Vấn đề mất việc làm, thu nhập thấp… sẽ “nóng” phiên chất vấn Quốc hội

Google News

Các đại biểu cho rằng, tình trạng mất việc làm, thu nhập thấp của người lao động… sẽ là những vấn đề được đại biểu quan tâm chất vấn các trưởng ngành.

Đời sống người lao động đang khó khăn, cần giải pháp tổng thể
Hôm nay, 6/6, Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn. Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho hay, trong những năm gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ này, vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn đã được Quốc hội chú trọng và có rất nhiều đổi mới. Các đại biểu Quốc hội đặt các câu hỏi rất trọng tâm, ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, đúng với những vấn đề mà Nhân dân và cử tri đang quan tâm.
Van de mat viec lam, thu nhap thap… se “nong” phien chat van Quoc hoi
 Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội.
Về phần trả lời, các bộ trưởng cũng trả lời rất thẳng thắn, trực tiếp, trực diện với câu hỏi, không né tránh, sẵn sàng nhận trách nhiệm. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất sôi nổi.
Trong 4 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp này, có rất nhiều các vấn đề đang đặt ra, chờ các trưởng ngành trả lời. Và một trong những nội dung đại biểu Hạ rất quan tâm, đó là lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và bất ổn của chính trị trên thế giới, đặc biệt suy thoái về kinh tế trong nước và khu vực, ảnh hưởng rất nặng nề tới các nền kinh tế. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đứt gãy các đơn hàng, hợp đồng, cho nên phải cắt giảm lao động rất lớn.
Do vậy, những vấn đề liên quan đến thu nhập, việc làm của người lao động chắc chắn cũng sẽ được các đại biểu chất vấn, kỳ vọng tìm ra những giải pháp.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, việc làm là một vấn đề rất quan trọng, nó liên quan tới vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự… Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với người lao động, mà còn ảnh hưởng tới đối tượng phụ thuộc, như con cái, người già…
“Đời sống người lao động đang khó khăn. Đây là bài toán cần giải pháp tổng thể, toàn diện, mà trước mắt là chính sách an sinh xã hội, để kịp thời hỗ trợ những người bị ảnh hưởng, bị cho thôi việc”, đại biểu Tạ Văn Hạ nêu ý kiến.
Chính sách an sinh xã hội phải được đặt lên bàn cân
Chung mối quan tâm với đại biểu Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, lực lượng lao động mất việc làm khá nhiều, cùng với đó câu chuyện đóng bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội 1 lần của người lao động tăng tỷ lệ rất cao.
Van de mat viec lam, thu nhap thap… se “nong” phien chat van Quoc hoi-Hinh-2
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội. 
Đối diện với tình trạng này có thể là vấn đề thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp có những hạn chế nhất định như: Nợ đóng, trốn đóng, điều đó làm ảnh hưởng đến lực lượng lao động, sự cống hiến của chính người lao động, họ không an tâm dẫn đến nghỉ việc.
Đại biểu cho rằng, trong phiên chất vấn hôm nay, ngoài những chính sách về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội về nhà ở, ổn định cuộc sống cho người dân nói chung, cho người lao động nói riêng thì công tác đào tạo nghề, đào tạo lại, rồi quy hoạch nghề để đưa vào đào tạo cũng sẽ là vấn đề cần đặt lên bàn cân.
Đào tạo rất nhiều, mở rất nhiều lớp, nhưng đã quy hoạch chưa, rà soát phân tích kỹ lưỡng chưa, để phối hợp với các doanh nghiệp nơi đang sử dụng lao động tổ chức đào tạo để doanh nghiệp có thể sử dụng được… là những vấn đề cần giải đáp.
“Chúng tôi kỳ vọng các nội dung này không kém phần nóng so với các nội dung liên quan đến ngành Giao thông vận tải, mong rằng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đáp ứng được nguyện vọng của dân, của cử tri cả nước, đặc biệt là của đại biểu Quốc hội.
Tôi rất mong các bộ ngành liên quan, trực tiếp là Chính phủ sẽ có chỉ đạo kịp thời, rà soát các văn bản pháp quy để ban hành kịp thời, qua đó thu hút lực lượng lao động vào lại các khu vực công và tư để tạo thu nhập càng nhiều càng tốt, càng đông càng tốt , nhưng phải ổn định không phá vỡ chiến lược, hay cơ cấu kinh tế nằm trong đà phát triển của đất nước”, đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.
Về lĩnh vực giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu cho biết, qua khảo sát ý kiến của các đại biểu, hầu như các vùng miền đều rất quan tâm đến hạ tầng giao thông vận tải. Không chỉ tạo dựng hạ tầng giao thông, còn là vận tải hàng hóa, thương mại với nhiều hình thức: Hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường ven biển, đường sắt, do vậy phải có sự phát triển toàn diện và cần có “đầu não” toàn diện để thực hiện tốt nhiệm vụ và kỳ vọng của người dân”.
Thực tế chi phí hàng hóa nhập vào cảng của Việt Nam là rẻ nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, tổng lượng hàng hóa nhập vào qua đường thủy nội địa hay đường thủy ven biển lại rất ít, chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng hàng hóa nhập vào Việt Nam.
Cái vướng ở đây, theo đại biểu, là chi phí rẻ nhưng tổng lượng hàng hóa ít do hạ tầng giao thông cho đường thủy nội bộ và đường thủy ven biển chưa tương xứng. Chưa thu hút được nhiều chủ đầu tư hay doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới đi qua đường biển để vào Việt Nam. Đó còn chưa kể đến mặt bằng bến bãi, điểm logistics của Việt Nam chưa tương xứng hoặc quy mô nhỏ, manh mún, điều đó không đáp ứng thỏa mãn kinh doanh lớn của các ông chủ lớn xuyên quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cũng cần xem xét lại công tác quản lý hàng hóa đến và đi các cảng, thời gian để hàng tồn ngoài cảng.
>>>Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện:

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)