi từ 5 giờ sáng bằng xe bus, rồi trung chuyển bằng xe ben lên lưng chừng núi. Mưa rất to, ngồi trên thùng xe ben chỉ lo hàng hóa bị ướt. Khi xe không đi tiếp được nữa, cả đoàn xuống cõng hàng đi bộ leo núi, gần 3 tiếng thì lên tới nơi.
Món quà đem đến với các bé xã Trà Vinh của huyện Nam Trà My - nơi không có điện lưới, không có sóng điện thoại - gồm rất nhiều thứ, trong đó, không thể thiếu đồ chơi, lồng đèn, bánh Trung thu… để các em được biết tới Trung thu như bao trẻ em khác.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-3
 Niềm vui thuần khiết, trong trẻo, rạng rỡ trên gương mặt các em nhỏ.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-4
 Những đồ chơi luôn làm các em nhỏ thích thú.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-5
 
“Hẹn các em tầm 3 giờ chiều, nhưng phải đến tầm 4-5 giờ chiều chúng tôi mới đến được, vì mưa quá to. Lúc leo núi đuối quá, nhưng tới khi gặp các em nhỏ vẫn kiên nhẫn đợi mình, vỡ òa niềm vui khi đoàn tới, tất cả quên hết mệt mỏi.
Trong bóng đêm tối đen như mực của núi rừng, những chiếc lồng đèn trung thu chạy bằng pin (không dám thắp nến bởi nhà của đồng bào chủ yếu bằng gỗ, rơm rạ…) trên tay các em nhỏ sáng lung linh. Niềm vui thuần khiết, trong trẻo, rạng rỡ được thắp lên. Phụ huynh và học sinh vui như hội. Tôi xúc động như gặp lại tuổi thơ của chính mình”, anh Liêm chia sẻ.
Ngoài quà Trung thu, nhóm còn đem tới các đồ dùng học tập, cặp sách… Đặc biệt, như bao chuyến thiện nguyện khác, đoàn mang tới bữa ăn có thịt. Đồ ăn được nhóm nấu từ nhà, cô đặc, rồi đông đá để dễ vận chuyển, kể cả có bị té ngã, rơi cũng không sao. Khi lên tới nơi thì cho vào nồi, bỏ vào nước sôi nấu lên là được. Trứng cũng được đánh đều, cấp đông hoặc luộc chín.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-6
 Những bữa ăn có thịt lúc nào cũng đặc biệt. Ảnh: NVCC.
“Bữa ăn có thịt lúc nào cũng đặc biệt. Phụ huynh bên ngoài chứng kiến các con ăn ngon, họ vui lắm. Có bé chỉ ăn một ít để đem về, có khi còn một chút nước lèo trong tô cũng đem về. Hỏi ra mới biết là đem về cho em ở nhà, thương lắm”, anh Liêm xúc động.
“Cõng” điện đến các bản làng
Hơn chục năm làm thiện nguyện, anh Hồ Hoàng Liêm chia sẻ, điều hạnh phúc nhất là đem những điều mới mẻ, hỗ trợ để bà con có cuộc sống tốt hơn.
Ở nhiều bản làng xa xôi, đồng bào chỉ dùng điện từ suối, chập chờn, không đủ ánh sáng sinh hoạt và cho các em nhỏ học tập. Chứng khiến điều kiện sống khó khăn đó, anh Liêm đã ấp ủ kế hoạch “cõng" điện lên bản.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-7
Những tấm pin năng lượng mặt trời đã mang điện và bao niềm vui tới cho bà con. 
Với quyết tâm cao, năm 2016, anh Liêm cùng những người bạn vượt núi, băng rừng đưa pin năng lượng mặt trời lên lắp đặt tại một số điểm trường để các thầy cô và học trò có đủ ánh sáng cho việc dạy và học.
“Kỷ niệm sâu sắc nhất, mà thực ra là ám ảnh nhất là chuyến đi đưa 4 tấm pin năng lượng mặt trời nặng khoảng 100kg lên thôn 5, xã Trà Don, huyện Nam Trà My. Vượt qua 4 ngọn núi, đường toàn đồi dốc phải leo trèo, chuyến đi kéo dài tới 19 tiếng. Lần đầu nhìn thấy ánh điện sáng trưng giữa núi rừng, nhiều người cứ đứng ngây ra nhìn, có người lại khóc vì quá sung sướng”, Anh Liêm kể.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-8
Cả một thế giới rộng lớn mở ra với "rạp chiếu phim di động". 
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-9
 Những gương mặt thơ ngây, những đôi mắt to tròn trước những điều mới lạ được xem.
Chuyến đi đó, anh Liêm và những người bạn còn mang theo 1 chiếc tivi cỡ lớn và chảo thu sóng truyền hình để mở cho bà con xem. Khi ánh đèn sáng lên, những “rạp chiếu phim di động” được dựng lên, cả trăm người tới xem, nhiều người già, trẻ nhỏ lần đầu được xem sóng truyền hình, xem các bộ phim… Một thế giới rộng lớn mới mở ra với những người dân xã Trà Don, huyện Nam Trà My hôm đó. Nhìn niềm vui rạng ngời trên những gương mặt, anh Liêm cũng vỡ òa sung sướng.
