Quốc hội chốt thông qua nhiều cơ chế đặc thù cho TP HCM

Google News

Chiều 24/6, với 481/487 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong ngày làm việc cuối cùng, chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, với 481/487 đại biểu (97,37% tổng số đại biểu tham gia) tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Nghị quyết có 12 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.
Quoc hoi chot thong qua nhieu co che dac thu cho TP HCM
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.  
Mở rộng mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý một số điểm lớn tại dự thảo nghị quyết.
Về phân bổ và bố trí vốn đầu tư công, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định nội dung cho phép TPHCM được sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước để bố trí cho các dự án đầu tư công mới, vì việc sử dụng nguồn thu này đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, HĐND TP có thẩm quyền quyết định sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, trong đó bao gồm cả chi đầu tư phát triển. HĐND TP có thể chủ động quyết định mà không cần phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền trước khi bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách thành phố.
UBND TP báo cáo cấp có thẩm quyền để tổng hợp chung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang thực hiện bình thường quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự khác nhau rất lớn về nhận thức, cách hiểu quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công giữa TP HCM và 62 địa phương khác trên cả nước.
Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, để tránh cách hiểu khác nhau, thống nhất trong nhận thức pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép không quy định nội dung này tại dự thảo nghị quyết.
Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông, có ý kiến đề nghị nghiên cứu phạm vi áp dụng rộng hơn đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư trở lại cho các công trình, dự án.
UBTVQH nhận thấy, ý kiến ĐBQH là xác đáng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi áp dụng đến vùng lân cận để sử dụng hiệu quả nguồn lực tăng thêm, khai thác giá trị tăng thêm từ đất để chi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái đầu tư trở lại cho các công trình, dự án như ý kiến của ĐBQH.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm trong tuân thủ quy hoạch và nguyên tắc bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong bồi thường, giải phóng mặt bằng
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết, bổ sung quy định cần bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi bị thu hồi đất.
Có quyền thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết này.
Theo đó, thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Đồng thời, thành phố cũng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Về tổ chức bộ máy của thành phố, nghị quyết nêu rõ: UBND huyện thuộc thành phố có không quá 3 phó chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND phường, xã, thị trấn có không quá 3 phó chủ tịch. Việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức và thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được giao hằng năm.
Hội đồng nhân dân thành phố căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại các xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy...
UBND thành phố có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện theo quy định pháp luật; quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức...
Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5.". Nguồn: Truyền hình Quốc hội.

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)