Trận chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây

Google News

Nước Nga quá lớn với tư cách nguồn năng lượng toàn cầu quan trọng nên khó có thể bị phớt lờ. Do vậy, các lệnh trừng phạt của phương Tây gần như không thể “đánh nốc ao” nền kinh tế Nga…

EU loay hoay trong cơn khát năng lượng
Tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) tại Cộng hòa Séc ngày 7/10, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối đã không thể thống nhất quan điểm cho một phương án áp giá trần đối với khí đốt. Nhiều phương án được đưa ra như áp giá trần với tất cả khí đốt; thiết lập một “hành lang năng động”; áp giá trần với khí đốt dùng để sản xuất điện hay chỉ áp giá trần riêng với khí đốt của Nga.
Tran chien nang luong giua Nga va phuong Tay
 G7 chật vật tìm cách áp giá trần dầu Nga nhưng không nhận được quá nhiều ủng hộ.
Vấn đề này đã được EU bàn trong nhiều tuần nay, nhưng chưa thể thống nhất. Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối việc áp giá trần, vì lo ngại biện pháp này sẽ khiến việc mua khí đốt khó khăn hơn và làm suy yếu các nỗ lực khuyến khích tiết kiệm năng lượng. Phát biểu với báo giới ngay sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Ireland Micheal Martin thừa nhận EU vẫn còn “nhiều việc cần phải làm” trước khi đạt được một thỏa thuận chung.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh ổn định giá khí đốt và ngăn chặn đầu cơ khí đốt là nhiệm vụ quan trọng. “Một điều rất rõ ràng là vào cuối mùa đông, khi các kho dự trữ của chúng ta cạn kiệt, điều tối quan trọng là chúng ta phải có một hợp đồng mua sắm khí đốt để tránh bị trả giá cao hơn như từng bị trước đây. Tuy nhiên, chúng ta có quyền thương lượng tập thể và đặt điều đó vào đúng chỗ”.