“Bà con đón tiếp mình như những vị thần, đem những thứ ngon nhất như hạt gạo đỏ chỉ được ăn vào những dịp lễ tết… thết đãi. Khi chia tay bịn rịn mãi không rời, chúng tôi cũng nghẹn ngào, xúc động”, anh Liêm chia sẻ.
Cũng nhiều lúc mệt mỏi, muốn buông xuôi…
Thời sinh viên, trong một chuyến đi trao quà từ thiện tại xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, chứng kiến nỗi vất, sự thiếu thốn của người dân, anh Liêm nhớ lại tuổi thơ của mình. Anh tự nhủ, phải làm điều gì đó để giúp đỡ cho bà con nơi đây, đặc biệt là những đứa trẻ.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-10
 Cũng có nhiều lúc anh Liêm cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi...
Trở về sau chuyến đi, anh Liêm và một số bạn quyết định thành lập CLB Nụ cười hồng Đà Nẵng nhằm hỗ trợ cho người nghèo, nhất là trẻ em. Khi CLB mới đi vào hoạt động, kinh phí rất khó khăn, các thành viên phải tự trích thu nhập hằng tháng của mình, rồi bán bánh kẹo, hoa quả, tổ chức những những buổi biểu diễn nhạc đường phố gây quỹ.
Dần dần, các nhà hảo tâm thấy được việc làm ý nghĩa của nhóm, đã tin tưởng, ủng hộ, nên kinh phí đỡ khó khăn hơn. Đặc biệt là sự ủng hộ, hỗ trợ lớn từ phía gia đình, nhất là người bạn đời. Cùng chung tâm nguyện với chồng, nhưng do sức khỏe không thể đi xa được, chị đã ở chăm sóc gia đình chu đáo để chồng yên tâm đến với bà con.
Anh Ho Hoang Liem:  Nguoi “cong” uoc mo len nui-Hinh-11
 ... nhưng rồi, chứng kiến niềm vui của các em nhỏ, anh Liêm và cả nhóm lại "lên tinh thần", tiếp tục cố gắng.
Mới đầu, nhóm dự định chỉ thực hiện các hoạt động thiện nguyện trong vòng 10 năm, nhưng giờ đã bước sang năm thứ 13, những bước chân của nhóm vẫn chưa dừng lại.
“Cũng có những lúc đuối, nản lòng, vì công việc khó, nguy hiểm. Nhiều chuyến đi gặp sạt lở đất, hết nước uống giữa chừng vì phải hạn chế mang đồ ăn, nước uống để cõng đồ cho bà con, những lúc thùng hàng lăn xuống núi lại phải xuống lấy lên… Nhưng rồi, chứng kiến tụi nhỏ vui hơn cả mình lúc nhỏ, lại có quá nhiều hậu thuẫn từ gia đình, các mạnh thường quân… nên lại về nghỉ ngơi, khi có tinh thần lại tiếp tục”, anh Liêm tâm sự.
Anh Liêm cho biết, đến nay, đã có rất nhiều nhóm tham gia làm thiện nguyện, nên tiêu chí của CLB Nụ cười hồng Đà Nẵng đặt ra là đến những nơi mà các nhóm ít tới được vì đường xa, hiểm trở. Sắp tới, nhóm dự định sẽ mang thêm nhiều tấm pin mặt trời hơn nữa, thắp sáng những bản làng xa xôi. 
Anh Hồ Hoàng Liêm cho hay, “rạp chiếu phim” trên núi không chỉ để chiếu những bộ phim giải trí mà còn là công cụ hỗ trợ thầy cô giảng dạy. Trên núi không có sóng 3G, bài giảng được tải lên, các thầy cô được hướng dẫn sử dụng, giờ học sinh động, hấp dẫn hơn. Rồi các em được du lịch qua màn ảnh rộng, đến muôn nơi trên đất nước, từ Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng rồi nhiều nơi trên thế giới…
“Trước kia các em cứ nghĩ, cuộc sống trên núi đã là cả thế giới, nhưng từ những gì được xem, các em mới biết thế giới ngoài kia rộng lớn thế nào, mới hiểu đi học để làm gì, tầm quan trọng của việc học... và có ước mơ bay cao, bay xa. Đó là lý do tôi muốn tiếp tục làm những trạm điện năng lượng mặt trời có thêm những rạp chiếu phim trên núi. Như một quy ước, cứ học đủ 4-5 buổi thì các em sẽ được coi rạp vào cuối tuần, vậy là các em tự giác đi học”, anh Liêm tâm sự.
Mời quý độc giả xem video: Niềm vui của các em nhỏ vùng cao khi được xem phim hoạt hình từ "rạp chiếu phim di động" . Nguồn: NVCC.

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)