Yêu cầu rất kỹ việc cung cấp thông tin người được lấy phiếu tín nhiệm

Google News

Người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo kết quả thực hiện công việc, kê khai tài sản trước khi tiến hành lấy phiếu. Việc cung cấp thông tin được yêu cầu rất kỹ.

Chiều 23/6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014.
Yeu cau rat ky viec cung cap thong tin nguoi duoc lay phieu tin nhiem
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời tại cuộc họp báo. 
Việc Quốc hội thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 là sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát Quy định 96.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, khâu chuẩn bị để đại biểu có thông tin đầy đủ nhằm đánh giá sát, đúng, đầy đủ, chính xác với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, tránh ý kiến cho rằng thiếu khách quan, cảm tính.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5 diễn ra chiều 24/6, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã làm rõ thêm về vấn đề này. Ông Cường cho biết, Điều 10 của nghị quyết nêu rất rõ trình tự, yêu cầu thời gian và nội dung phải gửi tới Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội và HĐND.
“Người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo kết quả thực hiện công việc của mình, kê khai tài sản để đại biểu nghiên cứu trước khi tiến hành lấy phiếu. Việc cung cấp thông tin được yêu cầu rất kỹ, tường minh trong nghị quyết vừa được thông qua”, ông Bùi Văn Cường cho hay.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, việc cung cấp thông tin không chỉ có báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn có cả báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do mặt trận các cấp tổng hợp gửi tới Quốc hội và HĐND.
Điều 10 của Nghị quyết quy định rõ: Chậm nhất là 45 ngày trước ngày dự kiến khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm và có văn bản yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo nghị quyết này và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, gửi nội dung báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân có liên quan trực tiếp đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đến người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trong trường hợp thấy cần làm rõ vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm thì chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác minh và trả lời bằng văn bản.
Chậm nhất là 10 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và người được lấy phiếu tín nhiệm để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.
Chậm nhất là 3 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu có) về những vấn đề được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ý kiến của đại biểu Quốc hội đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội có yêu cầu.
Mời quý độc giả xem video: "Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình cuối phiên họp ngày 31/5.". Nguồn: Truyền hình Quốc hội

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)