Tran chien nang luong giua Nga va phuong Tay-Hinh-2
 Các nước châu Âu lâm vào khủng hoảng năng lượng khi cố gây sức ép lên dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Thủ tướng Séc Fiala tuyên bố phương án cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là tách giá khí đốt khỏi giá điện đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía các quốc gia thành viên EU. “Tôi rất vui khi các đại sứ của EU đã thông qua một gói trừng phạt mới lên Nga. Châu Âu đã trở nên quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga và Nga sử dụng các nguồn năng lượng như một vũ khí. Chúng ta phải chấm dứt sự phụ thuộc này để có thể tự chủ. Tôi rất vui vì chúng ta đã thảo luận về đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu về việc tách giá khí đốt khỏi giá điện”.
Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho rằng, tại Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU cần thống nhất những biện pháp nhằm giảm giá năng lượng. Ông cũng kêu gọi giảm tiêu thụ, đồng thời đề cập đến vấn đề cung cấp khí đốt an toàn và giải pháp mua chung khí đốt, bao gồm việc tìm kiếm các đối tác thứ 3 tin cậy trong tương lai. Cũng tại hội nghị của EU, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phải đưa ra lời giải thích về gói kích thích năng lượng “Lá chắn phòng thủ” trị giá lên tới hơn 200 tỷ euro trước những lời chỉ trích từ phía Liên minh châu Âu (EU). Khối này cho rằng gói kích thích của Đức có thể làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát tại lục địa già.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức giải thích rằng, gói kích thích này là hoàn toàn hợp lý khi Pháp, Hà Lan và một số nước cũng đang làm điều tương tự. Nhà lãnh đạo Đức gợi ý các khoản tiền chưa sử dụng từ Quỹ Phục hồi châu Âu được tạo ra trong đại dịch COVID-19, tương đương 600 tỷ euro cũng nên được sử dụng để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Phương Tây muốn đánh quỵ Nga bằng các lệnh trừng phạt
Trước khi EU muốn áp giá trần khí đốt Nga, ngày 2/9/2022, bộ trưởng tài chính các nước G7 (Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ) ra thông cáo khẳng định kế hoạch thực hiện giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Tran chien nang luong giua Nga va phuong Tay-Hinh-3
Các lệnh trừng phạt của phương Tây dù nhiều nhưng chưa gây được ảnh hưởng đủ lớn lên kinh tế Nga. 
Ý tưởng áp giá trần là nhằm tạo đòn bẩy gia tăng kiểm soát của Mỹ và châu Âu đối với các dịch vụ bảo hiểm và vận tải hàng hóa, nhằm ngăn cản các ngành đó khỏi hỗ trợ bất cứ hoạt động vận chuyển dầu nào không đáp ứng giá trần chưa được quyết định, từ đó buộc Nga phải tuân thủ quy định mới. Một khi kế hoạch này được hoàn tất, các nước G7 hy vọng thực hiện được giá trần này đối với dầu thô, bắt đầu từ ngày 5-12, còn giá trần với các sản phẩm tinh chế sẽ triển khai vào thời điểm 2 tháng sau đó.
Trong một thông cáo cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi động thái trên là “một bước đi quan trọng hướng tới việc đạt mục tiêu kép là vừa giảm áp lực giá năng lượng toàn cầu vừa giảm doanh thu của Nga - thứ có thể được dùng cho cuộc chiến của họ tại Ukraine”.
Mỹ và châu Âu hy vọng một bước đi như vậy sẽ giúp lấp đầy lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà phương Tây đã áp đặt lên Nga kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2. Cho tới nay, nền kinh tế Nga vẫn ổn do họ bán được dầu và thu được nhiều tiền từ đó. Theo Nhật báo Phố Wall, Moscow đã thu được 74 tỷ USD thông qua bán dầu tính đến tháng 7 năm nay.
Nếu G7 có thể thực hiện thành công một mức giá trần, họ có thể duy trì giá dầu tương đối ổn định trong khi đồng thời giới hạn lợi nhuận của Nga, tìm ra điểm cân bằng giữa hiện trạng và một đề xuất trước đó về cấm hoàn toàn hoạt động bảo hiểm đối với xuất khẩu dầu dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2022 này. Hiện vẫn còn đó câu hỏi về liệu kế hoạch này có triển khai được hay không và hiệu quả đến đâu.
Trong các vấn đề liên quan, quan trọng nhất là phản ứng của Nga. Theo cách hiểu thông thường, Nga sẽ tuân thủ các quy định mới bởi vì dù giảm lợi nhuận thì vẫn có lợi hơn là không còn lợi nhuận. Tuy nhiên, Nga là một trường hợp đặc biệt. Theo ông Sergey Vakulenko, một nhà phân tích năng lượng độc lập, cựu lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Đổi mới tại công ty Gazprom Neft: “Moscow có thể có khuynh hướng thiết lập không phải là giá trần mà là giá sàn, cấm xuất khẩu ở giá thấp hơn ngưỡng đó… và khi ấy Moscow có thể đợi cho nhóm bên mua (không tuân theo luật chơi chung kia) tới gõ cửa nhà họ”.
Tổng thống Nga Putin đã đe dọa trả đũa các nước tham gia áp giá trần. Tương tự như với các lệnh trừng phạt trước đây, ông Putin và các đồng minh của mình chắc chắn đang thai nghén cách vượt qua các trần mới, bao gồm việc xem xét liệu có để cho doanh nghiệp bảo hiểm Nga và châu Á cung cấp bảo hiểm cho dầu Nga xuất khẩu.
Những quốc gia nào đồng lòng với phương Tây?
Nhân tố quan trọng khác cần tính tới là các bên quan trọng khác ngoài Nga và G7 phản ứng trước “sáng kiến” trên của G7, bao gồm các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Saudi Arabia vào đầu mùa hè vừa qua nhằm thuyết phục Riyadh bơm thêm dầu và xuất khẩu thêm dầu, một phần để giảm tác động từ khả năng áp giá trần lên Nga.
Tran chien nang luong giua Nga va phuong Tay-Hinh-4
Việc OPEC+ thống nhất giảm sản lượng khiến toan tính của nhiều nước phương Tây trong trận chiến năng lượng với Nga bị đổ bể. 
Nhưng hỗ trợ phương Tây trong thực thi giá trần lên dầu mỏ Nga cũng có thể đi ngược lại lợi ích của Saudi Arabia và của các nước thành viên khác trong khối OPEC. Đặt ra giá trần sẽ tạo mối đe dọa trực tiếp đối với khả năng của OPEC trong việc lập giá dầu toàn cầu. Đồng thời, có tin cho biết, đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi, một phần vì Saudi Arabia đã hết cung.
Trong một bài báo cho Carnegie, cây bút Vakulenko viết rằng: “Nghịch lý thay, Nga có thể nhận được sự giúp đỡ từ các nước OPEC ở đây. Một carten các bên mua có nguy cơ thao túng toàn bộ thị trường dầu mỏ và giá cả của nó”. Như vậy, dù Saudi Arabia có dư thừa dầu mỏ hay không thì họ vẫn ngần ngại trong việc gia tăng xuất khẩu.
Mặc dù chưa rõ phản ứng của Saudi Arabia đối với giá trần, cho tới nay nước này và OPEC đã lựa chọn cách tiếp cận ngược lại. Do giá dầu gần đây giảm, OPEC nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ. Trong cuộc họp chính sách ngày 5/10 mới đây diễn ra tại Vienna (Áo), các bộ trưởng năng lượng thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.
Cuối cùng, G7 cũng cần đến Trung Quốc và Ấn Độ để kế hoạch của mình thành công. Hai cường quốc kinh tế này là những nước đang mua lượng lớn dầu của Nga. Cho tới nay, hai nước này không cam kết về cách thức phản ứng trước giá trần. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri cho biết, ông sẽ xem xét đề xuất đó, nhưng cuối cùng ông không có xung đột đạo đức nào trong làm ăn với Nga. Trước đó, trong tháng 9 này, ông Puri nói: “Tôi có nghĩa vụ đạo đức đối với khách hàng của tôi”.
Nước Nga quá lớn với tư cách nguồn năng lượng toàn cầu quan trọng nên khó có thể bị phớt lờ. Do vậy, các lệnh trừng phạt của phương Tây gần như không thể “đánh nốc ao” nền kinh tế Nga. Nếu Nga không tuân thủ giá trần, một cuộc chiến tiêu hao có thể gia tăng giữa Nga và phương Tây. Nếu ông Putin quyết định ngừng xuất khẩu sang các nước thực hiện giá trần trước tháng 12 tới, giá dầu sẽ tăng một lần nữa, gây đau đầu về mặt chính trị cho ông Biden trước đợt bầu cử giữa kỳ sắp tới của Mỹ.
Theo Đỗ Tiến/An ninh thế giới online

>> xem thêm

Bình luận(0)